Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/6/2025 (2)
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/6/2025 (2).
Ban hành Chương trình hành động thực hiện Quy định số 189-QĐ/TW ngày 8/10/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
Chính phủ vừa có Nghị quyết số 193/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Quy định số 189-QĐ/TW ngày 8/10/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công (Chương trình).

Ngăn ngừa, hạn chế nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
Mục đích của Chương trình nhằm quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công (Quy định số 189-QĐ/TW) theo chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành nhằm kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, tăng cường nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, nhằm ngăn ngừa, hạn chế nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp Chương trình đặt ra là quán triệt, phổ biến đầy đủ các nguyên tắc, nội dung, phương thức, trách nhiệm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và hoạt động khác có liên quan; những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy định số 189-QĐ/TW và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, thành viên tập thể lãnh đạo, người có thẩm quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành nhằm thực hiện kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài sản công
Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Trong đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với Quy định số 189-QĐ/TW và các quy định có liên quan của Đảng, không để sơ hở để bị lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục xây dựng, ban hành và nâng cao hiệu lực của các quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và hoạt động khác có liên quan bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với Quy định số 189-QĐ/TW, các chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật có liên quan.
Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, mọi quyền lực được kiểm soát, giám sát chặt chẽ bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn.
Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người có thẩm quyền trong quản lý tài sản công
Bên cạnh đó, Chương trình cũng đặt ra giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Trong đó, tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tăng cường thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, tập thể lãnh đạo, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, thường xuyên thực hiện công tác tự phê bình và phê bình.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra nội bộ theo chuyên đề, chuyên ngành. Tăng cường tự kiểm tra, tự đánh giá nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sai phạm trong nội bộ; đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp và có phẩm chất cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tinh thần vì nhân dân phục vụ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước.
Thường xuyên thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức và người có thẩm quyền, người được giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất trong cấp phát, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng để phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tạo điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tích lũy kinh nghiệm thực tế ở những vị trí công tác khác nhau.
Bảo vệ kịp thời người phát hiện, phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các biện pháp khác kiểm soát quyền lực, phòng ngừa vi phạm, tham nhũng, tiêu cực.
Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính ký Quyết định số 1404/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch, diện tích khoảng 30.875 ha, thuộc địa giới đơn vị hành chính nơi phân bố di tích; trong đó bao gồm: Diện tích khoanh vùng bảo vệ Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn và diện tích khoanh vùng bảo vệ các di tích có liên quan đến Khu đền tháp Mỹ Sơn (như: Trà Kiệu, Bằng An, lưu vực sông Thu Bồn, các di chỉ khảo cổ học và phế tích Champa khác).
Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch
Theo quy định, đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm: 1- Hệ thống các đền tháp, phế tích và dấu tích kiến trúc - khảo cổ học, cảnh quan núi rừng, khe suối... tạo nên giá trị đặc biệt tiêu biểu của Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn; 2- Các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến di tích (lễ hội, phong tục tập quán, truyền thuyết dân gian,...); 3- Công tác quản lý, bảo vệ, đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; cơ sở hạ tầng kỹ thuật; các yếu tố về kinh tế - xã hội, môi trường liên quan tới di tích; các thể chế và chính sách, các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án có liên quan; 4- Vị trí, vai trò và mối liên hệ giữa Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn với các di tích, công trình, địa điểm có giá trị khác trên địa bàn và các khu vực phụ cận.
Mục tiêu lập quy hoạch
Việc lập quy hoạch nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi các giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn; bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học và di sản văn hóa của cộng đồng trong khu vực nghiên cứu quy hoạch trên cơ sở kế thừa các mục tiêu của Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020.
Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn tiếp tục là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn; kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khác tại địa phương, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch, kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, xác định ranh giới khoanh vùng bảo vệ Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn làm cơ sở pháp lý để quản lý di tích, xác định các khu chức năng, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và bố trí hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích...
Đền tháp Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới
Di tích quốc gia đặc biệt Khu đền tháp Mỹ Sơn lập quy hoạch có tính chất là khu vực Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt, Di sản văn hóa thế giới; là khu vực du lịch văn hóa, sinh thái nổi tiếng của địa phương, của Việt Nam và thế giới.
Theo đó, nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; đề xuất phạm vi nghiên cứu quy hoạch, phạm vi quy hoạch; đề xuất nội dung về định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới...
Thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 1417/QĐ-TTg ngày 30/6/2025 thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền.

Thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền
Theo Quyết định, thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc liên quan liên ngành về chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, mục tiêu, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (Phó Trưởng ban Thường trực); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Các thành viên Ban Chỉ đạo: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Lê Huy Vịnh; Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Nguyễn Văn Long; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Mạnh Cường; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong thực hiện các chủ trương, chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án về cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chủ trương, chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án và giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành về cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án về cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo tháo gỡ ngay những vấn đề quan trọng, liên ngành về các khó khăn, vướng mắc của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính và các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính; các sáng kiến, đề xuất xử lý cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo
Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo; sử dụng bộ máy của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác sử dụng con dấu của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Thành lập Tổ công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo (gọi tắt là Tổ công tác) làm việc theo chế độ kiêm nhiệm do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Tổ trưởng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Tổ phó thường trực, Thứ trưởng Bộ Nội vụ là Tổ phó và các thành viên là đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ là Ủy viên thường trực. Tổ trưởng Tổ công tác phê duyệt, kiện toàn thành viên Tổ công tác, phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Tổ công tác. Trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác được huy động các chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; trình Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt Kế hoạch hoạt động hằng năm, Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo; kiện toàn các thành viên Ban Chỉ đạo; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ công tác.
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại cuộc họp ngày 27/6/2025 về rà soát tiến độ và kết quả triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số liên thông, đồng bộ để chuẩn bị thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn từ ngày 01/7/2025
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 329/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại cuộc họp ngày 27/6/2025 về rà soát tiến độ và kết quả triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số liên thông, đồng bộ để chuẩn bị thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn từ ngày 01/7/2025.

Triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số liên thông, đồng bộ để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp thông suốt, hiệu quả, không gián đoạn
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ, không được lơ là, chủ quan, giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, doanh nghiệp, cơ quan có liên quan để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bám sát tiến độ đã đề ra, tập trung tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả, huy động mọi nguồn lực, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách. Triển khai đồng bộ, toàn diện tới tất cả các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Công bố, công khai đầy đủ danh mục thủ tục hành chính áp dụng trên địa bàn tỉnh
Về thể chế, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ (Quốc phòng, Tư pháp, Công Thương, Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Dân tộc và Tôn giáo, Thanh tra Chính phủ) khẩn trương cho ý kiến xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về thúc đẩy tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số toàn diện, gửi về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời công bố, công khai đầy đủ danh mục thủ tục hành chính áp dụng trên địa bàn tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy trình nội bộ, quy trình điện tử của các thủ tục hành chính đã được phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền, kịp thời triển khai ngay từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Rà soát, đăng ký cấp chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ cho cán bộ, công chức gửi về Ban Cơ yếu Chính phủ; rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan đến tổ chức thực hiện nhiệm vụ công vụ; tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính; quản lý, vận hành và bảo đảm an ninh an toàn các hệ thống thông tin gắn với trách nhiệm của cán bộ, công chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm thống nhất triển khai trong toàn tỉnh.
Bảo vệ an toàn, an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu khi chia sẻ giữa các cơ quan
yêu cầu Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai đầy đủ, đồng bộ các giải pháp bảo mật kênh truyền, bảo mật dữ liệu và cấp đầy đủ các thiết bị bảo mật cơ yếu đến cấp tỉnh, cấp xã để phục vụ chính quyền địa phương 02 cấp; xây dựng giải pháp bảo vệ an toàn, an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu khi chia sẻ giữa các cơ quan; khẩn trương phối hợp với địa phương cấp đủ chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ cho cán bộ công chức, cơ quan đơn vị theo yêu cầu bảo đảm hoàn thành trước 30 tháng 6 năm 2025 để kịp thời phục vụ hoạt động công vụ và giải quyết thủ tục hành chính từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bố trí đủ hạ tầng và các thiết bị đầu cuối để khai thác, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin ổn định, thông suốt, an toàn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để tiếp quản, triển khai ngay các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an ninh mạng, sẵn sàng ứng phó, xử lý sự cố cho các hệ thống thông tin dùng chung quan trọng trên địa bàn; rà soát toàn bộ các thiết bị đầu cuối, các phần mềm có nguy cơ mất an toàn thông tin, an ninh mạng, đề xuất nâng cấp, thay mới (nếu cần thiết), hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan rà soát, đề xuất giải pháp, lộ trình xóa các vùng lõm điện tại các thôn, bản chưa có điện lưới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2025.
