Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4/2025
Văn phòng Chính phủ đã có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4/2025.

Quy định thời điểm xác định giá đất của quỹ đất thanh toán theo hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2025/NĐ-CP quy định thời điểm xác định giá đất của quỹ đất thanh toán theo hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị định này quy định về thời điểm xác định giá đất của quỹ đất thanh toán đối với các dự án đầu tư theo hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (Dự án BT) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Kết luận thanh tra số 1037/KL-TTCP ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thanh tra Chính phủ, gồm: Dự án đầu tư xây dựng 04 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; dự án đầu tư xây dựng Cầu Thủ Thiêm 2; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thời điểm xác định giá đất cụ thể đối với quỹ đất thanh toán theo Hợp đồng BT
Nghị định quy định thời điểm xác định giá đất cụ thể đối với quỹ đất thanh toán theo Hợp đồng BT và tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
1. Đối với phần diện tích được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT theo nguyên tắc bù trừ giữa tổng vốn đầu tư Dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán, thời điểm xác định giá đất là thời điểm ký tắt Hợp đồng BT.
2. Đối với phần diện tích đất chênh lệch giữa diện tích quỹ đất thanh toán quy định tại Hợp đồng BT ký tắt và diện tích đất sau khi đã bù trừ theo quy định tại khoản 1 nêu trên mà tổng giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn tổng vốn đầu tư Dự án BT (sau đây gọi là phần diện tích đất chênh lệch), việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện như sau:
a) Nhà đầu tư nộp bổ sung tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với phần diện tích đất chênh lệch theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Việc thu, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với phần diện tích đất chênh lệch được xác định theo quy định tại Điều 257 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Đất đai;
c) Trường hợp nhà đầu tư đã nộp tiền vào ngân sách Thành phố theo quy định tại hợp đồng ký tắt tại thời điểm ký tắt hợp đồng và nộp tiền theo Kết luận thanh tra số 1037/KL-TTCP ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thanh tra Chính phủ thì số tiền này được ghi nhận để khấu trừ vào số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp theo quy định tại điểm a khoản này.
3. Trường hợp sau khi quyết toán Dự án BT và thực hiện bù trừ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên mà có sự chênh lệch giữa giá trị quỹ đất thanh toán so với giá trị quyết toán Dự án BT, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và nhà đầu tư thực hiện việc thanh toán phần chênh lệch theo quy định của Hợp đồng BT.
4. Hình thức sử dụng đất đối với phần diện tích đất được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT và phần diện tích đất chênh lệch là hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của pháp luật về đất đai.
5. Không áp dụng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với phần diện tích đất chênh lệch quy định tại khoản 2 nêu trên.
Điều kiện áp dụng
Các Dự án BT quy định tại Nghị định này được áp dụng quy định về thời điểm xác định giá đất nêu trên khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Hợp đồng BT được ký tắt đúng quy định pháp luật về thẩm quyền ký kết hợp đồng và chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về việc giao dự án khác để nhà đầu tư thực hiện đồng thời với Dự án BT, thi công xây dựng công trình sau khi các bên ký tắt hợp đồng;
- Nội dung Hợp đồng BT ký chính thức không thay đổi so với nội dung Hợp đồng BT ký tắt về: Mục tiêu và quy mô dự án; tổng vốn đầu tư Dự án BT; phương thức thanh toán cho nhà đầu tư;
- Có căn cứ xác định nhà đầu tư đã triển khai Dự án BT ngay sau khi ký tắt Hợp đồng BT;
- Việc thanh toán được thực hiện theo nguyên tắc bù trừ giữa tổng vốn đầu tư của Dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán theo quy định của Hợp đồng BT ký tắt và quy định tại Nghị định này;
- Việc xác định giá trị Dự án BT làm cơ sở để thanh toán tuân thủ nguyên tắc không làm tăng tổng vốn đầu tư trong toàn bộ thời gian có hiệu lực của Hợp đồng BT; giá trị quyết toán Dự án BT không vượt tổng vốn đầu tư dự án BT tại hợp đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành (ngày 24/4/2025).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan mô hình Dự án xây dựng sân bay Gia Bình. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đầu tư đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội và xây dựng trung tâm logistics tại khu vực sân bay Gia Bình
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 827/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đầu tư đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội và xây dựng trung tâm logistics tại khu vực sân bay Gia Bình (Tổ công tác).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà là Tổ trưởng Tổ công tác.
Tổ phó Tổ công tác là các đồng chí: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà (Tổ phó thường trực); Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm.
Các thành viên Tổ công tác gồm: Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Trung tướng Phạm Trường Sơn.
