Chỉ 3 TAND cấp tỉnh có thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài

Mô hình mới tập trung thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài cho ba TAND cấp tỉnh tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trọng tài thương mại ngày càng được xem là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nhờ tính linh hoạt, bảo mật và giảm thiểu thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp và nhất quán trong phán xử, cơ chế giám sát của tòa án đối với hoạt động trọng tài giữ một vai trò thiết yếu, đặc biệt trong việc xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

 Các đại biểu bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND ngàu 26-6, trong đó nêu UBTVQH quy định thẩm quyền theo lãnh thổ của một số TAND cấp tỉnh đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Ảnh: QH

Các đại biểu bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND ngàu 26-6, trong đó nêu UBTVQH quy định thẩm quyền theo lãnh thổ của một số TAND cấp tỉnh đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Ảnh: QH

Thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài của tòa án

Nhằm xác lập rõ cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng giám sát này, Nghị quyết 81/2025/UBTVQH15 (Nghị quyết 81/2025) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ 1-7-2025, đã chính thức quy định TAND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Cả nước chỉ có 3 tòa án cấp tỉnh mới có thẩm quyền này gồm Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Trong khi đó, theo quy định trước đây, thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài thuộc về TAND cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết. Nghĩa là tòa án tỉnh nào cũng có thẩm quyền.

Ở các quốc gia có hệ thống trọng tài phát triển như Singapore, Hong Kong, Anh hay Đức, việc xem xét hủy phán quyết trọng tài được giao cho các tòa án cấp cao hoặc các tòa chuyên trách của tòa cấp cao. Tại Singapore, Tòa thượng thẩm đảm nhận vai trò này thông qua một phân ban chuyên biệt. Tương tự, Anh sử dụng Tòa Thương mại Tòa án Cao cấp và Đức quy định thẩm quyền tại Tòa thượng thẩm.

Những thực tiễn này nhấn mạnh rằng, trong hệ thống tư pháp tiến bộ, việc giám sát hoạt động trọng tài cần được giao cho tòa án cấp cao nhằm đảm bảo khả năng giám sát hiệu quả. Do vậy, việc giao thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài cho TAND cấp tỉnh là lựa chọn phù hợp với thông lệ quốc tế và tiêu chuẩn tư pháp hiện đại.

 Tác giả- Luật sư Trần Duy Cảnh.

Tác giả- Luật sư Trần Duy Cảnh.

Lý do nên giao thẩm quyền cho cấp tỉnh

Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM là những nơi có mật độ cao các vụ việc trọng tài và đội ngũ thẩm phán dày dạn kinh nghiệm. Việc lựa chọn 3 TAND cấp tỉnh tại đây là hợp lý

Thứ nhất, về năng lực chuyên môn và tính kế thừa, TAND cấp tỉnh đã tích lũy kinh nghiệm nền tảng vững chắc trong việc xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, thông qua thực tiễn giải quyết nhiều vụ việc kể từ khi Luật Trọng tài thương mại 2010 có hiệu lực. Việc tiếp tục giao thẩm quyền cho cấp tòa này không chỉ đảm bảo sự nối tiếp nhất quán về mặt tổ chức, mà còn tránh được những gián đoạn có thể phát sinh trong quá trình chuyển giao.

Thứ hai, xét theo cơ cấu tổ chức và thẩm quyền hiện hành, TAND khu vực được định vị là cấp xét xử sơ thẩm, trong khi TAND cấp tỉnh chủ yếu thực hiện chức năng phúc thẩm. Trong trường hợp một tranh chấp đã được giải quyết thông qua trọng tài – vốn được nhìn nhận như một cơ chế xét xử độc lập tương đương cấp sơ thẩm – thì yêu cầu hủy phán quyết trọng tài cần phải được xem xét bởi một cấp tòa có vị trí cao hơn, cả về mặt tổ chức lẫn chuyên môn. Điều này bảo đảm tính khách quan và đúng với nguyên lý giám sát trong hệ thống tư pháp.

Thứ ba, xét về khía cạnh thực tiễn, phần lớn các tranh chấp trọng tài tại Việt Nam hiện nay được diễn ra tại các khu vực kinh tế trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng - nơi tập trung nhiều tổ chức trọng tài, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, việc tập trung đầu mối thẩm quyền vừa phù hợp với nhu cầu nguồn lực, đảm bảo nâng cao chất lượng xét đơn hủy. Về phương diện chuyên môn hóa, việc giới hạn thẩm quyền tại ba Tòa án sẽ tạo điều kiện hình thành đội ngũ thẩm phán có chuyên môn sâu. Điều này giúp hạn chế các cách hiểu và áp dụng pháp luật thiếu thống nhất, từ đó củng cố tính dự đoán và ổn định của hệ thống pháp lý – một yếu tố được cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế đặc biệt coi trọng.

Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, nếu thẩm phán khi xét đơn hủy phán quyết nếu muốn hủy thì cần thỉnh thị ý kiến của tòa cấp trên (thường là tòa án cấp tối cao). Nếu không hủy thì cứ ban hành quyết định. Việc ra đời Nghị quyết 81/2025/UBTVQH15 là một bước đi thận trọng, tuy không có đột phá trong lộ trình cải cách tư pháp nhưng là phương án chấp nhận được, phản ánh sự lựa chọn có cơ sở cả về pháp lý, thực tiễn lẫn thông lệ quốc tế, phù hợp với yêu cầu ổn định và dự đoán được của môi trường đầu tư.

Trong bối cảnh số lượng tranh chấp thương mại tại trọng tài ngày càng gia tăng về quy mô và tính chất phức tạp, việc giao trách nhiệm giám sát cho một cấp tòa có kinh nghiệm dày dạn, có vị thế tương xứng và khả năng tiếp cận chuyên môn sâu là hết sức cần thiết.

Từng đề xuất giao TAND khu vực

Trước đó, trong quá trình soạn thảo, ngày 27-5-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đưa ra Dự thảo đề xuất mô hình ba cấp tòa án mới – trong đó có TAND khu vực – giao thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài cho cấp tòa này. Tuy nhiên, tiếp thu các ý kiến phản biện từ thực tiễn thì Nghị quyết số 81/2025 đã thống nhất phương án như đã nêu trên.

Từ góc độ tổ chức hệ thống tư pháp, đề xuất giao thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài cho TAND khu vực thể hiện rõ chủ trương phân cấp và giao quyền cho cơ sở đang được Đảng và Nhà nước đẩy mạnh. Việc thiết lập TAND khu vực hướng tới mục tiêu không chỉ tinh gọn bộ máy mà còn nâng cao năng lực xử lý tại tuyến gần dân và doanh nghiệp hơn.

Dù được đánh giá là có một số ưu điểm nhất định nhưng nhiều chuyên gia pháp lý đã lên tiếng phản biện, cho rằng phương án này tiềm ẩn rủi ro cả về tổ chức lẫn thực tiễn áp dụng.

Thứ nhất, về phương diện tổ chức, TAND khu vực là một cấp tòa mới thành lập. Đặc thù của việc xem xét hủy phán quyết trọng tài đòi hỏi không chỉ kiến thức pháp luật tố tụng mà còn cần sự hiểu biết sâu sắc về các nguyên tắc thương mại và thông lệ quốc tế - điều mà một thiết chế non trẻ khó có thể đáp ứng ngay lập tức.

Thứ hai, trên thực tế, việc áp dụng căn cứ "trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam" cũng như nhiều căn cứ khác như thẩm quyền chuyên biệt của tòa án Việt nam đang là điểm gây nhiều tranh cãi, do chưa có cách hiểu thống nhất trong thực tiễn xét xử. Nếu trao thẩm quyền này cho một cấp tòa với các thẩm phán ít kinh nghiệm, nguy cơ giải thích và áp dụng pháp luật thiếu nhất quán sẽ càng tăng cao.

Thứ ba, quy trình tố tụng liên quan đến hủy phán quyết trọng tài không có cơ chế giám sát cấp cao - nghĩa là các quyết định đưa ra sẽ mang tính chung thẩm, không thể bị kháng cáo, kháng nghị. Trong bối cảnh đó, một sai sót về kỹ thuật hay đánh giá pháp lý có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng và không thể khắc phục.

Hệ quả tổng hợp là môi trường trọng tài tại Việt Nam sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn về chất lượng việc xem xét hủy phán quyết. Điều này không chỉ dẫn tới khả năng gia tăng các vụ kiện trọng tài đầu tư quốc tế, mà còn ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Luật sư TRẦN DUY CẢNH - NGÔ THỊ MINH NGUYỆT

Nguồn PLO: https://plo.vn/chi-3-tand-cap-tinh-co-tham-quyen-huy-phan-quyet-trong-tai-post859633.html