Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/01/2025 (2)

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/01/2025 (2).

Quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 180/2024/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội. Nghị định có hiệu lực từ ngày hôm nay (1/1/2025) đến hết ngày 30/6/2025.

Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%

Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%

Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%

Nghị định nêu rõ, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

a- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

b- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

c- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

Nghị định cũng nêu rõ, việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng than khai thác bán ra.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Mức giảm thuế giá trị gia tăng

Về mức giảm thuế giá trị gia tăng, Nghị định nêu rõ, cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định nêu trên.

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2025.

Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức tối đa là 200.000.000 đồng.

Bên cạnh đó còn có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Vi phạm các quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm phạt tới 200 triệu đồng

Nghị định nêu rõ, hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; hành vi tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền như sau:

- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt dưới 10 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 20 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt từ 10 triệu đồng đến dưới 15 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt từ 15 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.

Phạt tiền từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm của pháp nhân thương mại thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mà số tiền chiếm đoạt dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 400 triệu đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm buộc hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt.

Không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Nghị định cũng quy định rõ về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về cung cấp sản phẩm bảo hiểm.

Theo đó, phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vi phạm một trong các hành vi sau:

a) Không cung cấp cho bên mua bảo hiểm các tài liệu trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 98/2022/QH15;

b) Không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15;

c) Không cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15;

d) Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm, quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp cho bên mua bảo hiểm các tài liệu trong quá trình giao kết của các hợp đồng bảo hiểm chưa hết thời hạn hợp đồng tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm đối với hành vi vi phạm. Buộc giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua.

Quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định pháp luật bị phạt từ 80-100 triệu đồng

Nghị định cũng quy định rõ về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Cụ thể, phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm không đáp ứng quy định pháp luật;

b) Tài liệu tóm tắt quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe không theo quy định pháp luật;

c) Tài liệu minh họa bán hàng của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định pháp luật;

d) Bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe không theo quy định pháp luật;

đ) Tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sản phẩn bảo hiểm sức khỏe không theo quy định pháp luật;

e) Thông tin, quảng cáo về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định của pháp luật;

g) Thực hiện không đúng quy định pháp luật về nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe.

Phạt tới 180 triệu đồng vi phạm quy định về người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

Về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, Nghị định quy định:

Phạt tiền từ 140 triệu đồng đến 180 triệu đồng đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, trưởng bộ phận nghiệp vụ của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, quy định tại khoản 1 Điều 138 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, Điều 79, Điều 80 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP.

b) Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều 77, Điều 78 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP;

c) Thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc khi chưa được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản theo quy định của pháp luật, quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 136 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2025.

Quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; tổ chức, hoạt động của cơ sở đăng kiểm; niên hạn sử dụng của xe cơ giới.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 166/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; tổ chức, hoạt động của cơ sở đăng kiểm; niên hạn sử dụng của xe cơ giới.

Chính phủ ban hành quy định mới về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới

Chính phủ ban hành quy định mới về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới

Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, bao gồm: kiểm định xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới

Trong đó, Nghị định quy định rõ điều kiện chung về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới:

Đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng theo quy định tại Nghị định này và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm).

Có đăng kiểm viên phù hợp với chức năng của cơ sở đăng kiểm. Đăng kiểm viên gồm: Đăng kiểm viên hạng I, đăng kiểm viên hạng II, đăng kiểm viên hạng III.

Có giấy tờ tài liệu theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đất đai; kết nối giao thông và đấu nối đường bộ theo quy định; bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy và pháp luật khác có liên quan khi xây dựng, đưa cơ sở đăng kiểm vào hoạt động.

Điều kiện đối với cơ sở đăng kiểm xe cơ giới

Nghị định nêu rõ điều kiện về diện tích và điều kiện về nhân lực đối với cơ sở đăng kiểm xe cơ giới như sau:

Điều kiện về diện tích

Mặt bằng cơ sở đăng kiểm xe cơ giới là nơi dùng để bố trí các công trình phục vụ việc kiểm định xe cơ giới trên cùng khu đất, có diện tích tối thiểu được quy định như sau:

- Đối với cơ sở đăng kiểm xe cơ giới chỉ có một dây chuyền kiểm định loại I: 1.250 m2.

