Chi bộ hãy chọn 'việc khó' để lãnh đạo và tổ chức thực hiện

Chi bộ là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở. Từng chi bộ mạnh thì Đảng ta sẽ mạnh, thực sự là ngọn cờ soi đường cho đất nước ta đi lên, bảo đảm cho cuộc sống của Nhân dân giàu có, sung túc, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Chi bộ là nơi ra nghị quyết nhưng cũng là nơi tổ chức thực hiện, bảo đảm ý Đảng hòa quyện với lòng dân. Muốn các buổi sinh hoạt chi bộ đạt chất lượng tốt nhất, cần có các bước nắm tình hình trong nội bộ cơ quan, khu dân cư, tổ dân phố thật kỹ, thật chắc. Các đảng viên phụ trách từng hộ gia đình, sâu sát, sớm đánh giá, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.

Theo quy định của Điều lệ Đảng, chi bộ sinh hoạt ít nhất một lần trong tháng; có thể sinh hoạt định kỳ, có thể sinh hoạt chuyên đề. Hằng năm, chi bộ xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề rồi báo cáo cấp ủy cấp trên theo dõi, chỉ đạo. Chi bộ phân công đảng viên có khả năng am hiểu sâu về lĩnh vực đó để chuẩn bị báo cáo trước chi bộ.

Hiện nay, ở mỗi cơ quan, địa phương hằng ngày diễn ra nhiều sự việc, nên các chủ đề sinh hoạt phải bám sát các nội dung đó, để đánh giá đúng, tìm biện pháp để tổ chức thực hiện… Trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy phải họp để thống nhất nội dung chương trình; chọn những vấn đề khó, nổi cộm để bàn thảo, cân nhắc nội dung đưa ra chi bộ; kịp thời định hướng tư tưởng cho đảng viên. Đối với chi bộ, không chỉ có lãnh đạo, chỉ đạo, ra nghị quyết mà còn phải tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, công việc phát sinh trong khu dân cư, địa bàn công tác. Căn cứ chỉ thị, nghị quyết và định hướng của cấp trên, tình hình của chi bộ, mỗi quý ít nhất nên có một lần sinh hoạt theo chuyên đề. Ví dụ như vấn đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các giải pháp nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên; các giải pháp phòng, chống, khắc phục sửa chữa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chi bộ…

Hiện nay, chất lượng sinh hoạt chi bộ, tổ chức cơ sở đảng đã có bước chuyển biến đáng kể. Chất lượng sinh hoạt chi bộ có bước đi lên. Nhưng nhìn chung vẫn còn các điểm yếu cố hữu: Chi ủy chưa chọn đúng các vấn đề “khó”, những đòi hỏi bức xúc của cơ sở để đưa ra mổ xẻ, phân tích, làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để từ đó có biện pháp khắc phục.

Do hiện nay tình hình cập nhật các vấn đề thời sự trong nước, thế giới đã khá phổ biến nên suy nghĩ, chọn lọc các thông tin thời sự để phổ biến, khái quát cho cán bộ, đảng viên, tránh đọc nguyên văn các thông báo nội bộ hoặc các tài liệu hướng dẫn tuyên truyền của cấp trên. Một số cấp ủy chưa chọn lọc đúng để đem ra chi bộ thảo luận, có biện pháp khắc phục. Ví dụ có tình trạng trong chi bộ và khu dân cư còn mất đoàn kết, cãi cự nhau, rồi say rượu, nghiện ngập… Chi ủy biết rõ những sự việc đó nhưng hình như ngại ngùng không đưa ra để nhận diện đúng, sai, kịp thời có biện pháp khắc phục. Thời gian sinh hoạt chi bộ cũng cần dành cho đảng viên phát biểu ý kiến. Cấp ủy nên có thái độ trân trọng, ghi nhận và định rõ phương pháp khắc phục, thực hiện có hiệu quả ý kiến phản ánh của từng đảng viên. Sinh hoạt chi bộ cần bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu. Cương quyết chống bệnh thành tích, dĩ hòa vi quý, nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Chi bộ còn là nơi phát hiện, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Các cấp ủy cấp trên cũng nên có tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng viên hằng năm; quy định về trách nhiệm và phân công cấp ủy viên theo dõi, giúp đỡ, đánh giá, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Ban Bí thư tại Kết luận số 18-KL/TW để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, xử lý nghiêm chi bộ, đảng viên vi phạm nguyên tắc, chế độ sinh hoạt chi bộ.

N.T.Đ

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chi-bo-hay-chon-viec-kho-de-lanh-dao-va-to-chuc-thuc-hien-3176818.html