Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 3/1/2025 (2)
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 3/1/2025 (2).
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo
Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bổ sung quy định về quyền kinh doanh xuất khẩu gạo
Về quyền kinh doanh xuất khẩu gạo, Nghị định 107/2018/NĐ-CP quy định:
Thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận), có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thương nhân là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận và thực hiện hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định này; các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và cam kết của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ngoài các nội dung trên, Nghị định số 01/2025/NĐ-CP bổ sung thêm quy định: Thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ được ủy thác xuất khẩu hoặc nhận ủy thác xuất khẩu từ thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bổ sung trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 107/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương xem xét, quyết định việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong 7 trường hợp sau:
a- Thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đề nghị thu hồi;
b- Thương nhân bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật;
c- Thương nhân bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
d- Thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 18 tháng liên tục, trừ trường hợp thương nhân đã thông báo tạm ngừng kinh doanh theo quy định của pháp luật;
đ- Thương nhân không duy trì đáp ứng điều kiện kinh doanh theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định này trong quá trình kinh doanh;
e- Thương nhân kê khai không đúng thực tế kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo hoặc có gian lận khác để được cấp Giấy chứng nhận;
g- Thương nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
Tại Nghị định số 01/2025/NĐ-CP vừa ban hành, Chính phủ bổ sung điểm h khoản 1 Điều 8 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Như vậy, ngoài 7 trường hợp trên, theo quy định mới, Bộ Công Thương sẽ xem xét, quyết định việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đối với trường hợp thứ 8 là: Trường hợp sau 45 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản đôn đốc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo mà Bộ Công Thương không nhận được báo cáo của thương nhân theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP thì sẽ bị Bộ Công Thương xem xét, quyết định thu hồi Giấy chứng đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu.
Nghị định số 01/2025/NĐ-CP cũng bổ sung quy định: Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương ban hành và gửi đến thương nhân bị thu hồi, Tổng cục Hải quan, Sở Công Thương địa phương liên quan đồng thời sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam để biết và thực hiện.
Hằng tháng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải báo cáo lượng gạo tồn kho
Về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP: Định kỳ vào Thứ 5 hàng tuần thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.
Thay vì phải báo cáo hàng tuần, quy định trên được Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi như sau: Định kỳ trước ngày 05 hàng tháng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương, Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo đồng thời sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.
Nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý kinh doanh xuất khẩu gạo
Về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, Nghị định số 01/2025/NĐ-CP yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo để nâng cao giá trị, chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam, đảm bảo tính chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trong quản lý, điều hành mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.
Nghị định số 01/2025/NĐ-CP cũng bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính phải ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí hàng năm cho chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho thương nhân, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở Công Thương nơi thương nhân có kho chứa thóc, gạo phối hợp với cơ quan liên quan của tỉnh/thành phố tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này.
Nghị định số 01/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.
Phê duyệt Chương trình nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1716/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030.
Tạo chuyển biến trong tổ chức các chương trình và hoạt động giáo dục
Mục tiêu của Chương trình nhằm tạo chuyển biến trong việc tổ chức các chương trình và hoạt động giáo dục của trung tâm học tập cộng đồng tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đảm bảo đến năm 2030, người chưa biết chữ được theo học các lớp xóa mù chữ có chất lượng; người lớn tuổi, người lao động có cơ hội theo học chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học, cập nhật kiến thức kỹ năng chuyển giao công nghệ một cách thiết thực, hiệu quả; góp phần vào nâng cao dân trí, tìm việc làm và tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, xây dựng xã hội học tập.
Chương trình phấn đấu 100% trung tâm học tập cộng đồng được bổ sung nhân lực để tổ chức hoạt động; 100% trung tâm có địa điểm làm việc hoặc văn phòng điều hành riêng, có máy tính kết nối internet; 90% trung tâm có tủ sách/thư viện cộng đồng, có kết nối intrernet/wifi miễn phí để hỗ trợ người dân học tập.
