Chị Bảy Đông ở Đồng 41

Trước năm 1967, cánh đồng này vẫn như bao cánh đồng khác - không có tên gọi rõ ràng. Sau khi cuộc thảm sát 41 người dân vô tội xảy ra, không ai bảo ai, mọi người đều gọi đây là Đồng 41 để nhắc nhở thế hệ sau nhớ đến sự tàn ác, khát máu của quân cướp nước. Hiện chị Du Thị Đông (còn gọi là chị Bảy Đông, ở ấp Tây Nam, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) là người cuối cùng còn lại trong đợt thảm sát Đồng 41 năm xưa…

1. Khi tôi tìm đến, chị Bảy Đông niềm nở đón tiếp. Thật lòng, tìm về Tân Hòa, tôi chỉ muốn thăm chị sau nhiều năm không gặp. Tôi không muốn nghe chị kể chuyện bị thảm sát trên cánh đồng 41 nữa. Nhưng đồng lúa lao xao vẫn ùa về nỗi đau muốn quên mà vẫn khắc sâu vào tâm khảm người còn sống…

Năm ấy, nhà mẹ Thạnh bị giết 11 người, chỉ có chị Bảy Đông còn sống sót. Đôi mắt đen của chị vẫn sâu thẳm nỗi buồn. Chị kể: Khu vực này người dân hầu hết theo cách mạng, cha và chị tôi cũng là liệt sĩ. Ngày đó, may mắn cho tôi là bọn chúng không quay lại lần nữa. Nếu không, có lẽ tôi đã không sống đến bây giờ. Tôi nhớ mình đã nằm bên cạnh xác người thân cho đến khi mọi người phát hiện ra tôi còn sống.

Vượt qua nỗi đau mất người thân và trở thành người không lành lặn, lớn lên, chị Đông tiếp bước cha anh tham gia các cuộc đấu tranh, biểu tình, nuôi giấu cán bộ cách mạng... Khi đất nước thống nhất, chị nỗ lực hết mình để nuôi 2 người con trưởng thành. Với cánh tay còn lại, chị đã dũng cảm đứng lên bằng nghị lực phi thường để ở lại mảnh đất đau thương này.

 Chị Bảy Đông (phải) và tác giả

Chị Bảy Đông (phải) và tác giả

Chị cột lưỡi liềm vào bàn tay cụt để cắt lúa, thoăn thoắt như múa trên cánh đồng. Chị chăm sóc, vỗ về, cho con bú bằng cánh tay còn lại và bầu sữa dạt dào tình mẫu tử. Chị chùi xoong nồi ngoài cầu ao bằng một cánh tay. Gian bếp nhà chị xoong nồi sạch bóng như gương mà khi nhìn vào, ngay cả những phụ nữ lành lặn hai tay còn phải hổ thẹn…

Cứ như vậy, chị bước đi giữa cuộc đời, chân bám chặt vào cánh đồng ấp Tây, đạp bằng những đổ nát, gai góc để một lần nữa vượt lên đói nghèo, để có được ngôi nhà khang trang, để nuôi con khôn lớn. Nghe nói trước đó chị có làm tay giả nhưng nó vướng víu, chị quẳng sang một bên, cứ mõm tay cụt mà làm lụng...

2. Mấy mươi năm sau, tôi về Đồng 41, ngỡ ngàng trước bao điều thay đổi. Năm 2018, chị Bảy Đông hiến 1 công đất xây bia tưởng niệm Đồng 41. Chị kể về nỗi đau của mình khi dịch Covid-19 đã cướp đi đứa con trai đầu: “Cái thằng em chụp ảnh mấy mươi năm trước đó. Nó mất, chị buồn đau, đổ bệnh cả năm trời, giờ mới đỡ hơn chút”. May mắn chị còn đứa con trai út Huỳnh Đông Hồ hiếu thảo, siêng năng. Vườn mít quanh nhà em trĩu quả.

