Quy hoạch Hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia đặc biệt trước năm 2030
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể tại Quyết định số 1407/QĐ-TTg.
Trung tâm du lịch trọng điểm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Quy mô lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể là 10.184,71ha. Trong đó, khu vực bảo vệ của di tích quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể có diện tích 10.048ha. Khu vực phát huy giá trị di tích có diện tích 136,71ha.

Quy mô lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể là 10.184,71ha.
Việc lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể có 5 mục tiêu chính.
Mục tiêu thứ nhất là bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, hang động, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các giá trị tự nhiên đặc sắc khác của di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể; đồng thời bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể và bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong khu vực di tích và phụ cận.
Mục tiêu thứ hai là nhận diện đầy đủ các giá trị đặc sắc, nổi bật của danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể; giải quyết các vấn đề bất cập về dân cư, phát triển du lịch, hạ tầng kỹ thuật…
Mục tiêu thứ ba là phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể gắn với phát triển du lịch bền vững, hình thành thương hiệu du lịch đặc sắc của địa phương; hình thành tuyến kết nối du lịch - di sản liên vùng với các khu, điểm du lịch của vùng miền núi phía Bắc, hướng tới mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030 và trung tâm du lịch trọng điểm của toàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Mục tiêu thứ tư là định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình và các giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, bảo đảm hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quy hoạch đặt mục tiêu phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể gắn với phát triển du lịch bền vững, hình thành thương hiệu du lịch đặc sắc của địa phương.
Mục tiêu thứ năm là đề xuất mô hình và cấp độ quản lý di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn, vai trò quản lý, quy mô đầu tư, nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch; hướng tới việc xây dựng hồ sơ khoa học "Khu danh lam thắng cảnh Ba Bể - Na Hang" đáp ứng tiêu chí để Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Theo quy hoạch phân vùng chức năng, các khu vực bảo vệ di tích sẽ được giữ nguyên diện tích và chức năng theo Hồ sơ xếp hạng di tích.
Tổ chức tổng thể không gian kiến trúc, cảnh quan của khu vực quy hoạch lấy Hồ Ba Bể làm hạt nhân, xác lập thành 4 không gian chức năng chính.
Trong đó, không gian phía Bắc khai thác giá trị nổi bật về cảnh quan sông nước, thác, hang động tự nhiên, văn hóa bản địa và đầu mối kết nối Hồ Ba Bể với khu vực Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) dọc theo sông Năng.
Không gian phía Nam hình thành không gian bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc bản địa; khai thác các giá trị cảnh quan, sinh thái, văn hóa cộng đồng và tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ dọc sông Lèng;
Không gian phía Đông hình thành trung tâm đón tiếp, điều hành, khai thác các sản phẩm du lịch sinh thái, giáo dục môi trường, nghỉ dưỡng gắn với Vườn quốc gia Ba Bể.
Không gian phía Tây là không gian bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa của cộng đồng bản địa người Mông, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và sinh thái.
Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể được quy hoạch phát triển thành 19 phân khu chức năng, bảo đảm lồng ghép với các định hướng quy hoạch xây dựng làm cơ sở triển khai các dự án thành phần.
Việc quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích phải đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển; bảo vệ giá trị của danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể; ổn định đời sống, bảo đảm lợi ích, sinh kế cộng đồng; nâng cấp cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phát triển du lịch, dịch vụ.

Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể sẽ phát triển sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị nổi bật về cảnh quan, địa chất...
Quy hoạch xác định, khách du lịch trong nước sẽ là thị trường chủ đạo, hướng đến tăng dần tỷ trọng khách du lịch quốc tế; chú trọng khai thác các phân khúc khách chi trả cao và có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và di sản văn hóa.
Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể sẽ phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị nổi bật về cảnh quan, địa chất và du lịch cộng đồng khai thác các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc ít người như: Tày, Mông, Dao, Nùng.
Các sản phẩm du lịch chính bao gồm: Du lịch sinh thái, Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tín ngưỡng, du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm và phát triển sản phẩm OCOP.