100% cán bộ quản lý, giáo viên, báo cáo viên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động tại trung tâm; 70% giáo viên, báo cáo viên được tập huấn nâng cao năng lực phát triển học liệu số; 70% tình nguyện viên tham gia hỗ trợ hoạt động của trung tâm được tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn phát triển giáo dục cộng đồng.
100% trung tâm sử dụng tài liệu được biên soạn theo Chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; hằng năm huy động ít nhất 10,5% số người trong độ tuổi từ 15 - 60 chưa biết chữ học Chương trình Xóa mù chữ giai đoạn 1 và 2% số người trong độ tuổi từ 15 - 60 học Chương trình Xóa mù chữ giai đoạn 2 khi đã hoàn thành xóa mù chữ giai đoạn 1; hằng năm huy động tối thiểu 5% tỉ lệ gia tăng số lượt người trong độ tuổi từ 15 - 60 học Chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học tại trung tâm.
Ít nhất 90% trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, tổ chức hoạt động giáo dục, đạt mức độ cơ bản trở lên. 100% trung tâm được bổ sung, cập nhật, dữ liệu vào cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục. Ít nhất 80% trung tâm hoặc cơ sở giáo dục được giao thực hiện Chương trình Xóa mù chữ sử dụng tài liệu xóa mù chữ điện tử và các bài giảng điện tử để học viên lớp xóa mù chữ có thể học mọi nơi, mọi lúc.
Chương trình đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện như: Truyền thông nâng cao nhận thức và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trung tâm học tập cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với trung tâm học tập cộng đồng; nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện các chương trình giáo dục tại trung tâm học tập cộng đồng; huy động nguồn lực cho trung tâm học tập cộng đồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động tại trung tâm học tập cộng đồng; xây dựng trung tâm học tập cộng đồng điển hình.
Mở rộng loại hình trung tâm tư thục
Trong đó, Chương trình triển khai xây dựng khung năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và bộ tiêu chí đánh giá trung tâm theo định hướng xây dựng nông thôn mới và xây dựng xã hội học tập.
Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng theo hướng mở rộng loại hình trung tâm tư thục để tạo môi trường chia sẻ, hỗ trợ học tập giữa các vùng thuận lợi và khó khăn.
Triển khai bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giám đốc trung tâm theo Khung năng lực quản lý hoạt động trung tâm học tập cộng đồng; tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học người lớn/giáo dục cộng đồng, phương pháp dạy xóa mù chữ gắn với lao động sản xuất và phát triển kinh tế cho giáo viên, báo cáo viên, già làng, trưởng bản, công an, bộ đội biên phòng.
Xây dựng mô hình "Tổ liên gia xóa mù chữ"
Chương trình xây dựng mô hình "Tổ liên gia xóa mù chữ" hướng dẫn, dạy học xóa mù chữ tại nhà dân tại các cụm dân cư, các vùng thưa dân cư. Xây dựng cơ chế hỗ trợ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu giáo chức tại địa phương, những người tự nguyện tham gia hướng dẫn hỗ trợ dạy học xóa mù chữ tại khu vực người học sinh sống.
Khuyến khích mỗi cơ sở giáo dục đại học kết nối với ít nhất một trung tâm học tập cộng đồng để hỗ trợ hoạt động, giới thiệu sinh viên tình nguyện, cung cấp nguồn học liệu, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và những người tình nguyện tham gia hoạt động tại trung tâm.
Chương trình lựa chọn và chỉ đạo thí điểm tại 3 miền một số trung tâm khu vực biên giới, trong đó chú trọng phối hợp với đồn biên phòng địa phương trong việc huy động người học tại các trung tâm học tập cộng đồng.
Các địa phương lựa chọn, chỉ đạo điểm ít nhất một trung tâm để đầu tư, huy động nguồn lực phù hợp với vùng miền, làm cơ sở nhân rộng điển hình, lan tỏa, để học tập cách hay, làm sáng tạo và hiệu quả.
Bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg ngày 3/1/2025 bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 18/2/2025./.