Vì sao 'siêu đô thị' TPHCM chưa đuổi kịp Jakarta về quy mô kinh tế?
Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) là 'siêu đô thị' đầu tiên của Việt Nam theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, tức là khu vực đô thị có dân số vượt ngưỡng 10 triệu người. Tuy nhiên, để bứt phá vươn lên, 'siêu đô thị' này còn nhiều việc phải làm.
Động cơ 3 thành phần
“Tôi vừa gặp đại diện một quỹ đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc). Họ rất quan tâm đến bất động sản công nghiệp tại TPHCM”, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA), ông Trần Thiên Long nói với VietNamNet khi vừa kết thúc buổi làm việc với đối tác nước ngoài.
Theo ông Long, các cuộc gặp, tiếp xúc như vậy diễn ra khá thường xuyên thời gian qua, đặc biệt khi thông tin về địa giới của TPHCM mới chính thức được công bố. Các doanh nghiệp FDI, các quỹ đầu tư ngoại nhìn về TPHCM mới với lợi thế của hệ sinh thái đã được thu về một mối gồm các nhánh: trung tâm tài chính - thủ phủ công nghiệp - dịch vụ cảng biển.
Phó Chủ tịch VIREA ước tính, TPHCM mới có khoảng 100 khu công nghiệp (cũ và quy hoạch mới). Với quỹ đất lớn, đây sẽ là địa phương thu hút mạnh dự án đầu tư của giới doanh nghiệp trong và ngoài nước thời gian tới.

Chuyên gia ước tính, tổng GRDP của TPHCM sau hợp nhất đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 104 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Huế
Dẫu vậy, không chỉ là sự mở rộng đơn thuần về địa lý hay dân số, sáp nhập ba địa phương dẫn đầu về quy mô kinh tế, gồm TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, còn là sự cộng hưởng nguồn lực, cơ sở hạ tầng, cơ cấu ngành và chiến lược phát triển.
TS Vũ Thị Hồng Nhung, Giảng viên Kinh tế Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, TPHCM mới là một nền kinh tế đa ngành với tính bổ trợ cao giữa các khu vực.
Cụ thể, TPHCM (cũ) giữ vai trò là trung tâm tài chính, công nghệ và thương mại điện tử, trong đó kinh tế số đóng góp tới 40% vào GRDP. Tỉnh Bình Dương (cũ) giữ vị thế “thủ phủ công nghiệp” của cả nước, nổi bật với năng lực sản xuất và khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) sở hữu hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, là đầu mối quan trọng cho logistics, dầu khí và du lịch biển.
Sự kết hợp giữa ba địa phương hình thành nên một "cụm động cơ ba thành phần", gồm công nghiệp - tài chính - logistics và du lịch, có khả năng phát triển tương hỗ và tạo ra sức bật hơn so với việc từng địa phương hoạt động độc lập như trước.
“Mô hình này giúp hình thành chuỗi liên kết đô thị - công nghiệp - cảng biển - dịch vụ, tương đồng với các mô hình đã thành công tại Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore hay Bangkok (Thái Lan)”, bà Nhung nhận xét.

6 tháng cuối năm, tăng trưởng của TPHCM còn phải đối mặt nhiều thách thức. Ảnh: Nguyễn Huế
Thách thức cho tăng trưởng
Với dân số khoảng 14 triệu người, TPHCM mới chính thức trở thành “siêu đô thị” đầu tiên của Việt Nam theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, tức là khu vực đô thị có dân số vượt ngưỡng 10 triệu người.
Dựa trên số liệu thống kê năm 2024, TS Vũ Thị Hồng Nhung ước tính, tổng GRDP hợp nhất của TPHCM sau khi sáp nhập ước đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 104 tỷ USD). Trong đó, TPHCM cũ đóng góp khoảng 1,778 triệu tỷ đồng, Bình Dương cũ là 0,52 triệu tỷ đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ là 0,417 triệu tỷ đồng.