- Đối với cơ sở đăng kiểm xe cơ giới chỉ có một dây chuyền kiểm định loại II: 1.500 m2.

- Đối với cơ sở đăng kiểm xe cơ giới có hai dây chuyền kiểm định: 2.500 m2.

- Đối với cơ sở đăng kiểm xe cơ giới có từ 03 dây chuyền kiểm định trở lên thì diện tích cho mỗi dây chuyền tăng thêm tương ứng tính từ dây chuyền thứ 3 trở lên: 625 m2.

Trường hợp cơ sở đăng kiểm xe cơ giới được bố trí chung với bến xe, trạm dừng nghỉ thì không áp dụng quy định trên. Xưởng kiểm định phải đáp ứng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm.

Điều kiện về nhân lực

Nghị định nêu rõ, cơ sở đăng kiểm xe cơ giới phải đáp ứng điều kiện sau về số lượng nhân lực:

a- Có tối thiểu 01 lãnh đạo cơ sở đăng kiểm là đăng kiểm viên hạng II trở lên;

b- Có tối thiểu 01 lãnh đạo bộ phận kiểm định là đăng kiểm viên hạng I;

c- Có tối thiểu 02 đăng kiểm viên từ hạng II trở lên. Nghị định nêu rõ, nhân sự quy định tại điểm a, điểm b nêu trên được tham gia kiểm định tại các dây chuyền kiểm định và được tính là đăng kiểm viên theo quy định;

d- Có nhân viên nghiệp vụ để thực hiện các công việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả, nhập dữ liệu, tra cứu thông tin, in kết quả kiểm định, lưu trữ hồ sơ.

Theo Nghị định, đăng kiểm viên hạng II theo quy định trên phải đáp ứng các điều kiện về trình độ chuyên môn như sau: Có bằng cử nhân hoặc kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật liên quan đến xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực; được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên hạng II theo quy định của pháp luật.

Đăng kiểm viên hạng I phải đáp ứng các điều kiện là đăng kiểm viên hạng II có thời gian hoạt động đăng kiểm đủ 05 năm; được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên hạng I theo quy định của pháp luật.

Nhân viên nghiệp vụ phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp hệ trung cấp trở lên; được Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn thực hiện các công việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả, nhập dữ liệu, tra cứu thông tin, in kết quả kiểm định, lưu trữ hồ sơ. (*)

Điều kiện đối với cơ sở kiểm định khí thải

Theo Nghị định, về diện tích, đối với cơ sở kiểm định khí thải cố định, khu vực kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy có diện tích tối thiểu là 15 m2 tương ứng với 01 phương tiện đo khí thải. Trường hợp diện tích của khu vực kiểm định được sử dụng chung với hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa xe mô tô, xe gắn máy thì không được gây cản trở cho việc di chuyển của phương tiện và thao tác của đăng kiểm viên.

Cơ sở kiểm định khí thải lưu động không phải đáp ứng quy định trên. Trang thiết bị và phương tiện đo phục vụ cho việc kiểm định khí thải được lắp đặt cố định trên xe chuyên dùng kiểm định khí thải lưu động.

Về nhân lực, Nghị định nêu rõ, cơ sở kiểm định khí thải có tối thiểu 01 đăng kiểm viên; có nhân viên nghiệp vụ để thực hiện các công việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả, nhập dữ liệu, tra cứu thông tin, in kết quả kiểm định, lưu trữ hồ sơ. Trường hợp nhân sự tại quy định này kiêm nhiệm thực hiện công việc ở các vị trí của nhau thì được tính là nhân sự của vị trí kiêm nhiệm nếu đáp ứng các yêu cầu về chứng chỉ chuyên môn và điều kiện theo quy định tại Nghị định này.

Nghị định cũng nêu rõ, tại cơ sở kiểm định khí thải, đăng kiểm viên hạng I, II áp dụng theo quy định như đối với cơ sở đăng kiểm xe cơ giới nêu trên; đăng kiểm viên hạng III có bằng trung cấp chuyên ngành kỹ thuật liên quan đến xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và được cấp chứng chỉ đăng kiêm viên hạng III theo quy định của pháp luật.

Nhân viên nghiệp vụ cơ sở kiểm định khí thải áp dụng theo quy định (*) nêu trên.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.

Quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư

Chính phủ đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.