Về thông tin, dữ liệu,Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc chuyển đổi, điều phối dữ liệu trên các hệ thống thông tin của các tỉnh trước sáp nhập, bảo đảm đầy đủ, toàn vẹn, chính xác của thông tin dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử liên tục, thông suốt giữa các cấp hành chính
Về các nền tảng, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động chỉ đạo, điều hành, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Đối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính: Hoàn thành việc lựa chọn 01 hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính sau khi sáp nhập; nâng cấp, đáp ứng yêu cầu số hóa, thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính và đóng giao diện Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh; cập nhật dữ liệu về thủ tục hành chính, mã định danh, thông tin tài khoản, điều chỉnh quy trình điện tử, quy trình nội bộ trên Hệ thống; chỉnh sửa, kết nối hệ thống với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành do bộ ngành quản lý (hộ tịch điện tử, dân cư, doanh nghiệp, VNeID, lý lịch tư pháp, đất đai, thuế, kho bạc, bảo hiểm…) phù hợp với sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền hai cấp.
Đối với Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành: Các tỉnh, thành phố chưa ban hành mã định danh cơ quan, tổ chức khẩn trương ban hành và phối hợp với Văn phòng Chính phủ cập nhật trên Trục liên thông văn bản quốc gia từ 19 giờ ngày 30 tháng 6 năm 2025, bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử liên tục, thông suốt giữa các cấp hành chính.
Đối với Hệ thống thông tin báo cáo và Hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành, Trung tâm điều hành thông minh: Nghiên cứu, nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh thành Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành cấp tỉnh và tích hợp trên Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh; kết nối, liên thông với Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường nhân sự hỗ trợ trực tiếp tại cơ sở cho cán bộ công chức và người dân sử dụng các hệ thống
Phó Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp được giao triển khai các hệ thống cho các địa phương tăng cường nhân sự hỗ trợ trực tiếp tại cơ sở cho cán bộ công chức và người dân sử dụng các hệ thống.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm bố trí đầy đủ kinh phí triển khai nâng cấp các hệ thống thông tin; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Tổ công nghệ số cộng đồng, sinh viên…) để hỗ trợ cán bộ, công chức bộ phận một cửa trong quá trình hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, nâng cấp trang thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vận hành chính quyền 02 cấp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh truyền thông qua truyền hình, loa đài, mạng xã hội, Cổng Thông tin điện tử, các đoàn thể (Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ...) đặc biệt tập trung thông tin tuyên truyền về địa chỉ Trung tâm phục vụ hành chính công, cách thức thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp, trực tuyến, tránh bỡ ngỡ cho người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính ký Quyết định số 1407/QĐ-TTg quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể.
Hồ Ba Bể phấn đấu trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030
Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, hang động, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các giá trị tự nhiên đặc sắc khác của Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể; đồng thời bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong khu vực di tích và phụ cận.
Nhận diện đầy đủ các giá trị đặc sắc, nổi bật của Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể; giải quyết các vấn đề bất cập về dân cư, phát triển du lịch, hạ tầng kỹ thuật. Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể gắn với phát triển du lịch bền vững, hình thành thương hiệu du lịch đặc sắc của địa phương; hình thành tuyến kết nối du lịch - di sản liên vùng với các khu, điểm du lịch của vùng miền núi phía Bắc, hướng tới mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030 và trung tâm du lịch trọng điểm của toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Quy hoạch làm cơ sở pháp lý cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo, khai quật khảo cổ và phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng quy định quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích và các giải pháp quản lý, bảo vệ di tích theo quy hoạch được duyệt, bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch khác có liên quan...
Nội dung quy hoạch gồm: Quy hoạch phân vùng chức năng; quy hoạch tổ chức tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan di tích; quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật...