Dù đã mở rộng đáng kể, song quy mô kinh tế của "siêu đô thị" tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với một số đô thị lớn trong khu vực. Đơn cử, tổng GRDP của TPHCM hiện chỉ bằng khoảng 47% quy mô kinh tế của Jakarta (226 tỷ USD, năm 2024).
Tại phiên họp đầu tiên về kinh tế - xã hội của TPHCM sau hợp nhất, nói về mục tiêu tăng trưởng năm 2025, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TPHCM, chỉ ra 2 vấn đề lớn mà thành phố phải đối mặt.
Thứ nhất, chỉ số giá của thành phố đang rất cao. Cụ thể, so với cùng kỳ, chỉ số giá sản xuất nông nghiệp tăng 13%; sản xuất công nghiệp tăng 5,37%; sản xuất dịch vụ tăng 10%; giá cước vận tải cũng tăng trên 22%. Do đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm của TPHCM tăng tới 4,4%. CPI tăng ảnh hưởng lớn tới sức mua và sản xuất, từ đó, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2025.
Thứ hai, trong 6 tháng đầu năm, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thị trường lại có 9 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh và đầu tư tại TPHCM vẫn còn điểm nghẽn.
Liên quan đến vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS), ông Trương Minh Huy Vũ lưu ý, thành phố cần phân tích cụ thể quy mô, lĩnh vực của các doanh nghiệp đã rời bỏ thị trường.
Trước mắt, đối với hoạt động đầu tư, chính quyền thành phố cần thí điểm “mô hình luồng xanh” cho các dự án ưu tiên, cả về đầu tư công lẫn đầu tư tư. Luồng xanh giúp thành phố tập trung nguồn lực vào dự án cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để đưa các dự án vào thực tiễn.
“Cần có một chương trình cắt giảm thủ tục hành chính với khái niệm ‘máy cắt’ để giúp thị trường thông thoáng nhất có thể”, ông Vũ nêu giải pháp.
Đánh giá TPHCM mới là đô thị đa cực với thế mạnh công nghiệp, cảng biển, du lịch và tài chính, song khi trao đổi với VietNamNet, TS Phan Thanh Chung, Giảng viên Kinh tế Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, chỉ ra rằng điểm nghẽn lớn nhất của thành phố là thiếu một cơ chế điều phối vùng.
Hiện TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn có hệ thống quản lý, ngân sách, quy hoạch riêng biệt. Nếu không sớm thay đổi, sự phát triển sẽ rơi vào tình trạng manh mún, cạnh tranh nội vùng và lãng phí nguồn lực.
Để khai thác tối đa tiềm năng của thành phố mới, điều kiện tiên quyết là phải có một cơ chế điều phối vùng đủ mạnh và linh hoạt. Ông Chung nêu ví dụ về thiết chế điều phối vùng, tương đương mô hình chính quyền đô thị vùng như tại Tokyo (Nhật Bản) hay London (Anh). Cơ quan này có quyền phê duyệt quy hoạch liên tỉnh, phân bổ ngân sách, điều phối đầu tư công và kết nối dữ liệu hành chính.
Bên cạnh đó, TPHCM mới cần quy hoạch tổng thể vùng tích hợp, phân vai phát triển rõ ràng: khu vực Bình Dương (cũ) tập trung công nghiệp - chế tạo; Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) phát triển logistics - cảng biển, du lịch; còn TPHCM lõi giữ vai trò trung tâm tài chính - dịch vụ cao cấp và đổi mới sáng tạo.
Song song đó, thành phố phải đẩy nhanh đầu tư mạng lưới hạ tầng kết nối, gồm đường cao tốc, đường sắt chuyên dụng và logistics cảng biển.
“TPHCM chỉ thành công nếu sáp nhập đi kèm liên kết thực chất, không chỉ là sự mở rộng hành chính đơn thuần. Ngoài ra, việc áp dụng chính sách ưu đãi linh hoạt theo đặc thù từng vùng cũng có thể tạo động lực tăng trưởng mới”, đại diện RMIT chỉ rõ.