Quỹ Hỗ trợ đầu tư có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính của Quỹ để hỗ trợ cho các đối tượng quy định

Quỹ Hỗ trợ đầu tư có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính của Quỹ để hỗ trợ cho các đối tượng quy định

Nghị định này quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư (Quỹ); áp dụng đối với Quỹ, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam đáp ứng tiêu chí và điều kiện tại Nghị định này và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ.

Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Quỹ

Theo Nghị định, Quỹ Hỗ trợ đầu tư là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu bảo toàn nguồn tài chính của Quỹ.

Quỹ trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động theo mô hình tương tự đơn vị sự nghiệp công lập, theo các quy định riêng về tổ chức và cơ chế hoạt động quy định tại Nghị định này.

Quỹ có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản dự toán tại Kho bạc Nhà nước để nhận kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại đối với nguồn ngoài ngân sách nhà nước.

Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quỹ

Quỹ có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính của Quỹ để hỗ trợ cho các đối tượng quy định tại Nghị định này.

Nhiệm vụ của Quỹ là tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác, theo quy định tại Nghị định này và các quy định có liên quan đến hoạt động của Quỹ; chi hỗ trợ doanh nghiệp theo đối tượng, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ quy định tại Nghị định này; thực hiện chế độ báo cáo, quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán và các quy định có liên quan đến hoạt động của Quỹ theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Quỹ tổ chức hoạt động phù hợp với mục tiêu, phạm vi hoạt động của Quỹ; được thuê các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và các cá nhân khác để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của Quỹ.

Nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước của Quỹ được gửi tại Ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước. Quỹ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu của Quỹ.

Cơ cấu tổ chức của Quỹ

Cơ cấu tổ chức của Quỹ gồm: Hội đồng quản lý Quỹ và Cơ quan điều hành Quỹ.

Hội đồng quản lý Quỹ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập có nhiệm kỳ 05 năm và được xem xét bổ nhiệm lại. Hội đồng quản lý Quỹ gồm Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng. Cơ cấu, tổ chức của Hội đồng quản lý Quỹ thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ quan điều hành Quỹ là cơ quan thường trực của Hội đồng quản lý Quỹ, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định thành lập, có nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan thường trực của Quỹ theo quy định tại Nghị định này; tổng hợp báo cáo đề xuất hỗ trợ đầu tư từ các địa phương và báo cáo đánh giá hồ sơ thực hiện thủ tục hỗ trợ chi phí của doanh nghiệp; tổ chức thực hiện Nghị quyết, quyết định của Hội đồng; chủ trì đánh giá hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí của các doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động và các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu; thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng giao; lập hồ sơ đề nghị thanh toán theo quy định gửi Kho bạc Nhà nước.

Ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc ký kết văn kiện nhân danh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 26/2024/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc ký kết văn kiện nhân danh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Quy chế này quy định về cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện nhân danh tổ chức này với đối tác bên ngoài ASEAN.

Văn kiện nhân danh ASEAN là văn kiện được ký kết giữa ASEAN với tư cách là một tổ chức quốc tế liên chính phủ và đối tác bên ngoài ASEAN theo pháp luật quốc tế; không phải là điều ước quốc tế làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ đối với Nhà nước, Chính phủ Việt Nam; không phải là thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

Quy chế này áp dụng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham gia hợp tác ASEAN theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Không trái với lợi ích quốc gia, dân tộc

Quyết định nêu rõ nguyên tắc xác định quan điểm của Việt Nam về việc ASEAN ký kết văn kiện nhân danh ASEAN là: Không trái với lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phù hợp với Hiến chương ASEAN và các quy định của ASEAN, đặc biệt là Quy tắc về Thủ tục ký kết điều ước quốc tế của ASEAN.

Các văn kiện trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Quy chế này phải bảo đảm nguyên tắc không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ đối với Nhà nước, Chính phủ Việt Nam theo pháp luật quốc tế.

Theo Quyết định, thủ tục đề xuất quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện nhân danh ASEAN như sau:

Cơ quan đề xuất lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan về quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện nhân danh ASEAN.

Hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cho ý kiến, dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện, trong đó nêu rõ yêu cầu, mục đích, nội dung chính của văn kiện và đánh giá của Cơ quan để xuất về việc tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Quy chế này.

b) Dự thảo văn kiện bằng tiếng nước ngoài và bản dịch tiếng Việt.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ lấy ý kiến của Cơ quan đề xuất theo quy định.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan, Cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện nhân danh ASEAN.

Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện, trong đó nêu rõ yêu cầu, mục đích, nội dung chính của văn kiện và đánh giá của Cơ quan đề xuất về việc tuân thủ các nguyên tắc xác định quan điểm của Việt Nam về việc ASEAN ký kết văn kiện nhân danh ASEAN nêu trên.

b) Dự thảo văn kiện bằng tiếng nước ngoài và bản dịch tiếng Việt.

c) Giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định quan điểm của Việt Nam đối với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện nhân danh ASEAN bằng văn bản, bao gồm các nội dung:

- Đồng ý hoặc không đồng ý với việc ASEAN ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện nhân danh ASEAN;

- Giao Bộ Ngoại giao thực hiện thủ tục đối ngoại ủy quyền hoặc không ủy quyền cho Tổng Thư ký ASEAN hoặc người đại diện ASEAN ký văn kiện nhân danh ASEAN.

Thủ tục đối ngoại

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Quy chế này, Bộ Ngoại giao tiến hành thủ tục đối ngoại cần thiết theo quy định.

Quyết định nêu rõ, khi có thông tin về việc ASEAN ký văn kiện, Cơ quan đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản và thông báo cho các cơ quan liên quan về việc ASEAN đã ký, thông qua, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ, chấm dứt, từ bỏ hoặc rút khỏi văn kiện.

Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định 1703/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo (Kế hoạch).

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

Mục đích của Kế hoạch nhằm quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo (Chỉ thị số 38-CT/TW).

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương và người dân về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Tổ chức định kỳ diễn đàn đối thoại về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền các cấp tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tại trung ương và địa phương, nâng cao ý thức tự giác chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Tổ chức định kỳ diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; các chương trình bồi dưỡng, vai trò, ý nghĩa của việc sản xuất, phân phối, tiêu dùng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng.

Rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật, văn bản quản lý về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Xây dựng, nâng cấp và đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác nhằm cung cấp thông tin công khai, minh bạch, phục vụ nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý của Việt Nam với cơ sở dữ liệu của tổ chức quốc tế, các quốc gia khác.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

Kế hoạch nêu rõ, xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong phạm vi cả nước đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, phổ cập kiến thức về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và đưa vào giảng dạy tại một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp nghề theo quy định của pháp luật.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm chuyên gia có uy tín đạt trình độ quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, xuất khẩu nhân lực lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

Theo Kế hoạch, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất, xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tại các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Kịp thời thực hiện các hoạt động khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; có biện pháp phù hợp, bảo mật thông tin về nhân thân để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Phê duyệt Phương án sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đến năm 2025, giai đoạn 2026 - 2030

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1704/QĐ-TTg phê duyệt Phương án sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đến năm 2025, giai đoạn 2026 - 2030.

Phê duyệt Phương án sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đến năm 2030

Phê duyệt Phương án sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đến năm 2030

Theo Quyết định, Bộ Y tế trực tiếp quản lý một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện đảm nhiệm nhiệm vụ đảm bảo an ninh y tế tại vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế - xã hội trọng điểm, phù hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia.

Chuyển về các địa phương quản lý hoặc sáp nhập vào các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế đối với bệnh viện không thuộc quy định nêu trên.

Phương án và lộ trình thực hiện

Giai đoạn đến hết năm 2025,Bộ Y tế bàn giao nguyên trạng Bệnh viện 74 Trung ương về Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quản lý.

Sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện: Bệnh viện 71 Trung ương, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Trung ương chuyển thành các bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chuyển thành cơ sở 3 của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế.

Giai đoạn 2026 - 2030,xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trong giai đoạn 2026 - 2030, đạt mục tiêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2025.

Bảo đảm cơ sở khám chữa bệnh hoạt động bình thường

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan hướng dẫn xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại đối với các đơn vị thực hiện việc chuyển giao, sắp xếp, tổ chức lại trong năm 2025 theo phương án tại Quyết định này, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm hoàn thành việc chuyển giao, sắp xếp, tổ chức lại trước ngày 31 tháng 12 năm 2025.