Tổ chức tổng thể không gian lấy Hồ Ba Bể làm hạt nhân, xác lập thành 04 không gian chức năng chính
Theo quy hoạch tổ chức tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan di tích, tổ chức tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan của khu vực quy hoạch lấy Hồ Ba Bể làm hạt nhân, xác lập thành 04 không gian chức năng chính, gồm:
- Không gian phía Bắc: Khai thác giá trị nổi bật về cảnh quan sông nước, thác, hang động tự nhiên, văn hóa bản địa và đầu mối kết nối Hồ Ba Bể với khu vực Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) dọc theo sông Năng;
- Không gian phía Nam: Cửa ngõ phía Nam của di tích; hình thành không gian bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc bản địa; khai thác các giá trị cảnh quan, sinh thái, văn hóa cộng đồng và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ dọc sông Lèng;
- Không gian phía Đông: Cửa ngõ phía Đông của di tích; hình thành trung tâm đón tiếp, điều hành, khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, giáo dục môi trường, nghỉ dưỡng gắn với Vườn quốc gia Ba Bể;
- Không gian phía Tây: Không gian bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa của cộng đồng bản địa người Mông, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và sinh thái.
Các không gian được kết nối theo các trục liên kết chính, gồm: Trục liên kết sinh thái tự nhiên Hồ Ba Bể; liên kết theo trục giao thông Quốc lộ 3C (đường 254 hiện tại); Tuyến Khang Ninh - Na Hang; Tuyến Nam Mẫu - Quảng Khê.
Theo định hướng phân khu chức năng, di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể được quy hoạch phát triển thành 19 phân khu chức năng, bảo đảm lồng ghép với các định hướng quy hoạch xây dựng làm cơ sở triển khai các dự án thành phần.
Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
Về định hướng thị trường khách du lịch: Khách du lịch trong nước là thị trường chủ đạo, hướng đến tăng dần tỷ trọng khách du lịch quốc tế; chú trọng khai thác các phân khúc khách chi trả cao và có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và di sản văn hóa.
Sản phẩm du lịch:Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gồm du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị nổi bật về cảnh quan, địa chất: Hình thành chuỗi các sản phẩm: Thung lũng đá thạch nhũ (Động Hua Mạ và khu vực ven sông Lèng), Làng nhà sàn (khu vực Pác Ngòi), vùng đất ngập nước (khu vực suối Cốc Tộc), Rừng cao nguyên (khu vực Khau Qua), Sông nước (khu vực sông Năng) và Thác nước (khu vực thác Đầu Đẳng); du lịch cộng đồng khai thác các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc ít người Tày, Mông, Dao, Nùng.
Các sản phẩm du lịch chính: Du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tín ngưỡng, gắn với các khu vực: động Hua Mạ, đền An Mạ, thác Đầu Đẳng, động Puông, đảo Bà Góa, Ao Tiên; du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm và phát triển sản phẩm OCOP.
Giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 cho một số địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 3)
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1411/QĐ-TTg ngày 29/6/2025 giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 cho một số địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 3).
Theo Quyết định, giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 là 33,067 tỷ đồng cho 04 địa phương (bao gồm: Tuyên Quang 3,530 tỷ đồng; Sơn La 22,753 tỷ đồng; Gia Lai 3,685 tỷ đồng; Kiên Giang 3,099 tỷ đồng) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng yêu cầu, căn cứ dự toán chi đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 của các chương trình mục tiêu quốc gia được giao nêu trên, Ủy ban nhân dân các tỉnh Tuyên Quang, Sơn La, Gia Lai, Kiên Giang chịu trách nhiệm thực hiện việc phân bổ, giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 của các chương trình mục tiêu quốc gia (đợt 3) cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc bảo đảm tuân thủ quy định Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, đúng nội dung đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại các Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022, Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định có liên quan.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm giám sát, đôn đốc tiến độ phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương và tổ chức thực hiện, giải ngân đạt 100% dự toán, kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương; tổng hợp tình hình thực hiện, giải ngân dự toán, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gửi Bộ Tài chính trước ngày 25 hằng tháng.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kiểm tra và cơ quan liên quan về tính chính xác của nội dung, số liệu báo cáo kết quả và đề xuất phân bổ, giao bổ sung dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị.
Theo Quyết định, thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình, tỉnh Quảng Bình và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị (Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Ban Quản lý Khu kinh tế có tư cách pháp nhân; tài khoản và con dấu mang hình quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hằng năm và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý
Ban Quản lý thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trưởng ban Ban Quản lý trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật.
Quyết định này bãi bỏ Quyết định số 1808/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Bình, tỉnh Quảng Bình và Quyết định số 1229/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị./.