Chỉ đạo mới của lãnh đạo Chính phủ về Dự án tổ hợp công nghiệp đường sắt
Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghiệp đường sắt đang được đề xuất xây dựng tại phía Nam TP. Hà Nội thuộc khu vực các xã: Chuyên Mỹ, Ứng Hòa (TP. Hà Nội) với quy mô khoảng 250 ha.

Đóng mới toa xe tại Nhà máy Xe lửa Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Ảnh: A.M
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về địa điểm, quy mô, ranh giới Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghiệp đường sắt tại khu vực phía Nam TP. Hà Nội.
Theo đó, Phó thủ tướng đề nghị UBND TP. Hà Nội, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng căn cứ vào hình thức đầu tư Dự án và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được quy định tại khoản 1 Điều 46, khoản 2 Điều 53 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và khoản 7 Điều 6, khoản 5 Điều 7 Luật số 90/2025/QH15 ngày 25/6/2025, quyết định địa điểm, quy mô và ranh giới Dự án theo đúng thẩm quyền, bảo đảm tuân thủ quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP. Hà Nội, hướng dẫn địa phương thực hiện đúng quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản kiến nghị người đứng đầu Chính phủ chấp thuận địa điểm Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghiệp đường sắt tại phía Nam TP. Hà Nội thuộc khu vực các xã: Chuyên Mỹ, Ứng Hòa, TP. Hà Nội với quy mô khoảng 250 ha (quy mô, ranh giới chính xác sẽ được xác định trong các bước tiếp theo).
UBND TP. Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép cập nhật, tích hợp quy hoạch Tổ hợp công nghiệp đường sắt vào các quy hoạch có liên quan: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, phù hợp với quy định tại Điều 22 và khoản 5 Điều 38 Luật Đường sắt ngày 27/6/2025 (thuộc Mục 2, Mục 3 Chương II, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025).
Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghiệp đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất có mục tiêu sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện; làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế đối với đường sắt tốc độ cao; nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị và sản xuất đầu máy, toa xe cho đường sắt quốc gia với tốc độ nhỏ hơn 200 km/h, đồng thời mua thiết kế và sản xuất đối với đường sắt đô thị.
Dự án cũng sẽ xây dựng phân khu chức năng thực hiện việc sửa chữa lớn đối với toàn bộ phương tiện, thiết bị đường sắt, trước mắt là đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.
Cụ thể, đối với các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường sắt mới, trong giai đoạn đầu (từ năm 2029 đến năm 2031), Tổ hợp công nghiệp đường sắt này sẽ lắp ráp đầu máy điện, đầu máy năng lượng sạch; sản xuất toa xe khách cho đường sắt tốc độ dưới 160 km/h; lắp ráp các đoàn tàu điện động lực phân tán (EMU) cho đường sắt đô thị; sản xuất toa xe hàng tốc độ 120 km/h cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Trong giai đoạn tiếp theo (từ năm 2032 đến năm 2035), Tổ hợp đặt mục tiêu làm chủ sản xuất đối với toa xe khách, toa xe hàng tốc độ dưới 160 km/h; lắp ráp đầu máy điện, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa lên 30%; sản xuất các vật tư, phụ tùng cho sửa chữa phương tiện, phụ kiện kết cấu hạ tầng, thông tin tín hiệu…
Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Tổ hợp sẽ tham gia lắp ráp các đoàn tàu EMU theo hợp đồng mua sắm và chuyển giao công nghệ. Đến năm 2035, làm chủ công nghệ lắp ráp và nâng dần tỷ lệ nội địa hóa lên 20%.
“Đích đến cuối cùng là đến giai đoạn 2040 - 2050, Tổ hợp phấn đấu làm chủ nội địa hóa đạt 80% đối với đoàn tàu EMU và sản xuất các vật tư, phụ tùng phục vụ khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam”, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.