Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời: Bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng ở Tràng Định

Cách đây 85 năm, ngày 11/4/1938 tại thôn Nà Han, xã Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương), Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Tràng Định được thành lập – đây là một trong ba chi bộ Đảng thành lập sớm nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Chi bộ Phi Mỹ ra đời đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình vận động cách mạng ở huyện Tràng Định. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng đầu tiên, lớp lớp cán bộ, đảng viên, quân và dân trong huyện đã không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, anh dũng đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Năm 1935, sau khi tham dự Đại hội Đảng cộng sản Đông Dương lần thứ nhất (tháng 3/1935) đồng chí Hoàng Văn Thụ đến Tràng Định trực tiếp chỉ đạo gây dựng và phát triển phong trào cách mạng. Trải qua phong trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ, các hội quần chúng yêu nước dưới các hình thức Hội Ái hữu, Hội Truyền bá chữ quốc ngữ, Hội Tương tế phát triển rộng rãi ở nhiều nơi thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. Các phong trào đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp diễn ra với những hình thức như: diễn thuyết, đình công, lãn công, biểu tình. Cơ sở cách mạng của quần chúng được gây dựng ở nhiều nơi, phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi. Sự phát triển của phong trào yêu nước trên địa bàn Tràng Định đặt ra một yêu cầu bức thiết là phải có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của một tổ chức cộng sản. Ngày 11/4/1938, dưới sự tổ chức của đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Lương Văn Tri, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Tràng Định đã được thành lập tại thôn Nà Han, xã Phi Mỹ, gồm các đồng chí: Bế Văn Bính, Hoàng Kim Sơn, Hoàng Văn Cường, Hoàng Văn Bản, Mã Văn Ngân, Hoàng Văn Thao và Triệu Dín Nè.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khảo sát thực tế dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (đoạn đi qua địa phận huyện Tràng Định)

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khảo sát thực tế dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (đoạn đi qua địa phận huyện Tràng Định)

Từ khi Chi bộ Phi Mỹ ra đời, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Chi bộ Đảng cộng sản của huyện, Nhân dân Tràng Định kiên định đi theo cách mạng. Qua quá trình vận động cách mạng, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang hình thành và phát triển. Hang Cốc Mười, hang núi đá hiểm trở thuộc địa bàn xã Tri Phương trở thành nơi hoạt động, in tài liệu, truyền đơn của chi bộ Phi Mỹ. Từ cuối năm 1941, phong trào cách mạng ở huyện Tràng Định có bước phát triển mạnh mẽ. Các hội cứu quốc thuộc Mặt trận Việt Minh được thành lập, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia…

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng, Nhân dân lần lượt nổi dậy giành chính quyền ở địa phương. Đến tháng 6/1945 tức là trước khi lệnh Tổng khởi nghĩa tháng Tám được ban bố, hầu hết các địa phương của Tràng Định đã lật đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Sáng 21/8/1945, lực lượng vũ trang và Nhân dân giành chính quyền ở Thất Khê đánh dấu thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên địa bàn Tràng Định. Ngày 22/9/1945, Chính quyền dân chủ Nhân dân lâm thời được thành lập. Cuộc cách mạng tháng Tám ở Tràng Định đã lật đổ ách thống trị của Phát xít Nhật và tay sai, giành chính quyền về tay Nhân dân, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền trên phạm vi cả nước..

Ngay sau khi giành được chính quyền, quân và dân huyện Tràng Định sát cánh cùng với lực lượng bộ đội chủ lực chiến đấu chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, liên tục tham gia nhiều trận đánh địch trên đường số 4, liên tiếp giành nhiều thắng lợi tại các trận phục kích: Bông Lau, Lũng Phầy, Bản Trại, Bản Nằm, Đèo Khách… Tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của quân và dân ta trên mặt trận đường 4 đã biến con đường này thành “con đường lửa”, “con đường máu” đối với thực dân Pháp. Thất bại trong Chiến dịch Việt Bắc năm 1947 và chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950 đã buộc thực dân Pháp phải rút chạy khỏi hệ thống phòng thủ trên đường số 4. Ngày 10/10/1950 huyện Tràng Định hoàn toàn được giải phóng.