Các bộ, ngành căn cứ theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định này theo quy định của pháp luật.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện Quyết định này. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp nhận bệnh viện được chuyển giao, bảo đảm sự hoạt động bình thường của cơ sở khám chữa bệnh, phù hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia tại địa phương.

Phê duyệt Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch điện VIII)

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 1710/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch điện VIII).

Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Mục tiêu lập Quy hoạch nhằm đánh giá nhu cầu tiêu thụ điện của các năm qua, rà soát dự báo nhu cầu điện các năm 2021 - 2024, đưa ra các phương án nhu cầu điện giai đoạn 2025 - 2030 và giai đoạn 2031 – 2050.

Đồng thời, nghiên cứu các phương án phát triển nguồn và lưới điện, lựa chọn một số phương án có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt và có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho phát triển kinh tế xã hội, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên năng lượng, xem xét tới việc phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo; có xét đến trao đổi xuất nhập khẩu điện với các nước trong khu vực, đề xuất các phương án phát triển hệ thống điện toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Phân tích tính khả thi của phương án phát triển hệ thống điện về các mặt: tiến độ xây dựng nguồn và lưới điện đồng bộ; nguồn vốn và khả năng huy động vốn; đánh giá về tác động môi trường và lập Báo cáo môi trường chiến lược (ĐMC) trong phát triển điện lực; nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ yếu về cơ chế, chính sách phát triển ngành điện, tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững ngành điện.

Nội dung điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Quyết định nêu rõ, nội dung điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 03 tập:

- Tập I: Thuyết minh chung, gồm 12 chương:

Chương 1: Phân tích bối cảnh và các căn cứ điều chỉnh quy hoạch

Chương 2: Hiện trạng điện lực quốc gia và đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021 - 2025

Chương 3: Cập nhật dự báo phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch các cấp đến năm 2050

Chương 4: Điều chỉnh dự báo nhu cầu tiêu thụ điện

Chương 5: Cập nhật các thông số đầu vào

Chương 6: Điều chỉnh chương trình phát triển nguồn điện

Chương 7: Điều chỉnh chương trình phát triển lưới điện truyền tải

Chương 8: Chương trình đầu tư phát triển điện lực trong giai đoạn quy hoạch

Chương 9: Đánh giá hiệu quả kinh tế chương trình phát triển điện lực quốc gia

Chương 10: Cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia

Chương 11: Giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia

Chương 12: Kết luận và kiến nghị

- Tập II: Phụ lục, bao gồm tài liệu về dự báo nhu cầu phụ tải; kết quả tính toán các phương án phát triển nguồn điện, kết quả tính toán các phương án phát triển lưới điện; bảng tính toán vốn đầu tư cho phát triển nguồn và lưới điện.

- Tập III: Các bản vẽ, bao gồm các bản đồ, các sơ đồ tính toán lưới điện theo thành phần và thể thức quy định tại mục IV, Phụ lục II Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.

Phương pháp lập quy hoạch là kết hợp, lồng ghép giữa quy hoạch phát triển điện lực với các quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; kết hợp giữa các tính toán và phương pháp chuyên gia; kết hợp giữa phát triển điện lực và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Thời hạn lập quy hoạch

Thực hiện dự kiến không quá 30 tháng kể từ khi Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và lựa chọn xong đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Chi phí lập quy hoạch

Chi phí lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công của Bộ Công Thương được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cụ thể về chi phí lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII theo đúng hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về định mức cho hoạt động quy hoạch, quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan.

Bộ Công Thương là cơ quan tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, có trách nhiệm đảm bảo việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.

Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phú Xuân, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1708/QĐ-TTg chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phú Xuân, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, Phó Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phú Xuân, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, nhà đầu tư là Công ty cổ phần DPV Đắk Lắk.

Quy mô sử dụng đất của dự án là 313,03 ha; địa điểm thực hiện dự án tại xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.

Về vốn đầu tư của dự án: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk yêu cầu nhà đầu tư rà soát, tính toán và xác định chính xác tổng vốn đầu tư của dự án.

Tiến độ thực hiện dự án: Không quá 36 tháng kể từ ngày được nhà nước bàn giao đất. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn nhà đầu tư quy định cụ thể tiến độ thực hiện Dự án.

