Chỉ biết đến khai thác thôi là đáng trách!

Cách đây không lâu, gia đình tôi có dịp ghé thăm một tỉnh ven biển miền Trung, nơi vốn nổi tiếng với 'đặc sản' nắng như 'rang' và gió như 'phang'.

(KTSG) – Cách đây không lâu, gia đình tôi có dịp ghé thăm một tỉnh ven biển miền Trung, nơi vốn nổi tiếng với “đặc sản” nắng như “rang” và gió như “phang”.

Như thường lệ, tôi đặt phòng khách sạn qua một trang web đặt phòng nổi tiếng. Đó là một khách sạn 3 sao nằm trong khu đô thị biển ngay trung tâm thành phố, gần bãi tắm và các khu vui chơi trẻ em, cùng nhiều dịch vụ ăn uống và giải trí.

Rác vương vãi trên bãi biển của một địa điểm du lịch khá nổi tiếng. Ảnh: KIM NGÂN

Rác vương vãi trên bãi biển của một địa điểm du lịch khá nổi tiếng. Ảnh: KIM NGÂN

Điều đáng nói là khi đến khách sạn, chúng tôi đã nhận phòng kèm theo một lời đề nghị của chủ khách sạn: hủy đặt phòng qua trang web đặt phòng tôi đã chọn. Tôi nhận ra rằng, chủ khách sạn muốn tránh việc trả phí hoa hồng cho bên cung cấp dịch vụ trung gian. Đây là hành vi thiếu minh bạch, tạo ra sự không công bằng trong quá trình đặt phòng và thanh toán, gây ra sự bất tiện cho du khách và thật sự khiến chúng tôi bối rối khi phải đối mặt với việc có nên “tiếp tay” cho một hành vi không trung thực hay không?

Hành vi của chủ khách sạn có thể vi phạm các quy định về giao dịch thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dù trang web nhận đặt phòng nọ khó có thể phát hiện ra nếu không có phản hồi từ khách hàng, nhưng đây rõ ràng là một hành vi kinh doanh không lành mạnh. Việc hợp tác theo cách này trong ngành du lịch liệu có bền lâu?

Sau khi nhận phòng, chúng tôi được chủ khách sạn giới thiệu rằng có thể đi dạo trên con đường ven biển cách chỗ lưu trú chỉ vài phút đi bộ. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, con đường khá nhếch nhác dù đã được đầu tư xây dựng bờ kè. Hệ thống cống nước thải xả thẳng xuống bãi tắm, và dọc theo con đường vốn lẽ ra rất đẹp này, người ta phóng uế bừa bãi, vứt rác khắp nơi.

Ngay bãi tắm, một đống rác từ lưới đánh cá dạt vào bờ và vô số thứ mắc kẹt theo đó, không biết đã tồn tại từ bao giờ. Nhiều gia đình mang tấm bạt trải dưới những gốc cây để vui chơi, ăn uống và sau đó tiện tay để lại rác ngay tại chỗ ngồi khi họ rời đi. Rác thải nằm rải rác ở gốc cây, trên lối đi và cả trên bãi biển.

Cứ tưởng rằng sẽ không còn thấy cảnh nhếch nhác khi tham quan một địa điểm trên đồi cao, nhưng không phải vậy. Từ chỗ bãi gửi xe lên phía trên đồi, có một hoặc hai thùng rác nhưng bên trong không có rác bởi chúng nằm cả ở bên ngoài rồi – vỏ chai nước, túi nylon. Ý thức kém của khách du lịch là một vấn đề, nhưng ý thức kém của đơn vị khai thác du lịch tại địa phương còn đáng nói và đáng trách hơn cả. Vì sao đã bán vé khai thác du lịch như một dịch vụ mà lại bỏ qua khâu thu gom rác và giữ vệ sinh môi trường nơi điểm đến?

Khi đi du lịch, ngoài vấn đề vệ sinh môi trường, điều khiến tôi lưu tâm nhất là an toàn thực phẩm. Vì vậy, trong hành lý của tôi luôn có một ít thuốc để đề phòng cho cả gia đình. Do đã bị ám ảnh bởi những vụ ngộ độc thực phẩm gần đây, mỗi lần đi ăn, chúng tôi vừa phải quan sát cách phục vụ của nhân viên, vừa phải vận dụng hết các giác quan để kiểm tra xem thức ăn có mùi vị gì bất thường hay không. Ăn trong trạng thái lo lắng như vậy khiến bữa ăn không còn ngon miệng, chúng tôi ăn chỉ để no bụng chứ không phải để thưởng thức.

Tôi nhớ có lần ra Hà Nội, cả đoàn chúng tôi đi ăn bún chả ở một quán rất nổi tiếng. Vì tầng một của quán đã hết chỗ, chủ quán bảo chúng tôi di chuyển lên tầng hai. Khi đi qua khu vực bếp, chúng tôi đã thấy các loại đồ đạc chế biến và rau sống nằm ngổn ngang dưới nền nhà – nơi nhân viên và khách hàng đi giày dép từ bên ngoài vào. Lên tầng hai rồi, một số người trong đoàn từ chối gọi món vì những gì họ vừa chứng kiến. Dù thức ăn có ngon đến đâu, việc thấy cảnh chế biến thực phẩm ở một nơi như vậy khiến du khách mất hứng ăn uống là điều dễ hiểu.

Gần đây nhất, chúng tôi đã đến một tỉnh miền Trung nổi tiếng với những bãi biển xinh đẹp. Chuyến đi đã được lên kế hoạch từ lâu nhưng những vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở địa phương này khiến chúng tôi chần chừ. Nếu hủy chuyến đi, chúng tôi sẽ mất một khoản chi phí không nhỏ, bao gồm tiền vé máy bay và phí đặt phòng khách sạn, vì mọi thứ đã được thanh toán và không thể hoàn lại.

Sau nhiều đắn đo, chúng tôi quyết định vẫn thực hiện chuyến đi nhưng với một giải pháp an toàn hơn: đổi sang phòng khách sạn có bếp nấu ăn. Bằng cách này, chúng tôi có thể tự mua nguyên liệu, chế biến và tự phục vụ suốt chuyến đi. Bạn có thể cười và cho rằng tôi quá cẩn trọng, nhưng gia đình có trẻ nhỏ đi cùng hẳn cũng sẽ như tôi, luôn tìm cách nào đó an toàn nhất cho trẻ con.

Thực ra, mối lo ngại của du khách về thực phẩm không an toàn ở điểm đến không phải là mới nhưng dường như các địa phương làm du lịch đều gặp khó trong việc quản lý và kiểm soát khi mà các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra thường xuyên với tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn.

Thiết nghĩ, ăn uống là nhu cầu thiết yếu của khách du lịch, và việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách là một trong những trách nhiệm hàng đầu của mỗi địa phương. Khi một địa phương làm tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, nghĩa là họ đang quảng bá hình ảnh của địa phương mình theo cách tốt nhất và thực tế nhất đến với khách du lịch.

Nếu địa phương đầu tư nhiều vào công tác truyền thông và quảng bá hình ảnh nhưng lại để xảy ra vài vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng hoặc để khu du lịch nhếch nhác đầy rác và những người làm du lịch có hành vi không trung thực thì liệu khách du lịch có sẵn lòng quay lại? Chắc chắn là không.

Do đó, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tạo ra một môi trường du lịch lành mạnh không chỉ là trách nhiệm mà còn là chiến lược phát triển bền vững cho ngành du lịch của mỗi địa phương.

Thanh Tâm

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chi-biet-den-khai-thac-thoi-la-dang-trach/