Tôi hỏi chị: “Bờ xôi ruộng mật vầy, hiến một công đất chị có tiếc không?”. Chị thật thà nói: “Đất quý vì thấm mồ hôi và máu. Nhưng không tiếc vì bia tưởng niệm đó nhắc cháu con chuyện 41 người đã ngã xuống để giữ đất”. Chị ôm tôi, nước mắt chảy tràn…

Những chuyến đi đã cho tôi gặp những nhân chứng chiến tranh, những con người kỳ diệu để có được những trang viết thấm đầy số phận con người. Tôi kể với chị câu chuyện năm 2019, khi được sang thành phố Deagu, Hàn Quốc giới thiệu tập thơ Cây tâm hồn gồm 30 nhà thơ Hàn và Việt, có ngài Thị trưởng đến dự. Đoàn Việt Nam được các bạn Hàn Quốc đón tiếp nồng nhiệt, đưa đi thăm nhiều nơi, rất nhiệt tình.

Lúc ấy, câu chuyện thảm sát ở Đồng 41 cùng hình ảnh chị Du Thị Đông chùi xoong nồi ngoài cầu ao bằng cánh tay cụt của mình hiện về, khiến tôi viết nên bài thơ Tình Deagu. Buổi chia tay, tôi đọc bài thơ cho những người bạn Hàn nghe. Tôi đã khóc vì xúc cảm dâng trào. Giờ tôi lại rơi nước mắt vì hạnh phúc khi mang Tình Deagu về Đồng 41 đọc cho chị Bảy Đông nghe...

“...Tôi biết đằng sau sức mạnh chiến tranh cuốn đi nhiều thứ

Là lời tạ lỗi cánh đồng

Giờ phủ đầy lúa thơm...”

Chị nói những người bạn Hàn của Quỹ Hòa bình Hàn - Việt đã đến Đồng 41 thắp hương. Các bạn hứa sẽ xây đường, xây cầu, nói lời tạ lỗi quá khứ. Tôi lại rưng rưng nhìn chị chùi xoong nồi ngoài cầu ao bằng mõm tay cụt của mình. Vẫn như 24 năm trước tôi tìm về cánh đồng 41, chị Bảy Đông vẫn với chất giọng trầm, ấm áp, điềm tĩnh và đôn hậu kể chuyện hôm ấy và hôm nay…

Chị lại nói nhiều về chuyện làm ăn. Tôi hỏi chị bí quyết nào một mình chèo chống làm kinh tế gia đình giỏi, nuôi con ngoan vậy. Mắt chị thoáng ánh buồn: Chị chẳng có bí quyết gì. Đơn giản là làm cái gì cũng phải đến nơi đến chốn. Mình yêu đất, yêu cây thì phải lắng nghe cây, đất cần gì để chăm chút, đáp ứng điều chúng mong đợi, như chuyện bón phân, xịt thuốc phải đúng thời điểm để đồng lúa xanh tươi, trĩu hạt.

3. Con trai chị Bảy Đông lớn lên đã giỏi nghề nông, đỡ đần phần lớn công việc để vai mẹ nhẹ gánh. Chị và con trai bàn với nhau mùa mưa này sẽ múc đất đắp ao để trồng mít. Xách trên tay trái mít nặng trĩu, chị hồ hởi nói: Nghề nông cũng cần sự linh hoạt, cần liệu sức mình.

Chị nói với thằng Hồ đừng ham trồng sầu riêng vì phải chăm sóc nhiều, phải tác động thuốc men, trong khi mít dễ trồng, chỉ cần bón phân đúng lúc, bao trái để tránh sâu. Cây trồng cũng đừng tham ken dày quá, cứ cách nhau 3m, để đất còn thở, cây cũng được nắng gió chan hòa, không tranh giành che khuất nhau! Cây mít lại cho trái quanh năm...

Nghe chị nói mà mê, tôi được truyền cảm hứng nghề làm nông. Vâng, chan hòa, hòa hợp, tất cả đều được đón nắng gió, không che khuất ai để tận hiến và hạnh phúc. Triết lý của chị Bảy Đông, cô bé sống sót trên cánh đồng 41 năm nào giản dị đến nao lòng!

TRẦM HƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chi-bay-dong-o-dong-41-post743434.html