Trong giai đoạn 1954 – 1975, cùng với cả nước, Nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định vừa ra sức xây dựng quê hương, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa hoàn thành các nhiệm vụ hậu phương với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng Chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định luôn đoàn kết xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương, củng cố an ninh, quốc phòng, giữ vững biên cương Tổ quốc. Từ tháng 2/1979, quân và dân Tràng Định tiếp tục tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc. Trong cuộc chiến đấu này, quân dân các dân tộc trong huyện đã phối hợp với các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, kiên cường bám trụ chiến đấu, đẩy lùi quân địch, bảo vệ vững chắc Biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Giai đoạn 1979 -1985, mặc dù nhiều lần bị pháo kích, xâm lấn nhưng quân và dân Tràng vẫn kiên trì bám đất, bám làng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tràng Định trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, huyện Tràng Định đã 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”; 9 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu lực lượng vũ trang Nhân dân, trên 2.000 người được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến các loại.

Sự đổi thay không ngừng

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, về “địa chỉ đỏ” Tri Phương của huyện Tràng Định, chúng tôi nhận thấy rất rõ sự đổi mới ở vùng quê cách mạng này. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc với những con đường bê tông trải rộng, những cánh rừng xanh bạt ngàn, những ngôi nhà xây mái đỏ tươi mọc lên bên các công trình công được xây dựng khang trang….

Học sinh Trường THCS xã Tri Phương, huyện Tràng Định tham gia hành trình “địa chỉ đỏ” tại Hang Cốc Mười

Học sinh Trường THCS xã Tri Phương, huyện Tràng Định tham gia hành trình “địa chỉ đỏ” tại Hang Cốc Mười

Có được thành quả này là nhờ sự đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Tri Phương. Các đồng chí đảng viên không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, luôn gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất, học tập và công tác, trung thành với lý tưởng, mục tiêu của đảng, với tinh thần giàu lòng yêu nước, xứng đáng với lý tưởng là đơn vị anh hùng cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Càng vui hơn khi năm 2016 xã Tri Phương được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 thôn thực hiện thôn kiểu mẫu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Chi, đảng bộ không ngừng được củng cố, phát triển, đến nay Đảng bộ có gần 300 đảng viên đang sinh hoạt.

Đồng chí Mã Văn Suôi (đảng viên 50 tuổi Đảng, thôn Cốc Mười, xã Tri Phương) vui mừng chia sẻ: Người dân nơi đây luôn tự hào về quê hương, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện. Từ trong chiến đấu đến xây dựng quê nhà ngày nay, chúng tôi luôn phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, giúp nhau vươn lên phát triển kinh tế, tích cực góp sức trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Xuyên suốt chặng đường 85 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện Tràng Định đã thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện. Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nói về những kết quả có được thời gian qua, đồng chí Đặng Thị Kiều Vân, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh: Tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, trách nhiệm của chúng tôi là phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng và truyền thống yêu nước cho cán bộ, Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; tiếp tục xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Từ chi bộ đầu tiên chỉ có 7 đồng chí, đã trải qua XXI kỳ đại hội, tính đến cuối năm 2022, Đảng bộ huyện có 56 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (24 đảng bộ cơ sở, 32 chi bộ cơ sở), có 267 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với tổng số 6.212 đảng viên.

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu toàn huyện tăng 9,12%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng: giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Hiện toàn huyện có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 53,4 tỷ đồng, vượt 9,89% kế hoạch năm; khách du lịch ước đạt 20.700 lượt, tăng 72,5% so với cùng kỳ; số trường đạt chuẩn quốc gia lũy kế đến năm 2022 là 24 trường; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,01%. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm được thực hiện có hiệu quả, an sinh xã hội được bảo đảm. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Tiếp nối truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn và quyết tâm, đồng lòng của người dân, tin tưởng rằng, Đảng bộ huyện Tràng Định sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, vững bước tiến lên trong thời kỳ đổi mới, đoàn kết, hội nhập và phát triển bền vững.

HỒ HƯƠNG - THU HIỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/574039-chi-bo-dang-dau-tien-ra-doi-buoc-ngoat-quan-trong-trong-phong-trao-cach-mang-o-trang-dinh.html