Nhiệm vụ của Tổ công tác
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để giải quyết các nhiệm vụ liên quan đến việc triển khai đầu tư các công trình; thường xuyên theo dõi tình hình tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, tổng hợp; kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện.
Bên cạnh đó, Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyên tắc, chế độ làm việc của Tổ công tác
Quyết định nêu rõ, Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quyết định này.
Tổ công tác làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công.
Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của Tổ công tác, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ - Tổ trưởng sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ khi ký các văn bản chỉ đạo; Tổ phó thường trực và các thành viên Tổ công tác sử dụng con dấu của bộ, cơ quan mình khi ký các văn bản để thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực của Tổ công tác; sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc Tổ công tác; xây dựng Quy chế hoạt động của Tổ công tác trình Tổ trưởng ký ban hành; xây dựng kế hoạch, chương trình công tác; chuẩn bị tài liệu, báo cáo và dự thảo thông báo kết luận của các cuộc họp của Tổ công tác; tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung của Tổ công tác và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Tổ trưởng giao.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình
Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy 03 tỉnh: Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông về triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 199/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy 03 tỉnh: Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông về triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ của Ban Thường vụ, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân 03 tỉnh: Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông trong việc khẩn trương triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được giao để thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII trong thời gian qua. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng bộ, chính quyền các địa phương của 03 Tỉnh.
Các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp đơn vị hành chính đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của 03 Tỉnh triển khai nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ, thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng nhau thảo luận trên cơ sở đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội và những thuận lợi, khó khăn của từng địa phương để đề ra các giải pháp tốt nhất nhằm hướng tới mục tiêu chung là xây dựng bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn.
Để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới bảo đảm đúng yêu cầu về chất lượng, tiến độ trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; tiến tới Đại hội Đảng bộ các cấp, Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh: Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng dự thảo văn kiện của Đại hội cấp xã, cấp tỉnh phù hợp với định hướng của Trung ương, đồng thời sát với thực tiễn của từng địa phương.
Bên cạnh đó, chủ động triển khai các nhiệm vụ đã đề ra trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp; hoàn thành hồ sơ Đề án việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Trung ương.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phương án lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, đủ tâm, đủ tầm để đảm nhận các nhiệm vụ công tác trong giai đoạn mới, bám sát Kết luận số 150-KL/TW ngày 14 tháng 4 năm 2025 của Bộ Chính trị, bảo đảm Thường trực cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp xã và cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sau khi tổ chức lại phải thực sự là một tập thể vững mạnh, đoàn kết, thống nhất; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, hợp nhất ĐVHC cấp tỉnh và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã
Về các đề xuất, kiến nghị của 03 tỉnh, Phó Thủ tướng đề nghị Thường trực Tỉnh ủy 03 Tỉnh khẩn trương thảo luận, thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; thành viên Ban Chỉ đạo có đại diện lãnh đạo, công chức thuộc các cơ quan chuyên môn của 03 Tỉnh; có các tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo trong công tác tham mưu, xây dựng dự thảo văn kiện của Đại hội của xã, tỉnh; xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh; rà soát, đề xuất phương án xử lý vướng mắc (nếu có) đối với các dự án, công trình trọng điểm của 03 Tỉnh trước khi chính quyền địa phương 02 cấp đi vào hoạt động.
Phó Thủ tướng cơ bản đồng ý với đề xuất của 03 Tỉnh về việc cần thiết phải triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn trong thời gian tới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy của 03 Tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai hiệu quả các dự án, công trình trên địa bàn, bảo đảm đúng thẩm quyền và quy định pháp luật; đồng thời chủ động, kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ các vướng mắc vượt thẩm quyền để các Bộ: Xây dựng, Tài chính và các bộ liên quan xử lý hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm điều kiện tốt nhất khi bộ máy chính quyền địa phương 02 cấp được thông qua, đi vào hoạt động.
Việc kiến nghị sắp xếp xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông về thuộc xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng: tỉnh Lâm Đồng phối hợp với tỉnh Đắk Nông tổng hợp và kiến nghị trong dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Bộ Nội vụ tổng hợp chung, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, đồng thời tính đến yếu tố địa lý, giao thông, đi lại, phục vụ tốt hơn việc sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân sống trên địa bàn.
Phó Thủ tướng giao Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng phối hợp với Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh: Đắk Nông, Bình Thuận bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất xây dựng phương án hỗ trợ phương tiện, bố trí nơi ở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận khi được điều chuyển về công tác tại trung tâm hành chính - chính trị mới của Tỉnh sau sắp xếp đặt tại Thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng theo đúng quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14 tháng 4 năm 2025; quan tâm công tác tư tưởng, giải quyết chế độ, chính sách kịp thời, lưu ý chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 200/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.
