Chỉ 9/76 cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở TP. Thủ Đức đủ điều kiện nhận hỗ trợ
Cần xem xét, giải quyết chế độ cho GV mầm non độc lập tại địa bàn có khu công nghiệp chưa đạt chuẩn theo quy định để họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài
Ngày 9 tháng 12 năm 2021, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết có hiệu lực từ 19/12/2021.
Tuy nhiên, đã gần 2 năm thực hiện Nghị định, nhiều cơ sở giáo dục mầm non độc lập, nhiều học sinh, giáo viên trên địa bàn Thành phố vẫn chưa nhận được hỗ trợ theo chính sách này.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức cho biết, hiện trên địa thành phố Thủ Đức có 76 cơ sở giáo dục mầm non được cấp phép nằm trên địa bàn 4 khu công nghiệp gồm: khu công nghiệp Cát Lái, khu Chế xuất Linh Trung 2, khu chế xuất Sài Gòn - Linh Trung, khu công nghiệp Bình Chiểu. Trong đó bao gồm, 26 trường mầm non và 50 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.
Hiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức đã chi hỗ trợ cho 9/76 cơ sở đủ điều kiện có số trẻ từ 30 % trẻ em là con công nhân người lao động làm việc tại khu công nghiệp (được hưởng chính sách hỗ trợ 1 lần).
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức đã triển khai chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp.
Sau khi tổng hợp hồ sơ học sinh của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập ở địa bàn khu công nghiệp, cơ sở có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ cơ sở vật chất 01 lần, bao gồm: trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hỗ trợ chi phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.
Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thủ Đức đã chi thực hiện chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả, có 9 cơ sở giáo dục mầm non độc lập đủ điều kiện hưởng với tổng số tiền hỗ trợ là 225 triệu đồng, được thực hiện chuyển khoản vào tài khoản các cơ sở giáo dục mầm non đủ điều kiện, cụ thể:
Cơ sở dưới 30 trẻ có 6 đơn vị với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/đơn vị gồm: Nhà trẻ Ngôi Sao Xanh, Nhà trẻ Cánh Diều Vàng, Lớp Mẫu giáo Chim Vàng Anh, Lớp Mẫu giáo Ngọc Đạt, Lớp Mẫu giáo Khang Nguyên, Lớp Mẫu giáo Thiên Nhi;
Cơ sở từ 30 trẻ đến dưới 50 trẻ có 3 đơn vị với mức hỗ trợ 35 triệu đồng/đơn vị (Lớp Mẫu giáo Tuổi Thơ, Lớp Mẫu giáo Bảo Hân, Lớp Mẫu giáo Ánh Sao).
Số cơ sở không đủ điều kiện nhận hỗ trợ là 67/76 đơn vị (chiếm tỉ lệ: 88,2%) vì có số trẻ dưới 30% trẻ em là con công nhân người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức thông tin thêm về kết quả thực hiện Chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp theo Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND:
Triển khai Chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức đã chi cho 3.679 trẻ em mầm non đang theo học tại 143 cơ sở với tổng số tiền 2.572.320.000 đồng.
Trong đó, số trẻ em là con công nhân người lao động đang đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn khu công nghiệp là 2.866 trẻ (số trẻ đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non nằm trên địa bàn khu công nghiệp đủ điều kiện theo quy định) với tổng số tiền trợ cấp là 2.002.400.000 đồng.
Bên cạnh đó, số học sinh không đủ điều kiện là 3.969/6.835 trẻ chiếm tỉ lệ 58,1% đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn khu công nghiệp, trong đó, có 3.908 trẻ có cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ không làm trong khu công nghiệp, 61 trẻ phụ huynh chưa làm hồ sơ xác nhận kịp, xin được nhận hỗ trợ vào kỳ chi trả tiếp theo.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức thông tin về kết quả thực hiện Chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp theo Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND như sau:
Theo đó, chính sách này được áp dụng đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp bảo đảm những điều kiện tại khoản 1 Điều 10 của Nghị định số 105/2020/NĐ-CP được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng; số lượng giáo viên trong cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục được hưởng hỗ trợ được tính hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức đã thực hiện chính sách này với tổng số tiền là 380.800.000 đồng đối với 107/315 giáo viên đủ điều kiện theo Nghị quyết số 27 là số lượng giáo viên đang trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định; có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục.
Số giáo viên giảng dạy ở các cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất không đủ điều kiện là 208/315 giáo viên chiếm tỉ lệ 66,03%, lý do không đủ điều kiện hưởng cụ thể như sau: học sinh không có cha, mẹ làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc không đủ điều kiện vì chưa đạt 30% số học sinh/lớp là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định.
Ngoài ra thành phố Thủ Đức còn chỉ đạo các trường mầm non tiếp tục thực hiện giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn; chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo theo Nghị định số 105/NĐ-CP của Chính phủ.
Cũng theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức, khi triển khai chính sách đến các cơ sở giáo dục mầm non theo Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND cũng gặp một số những khó khăn, vướng mắc nhất định.
Cụ thể, trong quá trình rà soát danh sách các công ty trong khu công nghiệp, khu chế xuất không có công ty, chỉ có kho, bãi nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình rà soát.
Công tác thanh toán, chuyển khoản đến từng phụ huynh học sinh có con em đang theo học tại các cơ sở giáo dục, phụ huynh cung cấp số tài khoản không đúng tên cha hoặc mẹ, sai số, sai tên ngân hàng nên việc rà soát gặp nhiều khó khăn.
Chế độ chính sách đối với giáo viên được hưởng theo Nghị quyết 27 phải đạt chuẩn chuyên môn theo qui định. Theo Luật Giáo dục 2019 yêu cầu trình độ chuẩn của giáo viên mầm non là Cao đẳng sư phạm mầm non. Có 92 giáo viên trung cấp vẫn chưa đạt chuẩn theo quy định (đang theo học các lớp nâng chuẩn).
Do vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức đã có kiến nghị, đề xuất lên Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét và giải quyết chế độ cho đội ngũ giáo viên mầm non vẫn chưa đạt chuẩn theo quy định để họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với Ngành học mầm non.
Chia sẻ từ đại diện một trường mầm non tư thục tại khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh cho hay, trường đã làm đề xuất, yêu cầu trình lên phòng giáo dục nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ hỗ trợ nào.