Chỉ đạo mới về quản lý thị trường vàng; đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm
Thủ tướng thúc sớm có giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng; nghiêm cấm tiêu cực, tham nhũng trong sản xuất mua bán điện; Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh tín dụng ngay đầu năm;... là những thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.
Thủ tướng thúc sớm có giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 06 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết.
Liên quan đến thị trường vàng, Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ: “Khẩn trương tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I năm 2024”. (Xem thêm)
Thủ tướng: Nghiêm cấm tiêu cực, tham nhũng trong sản xuất mua bán điện
Ngày 14/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới.
Chỉ thị của Thủ tướng nhấn mạnh, nghiêm cấm mọi tiêu cực, tham nhũng lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện việc sản xuất kinh doanh mua bán điện ở khu vực ngoài Nhà nước. (Xem thêm)
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh tín dụng ngay đầu năm
Ngân hàng Nhà nước vừa có yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024 theo các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, các tổ chức tín dụng cần quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trình 4 phương pháp cụ thể để định giá đất
Dự thảo Nghị định về giá đất đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến quy định cụ thể về trình tự, nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp gồm so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất.
Thông tin về giá đất, giá thuê đất, giá thuê mặt bằng để áp dụng phương pháp so sánh, thặng dư và xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất là thông tin trong khoảng thời gian không quá 24 tháng tính từ thời điểm định giá đất trở về trước, được thu thập trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về giá hoặc từ các nguồn khác. (Xem thêm)
Nhiều tỉnh, thành đón lượng khách quốc tế 'khủng' dịp Tết
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, từ ngày 8-14/2, ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ). Dịp này cũng ghi nhận số lượng khách quốc tế đến tăng cao ở nhiều địa phương.
Đáng chú ý, trong 7 ngày Tết Nguyên đán, Phú Quốc ước đón 52.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ. Nhờ đó, Kiên Giang ước đạt doanh thu 1.122 tỷ đồng từ du lịch. (Xem thêm)
Tăng trần giá vé máy bay nội địa từ ngày 1/3
Theo Thông tư 34/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu lực từ ngày 1/3 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, kể từ ngày 1/3 sẽ tăng trần giá vé máy bay nội địa.
Cụ thể, theo Báo Tin Tức, Thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000-250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/ chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/ chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/ chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/chiều).
Hàng không phục vụ gần 1,3 triệu lượt khách dịp Tết Nguyên đán
Đã có 1,3 triệu lượt khách qua các sân bay trên cả nước trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Theo VTV, sản lượng vận chuyển hành khách dịp Tết năm nay tăng tới 9,6% so với cùng kì năm ngoái. Lượng khách quốc tế dịp nghỉ Tết này đạt hơn 630.000 lượt khách, tăng gần 49%. Trong khi đó, lượng khách nội địa lại giảm khoảng 13% so với năm ngoái.
Phục vụ cho nhu cầu đi lại sau Tết, ngành hàng không sẽ tiếp tục duy trì, bảo đảm bố trí đủ phương tiện, nhân sự để đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến bay.
Không khan hàng, sốt giá sau Tết Nguyên đán
Những năm trước, theo VTV, thời điểm sau Tết thường có hiện tượng tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm hoặc có tình trạng khan hiếm một số mặt hàng nhất định như rau quả tươi. Tuy nhiên, năm nay, thị trường đã có sự khác biệt khi giá cả ổn định, nguồn cung dồi dào.
Bộ Công Thương đánh giá, nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết được đảm bảo, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Các loại rau, củ, quả như rau muống, rau cần, rau cải mùng tơi những năm trước thường tăng cao sau Tết thì năm nay giữ giá. Với thực phẩm quen thuộc là thịt, cá ghi nhận tăng nhẹ ở một vài mặt hàng như sườn, sụn, ba chỉ tăng 20.000/kg. Các loại cá tăng nhẹ từ 5.000-10.000 đồng/kg tại các chợ truyền thống, còn với hệ thống siêu thị giá cả được bình ổn đến sau Tết.