Tại Thông báo kết luận, Phó Thủ tướng ghi nhận, hoan nghênh tỉnh Kiên Giang đã chủ động, nỗ lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc kết luận của Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, đồng thời chủ động đề xuất những cơ chế, chính sách cần thiết để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Tuần lễ cấp cao APEC 2027 là sự kiện chính trị, ngoại giao đặc biệt quan trọng của quốc gia; Trung ương đã tin tưởng chọn Phú Quốc là nơi đăng cai tổ chức. Đây là cơ hội lớn để Phú Quốc bứt phá mạnh mẽ, phát triển xứng tầm, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh và của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng lưu ý, chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC 2027 phải gắn liền với sự phát triển Phú Quốc, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, không chỉ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà còn hướng tới 100 năm sau; phấn đấu xây dựng thành phố Phú Quốc trở thành điểm đến đẳng cấp quốc tế, nằm trong top 10 đảo lớn và hấp dẫn nhất thế giới, sánh tầm với những địa danh nổi tiếng như Bali, Phuket…
Phó Thủ tướng yêu cầu việc lựa chọn các dự án, công trình phải phân thành 2 nhóm lớn: (i) các dự án cấp bách, trực tiếp phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027, cần phải ưu tiên đầu tư, triển khai ngay và (ii) các dự án vừa gián tiếp phục vụ APEC vừa góp phần đạt các mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững của Phú Quốc. Có phương án khai thác, hiệu quả, sử dụng lâu dài các công trình, dự án sau khi Tuần lễ cấp cao APEC 2027 kết thúc.
Các dự án cần xác định lộ trình, thời gian hoàn thành để đạt được mục tiêu; xác định thứ tự ưu tiên và cân đối nguồn lực để triển khai hiệu quả bảo đảm mục tiêu kép là tổ chức thành công Hội nghị APEC 2027, đồng thời kiến tạo gắn liền với sự phát triển bền vững của Phú Quốc và đất nước.
Phú Quốc phải tiên phong đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện chương trình chuyển đổi số trước năm 2027 và chuyển đổi xanh trước năm 2030; hướng tới Đảo Phú Quốc không có xe sử dụng nhiên liệu xăng, dầu (cả xe hơi và xe máy), là một trong những hòn đảo có môi trường tốt nhất thế giới. Rà soát tổng thể những vấn đề cốt lõi, cần gìn giữ ở Phú Quốc như du lịch sinh thái, du lịch đẳng cấp quốc tế... Bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, nước và rừng, đồng thời có giải pháp cân đối, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Kiên Giang về cơ chế, chính sách, theo dõi chặt chẽ các dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện dự án, đầu tư xây dựng công trình đúng tiến độ, mục tiêu, kế hoạch. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện các dự án phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp triển khai các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác và làm việc với các Bộ, địa phương về tình hình đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 203/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác và làm việc với các Bộ, địa phương về tình hình đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thông báo kết luận nêu rõ, việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án đường bộ cao tốc tại khu vực phía Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; cùng với việc triển khai đồng bộ xây dựng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp các sân bay, cảng biển và đường thủy nội địa, đường sắt để hoàn thiện hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, gắn với các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, hạn mặn… để thúc đẩy khu vực đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Tiếp tục hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua 500 ngày đêm nhằm mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trên cả nước (đến năm 2026 khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 600 km đường cao tốc) để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong việc triển khai dự án; chủ động điều phối, cung ứng vật liệu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc các dự án về đích đúng tiến độ; tiếp tục nghiên cứu đầu tư phát triển đồng bộ các phương thức giao thông để thúc đẩy khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước phát triển nhanh, bền vững.
Thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền
Cụ thể,về vật liệu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh có nguồn vật liệu (đất, cát, đá) tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; có giải pháp xử lý ngay tại cơ sở đối với các vướng mắc phát sinh, không để chậm trễ, gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn, hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác các mỏ trong tháng 4 năm 2025.