Các Bộ, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan liên quan theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Thực hiện các thủ tục bảo vệ môi trường

Công ty cổ phần DPV Đắk Lắk (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ quy định của pháp luật trong việc thực hiện dự án; thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu mọi rủi ro, chi phí và chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định về đầu tư và quy định của pháp luật về đất đai.

Sử dụng vốn góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án theo đúng cam kết và tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan; đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với tổ chức khi kinh doanh bất động sản; thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư. Không khiếu kiện và tuân thủ quy định của pháp luật trong trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử lý việc cho thuê đất thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công khác với nội dung chủ trương đầu tư dự án (nếu có) theo đúng cam kết; chịu mọi rủi ro, chi phí và chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về đất đai.

Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương năm 2024 cho các địa phương

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1689/QĐ-TTg về việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương năm 2024 cho các địa phương.

Quyết định nêu rõ, phân bổ số tiền 6.434.437 triệu đồng từ nguồn dự toán ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ theo Nghị quyết số 105/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội để bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương năm 2024 cho các địa phương như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 14444/BTC-NSNN ngày 28 tháng 12 năm 2024, gồm:

Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương số tiền 5.834.437 triệu đồng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội các năm 2023- 2024 và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung cho năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024.

Bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương số tiền 600.000 triệu đồng để thực hiện Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn vốn từ các nông, lâm trường quốc doanh (chi tiết các khoản bổ sung cho các địa phương theo phụ lục đính kèm).

Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao bổ sung kinh phí nêu tại Quyết định này chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung nêu trên đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; bảo đảm kịp thời, đúng chế độ chính sách, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Kế hoạch hoạt động năm 2024 - 2025 của Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban Chỉ đạo) vừa ký Quyết định số 152/QĐ-BCĐ ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 - 2025 của Ban chỉ đạo này.

Kế hoạch được ban hành nhằm nghiên cứu, đề xuất phương án khả thi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư theo từng nhóm vấn đề và thẩm quyền xử lý (Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương).

Yêu cầu đặt ra là thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc và chế độ làm việc quy định tại Quyết định số 1568/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế làm việc ban hành kèm theo Quyết định số 148/QĐ-BCĐ ngày 24 tháng 12 năm 2024 của Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Bảo đảm kịp thời, khả thi, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn khách quan, không gây lãng phí, thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Phạm vi thực hiện bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác (nếu có), không bao gồm các dự án đang được các Ban chỉ đạo, Tổ công tác khác của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành chỉ đạo tháo gỡ.

7 nhóm nội dung công việc

Kế hoạch nêu rõ 7 nhóm nội dung công việc như sau:

1. Rà soát, kiểm tra những vướng mắc liên quan tới các dự án; tổng hợp theo lĩnh vực, nhóm vấn đề báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

3. Tổng hợp tham mưu, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc của các dự án theo lĩnh vực, nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn vướng mắc của các dự án theo lĩnh vực, nhóm vấn đề vượt thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

5. Tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các dự án.

6. Tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách (nếu có) hoặc ban hành cơ chế đặc thù nếu cần thiết.

7. Thực hiện những nhiệm vụ khác của Thủ tướng Chính phủ.

Tiến độ công việc

Tháng 01 năm 2025 đến tháng 3 năm 2025:Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng hợp, báo cáo và đề xuất phương án xử lý những khó khăn vướng mắc của các dự án gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thời hạn hoàn thành ngày 20 tháng 01 năm 2025).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương rà soát, tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc tại các bộ, ngành, địa phương; xây dựng kế hoạch làm việc của Ban chỉ đạo với các bộ, ngành, địa phương và đối tượng có liên quan để khảo sát, rà soát, tổng hợp các dự án vướng mắc; phân loại các nhóm vấn đề và dự kiến thành viên Ban chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất phương án, tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất đối với các nhóm vẫn để không thuộc phạm vi bộ, cơ quan do thành viên Ban chỉ đạo quản lý; làm việc với các cơ quan có liên quan (nếu cần thiết); xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ; lựa chọn ngành, lĩnh vực, địa phương để thực hiện thí điểm sau đó báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép nhân rộng đối với các ngành, lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc (trong đó ưu tiên lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo, giao thông, các dự án đầu tư theo hình thức BT), (thời hạn hoàn thành ngày 10 tháng 02 năm 2025).

Đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến các dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Thời hạn hoàn thành ngày 31 tháng 3 năm 2025.

Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, xây dựng báo cáo, đề xuất giải pháp tháo gỡ trình cấp có thẩm quyền để xin chủ trương thực hiện và tổ chức thực hiện. Thời hạn hoàn thành ngày 31 tháng 3 năm 2025.

Tháng 4 năm 2025 đến tháng 6 năm 2025: Xây dựng các dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ, vướng mắc liên quan đến các dự án theo từng lĩnh vực và theo cấp có thẩm quyền xử lý. Thời hạn hoàn thành ngày 30 tháng 4 năm 2025 với các nhóm dự án lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo; hoàn thành ngày 30 tháng 5 năm 2025 với nhóm dự án lĩnh vực giao thông, các dự án đầu tư theo hình thức BT và các dự án khác.

Xin ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo đối với dự thảo Nghị quyết. Thời hạn hoàn thành ngày 15 tháng 5 năm 2025 với nhóm dự án lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo; hoàn thành ngày 15 tháng 6 năm 2025 với nhóm dự án lĩnh vực giao thông, các dự án đầu tư theo hình thức BT và các dự án khác.

Tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về tháo gỡ, vướng mắc liên quan đến các dự án. Thời hạn hoàn thành ngày 20 tháng 5 năm 2025 với nhóm dự án lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo; hoàn thành ngày 20 tháng 6 năm 2025 với nhóm dự án lĩnh vực giao thông, các dự án đầu tư theo hình thức BT và các dự án khác.

Ban chỉ đạo họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ ban hành Nghị quyết. Thời hạn hoàn thành ngày 31 tháng 5 năm 2025 với nhóm dự án lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo; hoàn thành ngày 30 tháng 6 năm 2025 với nhóm dự án lĩnh vực giao thông, các dự án đầu tư theo hình thức BT và các dự án khác.

Tháng 6 năm 2025 đến tháng 8 năm 2025:Tổ chức triển khai Nghị quyết về tháo gỡ, vướng mắc liên quan đến các dự án. Thời hạn hoàn thành ngày 31 tháng 8 năm 2025.

Đối với những vấn đề chi tiết thuộc các ngành, lĩnh vực quản lý, các bộ, cơ quan trung ương xây dựng văn bản hướng dẫn. Thời hạn hoàn thành ngày 31 tháng 8 năm 2025.

Tháng 9 đến tháng 10 năm 2025:Ban chỉ đạo họp đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết về tháo gỡ, vướng mắc liên quan đến các dự án.

Báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình thực hiện Nghị quyết về tháo gỡ, vướng mắc liên quan đến các dự án.

Tháng 11 năm 2025:Tổ chức tổng kết đánh giá 1 năm triển khai hoạt động của Ban chỉ đạo.

Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hoạt động của Ban chỉ chidao đạo thời gian tới.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo xem xét, quyết định điều chỉnh Kế hoạch cũng như cách thức lấy ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo (tổ chức họp hoặc xin ý kiến bằng văn bản).

Chủ trương đầu tư dự án WHA Industrial Zone 2 - Nghệ An (thuộc KCN Nam cấm D), tỉnh Nghệ An

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 chủ trương đầu tư dự án WHA Industrial Zone 2 - Nghệ An (thuộc KCN Nam cấm D), tỉnh Nghệ An.

Theo đó, Phó Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án WHA Industrial Zone 2 - Nghệ An (thuộc KCN Nam cấm D); đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An.

Quy mô diện tích của dự án là 183,37 ha. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Nghi Hưng, xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Dự án có vốn đầu tư là 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 216 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án

UBND tỉnh Nghệ An tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp trong trường hợp cơ cấu sử dụng đất của dự án có thay đổi so với quy hoạch đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và các cơ quan có liên quan theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam Nghệ An và quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Nam cấm D được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đảm bảo địa điểm, quy mô diện tích của dự án phù hp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ cấu sử dụng đất của dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Nam cấm D được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu mọi rủi ro, chi phí và chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Đầu tư trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật về đất đai.

Góp đủ số vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án theo đúng cam kết, bao gồm cả trường hợp doanh nghiệp đầu tư các dự án khác và hoạt động kinh doanh khác ngoài dự án này; tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan; đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với tổ chức khi kinh doanh bất động sản theo quy định./.

Theo Baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-01-01-2025-2-5033872.html