Các chủ đầu tư (trong đó có UBND tỉnh Sóc Trăng) chủ động rà soát và quyết định theo thẩm quyền đối với việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Môi trường để giảm áp lực nguồn cát sông.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc điều chuyển các mỏ vật liệu được cấp theo cơ chế đặc thù đang còn trữ lượng nhưng không còn nhu cầu khai thác và điều chuyển khối lượng cát sau khi dỡ tải từ dự án áp dụng cơ chế đặc thù sang dự án khác (đang áp dụng cơ chế đặc thù) để tiếp tục khai thác, sử dụng nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; đặc biệt lưu ý, quan tâm không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố có liên quan thực hiện, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật (hoàn thành trong tháng 4/2025), báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm hoàn thành việc đánh giá lại trữ lượng, chất lượng nguồn cát sông, cát biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, làm cơ sở để các địa phương triển khai thủ tục cấp mỏ để cung ứng cho các dự án triển khai trong thời gian tới; khẩn trương trình Chính phủ về cơ chế đặc thù cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án hoặc hạng mục công trình có liên quan đến các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù (nếu có); hướng dẫn thực hiện công tác hoàn nguyên đối với các dự án hạ tầng giao thông trong khu vực.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh Sóc Trăng chủ động khai thác, cung ứng cát biển cho dự án theo thẩm quyền, đồng thời chủ động làm việc với các địa phương có nguồn vật liệu san lấp (cát, đá) để cung ứng cho dự án, không để dự án chậm tiến độ như thời gian qua.
Quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự án sớm hơn tiến độ đã đề ra
Về công tác thi công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan chủ quản các dự án chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu bám sát tiến độ (đặc biệt chú trọng đối với các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025); xác định rõ đường "găng tiến độ", có giải pháp phù hợp, hiệu quả để bù lại khối lượng đã chậm; tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công, nguồn lực tài chính, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", làm việc nào xong việc đấy, quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự án sớm hơn tiến độ đã đề ra, không đội giá, lưu ý tuân thủ chặt chẽ thiết kế, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, bảo vệ môi trường và phải tuyệt đối an toàn công trình khi đưa vào sử dụng. Đặc biệt Dự án thành phần 1 Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đang chậm tiến độ, phải có giải pháp thúc đẩy và hoàn thành trong năm 2025 theo kế hoạch đề ra.
Đối với dự án cầu Rạch Miễu 2, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành và thông xe toàn bộ trước ngày Quốc khánh 02/9/2025 (rút ngắn 4 tháng so với kế hoạch).
Đối với Dự án Cần Thơ - Cà Mau, Bộ Xây dựng chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án trước ngày 19 tháng 12 năm 2025.
Đối với Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn rà soát, đánh giá toàn diện tình hình triển khai dự án, lập lại tiến độ thi công tổng thể, tiến độ chi tiết các hạng mục thuộc các dự án thành phần, có giải pháp xử lý kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ hạng mục xử lý nền đất yếu theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị, huy động nguồn vật liệu, bảo đảm hoàn thành các dự án thành phần trước tháng 7 năm 2026 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng cùng với Bộ Quốc phòng nghiên cứu ký kết biên bản hợp tác cùng nhau đầu tư các tuyến đường cao tốc, trên tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa" để thúc đẩy hệ thống hạ tầng giao thông tại các vùng miền (nhất là huy động các quân khu tham gia các công trình, dự án nơi các đơn vị quân đội đóng quân; phát huy tối đa, hiệu quả đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất) góp phần phát triển nhanh và bền vững các vùng miền của Tổ quốc.
Áp dụng 5 giải pháp kỹ thuật để rút ngắn thời gian thi công
Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật để rút ngắn thời gian thi công các hạng mục công trình như ý kiến của đại diện Tổng công ty xây dựng Trường Sơn; bao gồm 5 giải pháp:
(i) Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải phóng mặt bằng;
(ii) Các cấp chính quyền địa phương "kịp thời" giải quyết các thủ tục hành chính còn vướng mắc liên quan đến công tác cung ứng vật liệu;
(iii) Cấp ủy Chính quyền địa phương quan tâm đến đời sống, vật chất, tinh thần người lao động… thời gian qua các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã dành thời gian đi xuống công trường động viên người lao động; đơn vị thi công và trở thành một nếp sinh hoạt - văn hóa;
(iv) Thực hiện áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo như: Tăng mật độ cắm bấc thấm, bơm hút chân không (VCM), cọc xi măng đất, tăng tải chủ động, rút ngắn thời gian gia tải;
(v) "Đoàn kết hợp đồng - Lập công tập thể", các nhà thầu trong cùng dự án hỗ trợ cho nhau, nhà thầu trung ương, nhà thầu địa phương phối hợp cùng nhau, cùng trưởng thành và tiến bộ) nhằm rút ngắn thời gian xử lý lún, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn UBND các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc không tăng tổng mức đầu tư dự án và dự án thành phần; hoàn thành trước ngày 15 tháng 5 năm 2025.