Chị em cần làm gì khi bị kem trộn hủy hoại làn da?
Nhiều chị em chỉ vì muốn làm trắng da thật nhanh, nhất là những người bị nám má, sạm da, đã sử dụng phải kem trộn để rồi 'tiền mất tật mang', khiến làn da bị hủy hoại, phá nát.
Nghiện bôi corticoid, teo mông, giãn mạch…
Thời gian gần đây, có rất nhiều trường hợp bị tai biến do sử dụng kem trộn để làm trắng da. Đây là một loại kem được quảng cáo là “thần dược” làm trắng da. Mới đây một cô gái 20 tuổi, ngụ ở TP.HCM, chỉ vì muốn được trắng da nên đã sử dụng một loại kem trộn khiến da bị bỏng nặng, mặt thì sưng phù, phải tìm đến bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM cầu cứu.

Cô gái trẻ bị biến chứng da sau khi sử dụng kem trộn - Ảnh: BVCC
Theo lời cô gái trẻ này, trước đó cô đã lên mạng tìm hiểu và được giới thiệu một loại kem trộn được quảng cáo là “liệu trình trắng, sáng, mịn da chỉ sau một đêm”. Tuy nhiên, sau khi mua về sử dụng được 4 ngày thì da mặt cô bắt đầu bị khô, ửng đỏ, ngứa rát rồi mặt sưng phù, da bị bỏng.
Phân tích của BSCK2 Lư Huỳnh Thanh Thảo Phó khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tại Hội nghị khoa học “Cập nhật chẩn đoán và điều trị các bệnh da khó hiện nay” hôm 23.2, cho thấy tai biến da do sử dụng kem trộn khiến người dùng nghiện bôi corticoid, nhạy cảm, teo mông, giãn mạch, tăng sắc tố.
Theo bác sĩ Thảo, trong kem trộn có rất nhiều thành phần độc hại và cả những thành phần bị cấm như: corticoid, hydroquinone, thủy ngân, chì…
Trong đó, corticoid là thành phần nguy hiểm nhất, có tác dụng giảm viêm nhanh, làm da trắng cấp tốc, hiệu quả trong vài ngày đến vài tuần.
“Nếu sử dụng lâu dài sẽ gây teo da, giãn mao mạch, tăng nhạy cảm ánh sáng. Điều này sẽ khiến cho người sử dụng có da nám tái phát nặng hơn khi ngừng dùng (hiệu ứng rebound); gây hội chứng phụ thuộc corticoid (TSDF – Topical Steroid Damaged Face) và tăng nguy cơ nhiễm trùng da do suy giảm miễn dịch”, bác sĩ Thảo nói.
Đối với hydroquinone (chất làm trắng mạnh), nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây mất sắc tố da không đều (leukoderma), tăng nguy cơ tăng sắc tố xanh (ochronosis) và kích ứng da, làm da yếu và nhạy cảm hơn với ánh nắng.
Thủy ngân (ức chế melanin mạnh, giúp làm trắng cực nhanh) là thành phần cấm, gây nhiễm độc thủy ngân, ảnh hưởng gan, thận, hệ thần kinh; gây nhiễm độc da, bong tróc, rát đỏ, sạm lại khi ngừng dùng; thấm vào máu, gây nguy hiểm lâu dài cho sức khỏe.
Riêng chì (làm da sáng giả tạo do gây lắng đọng kim loại trên da) là một thành phần độc hại gây nhiễm độc chì, làm da xỉn màu, thâm sạm khi ngừng dùng; tích tụ trong cơ thể, gây mất trí nhớ, suy giảm thần kinh.
“Dấu hiệu để nhận biết điều này là da sáng mịn bất thường, nhưng có thể hơi xám hoặc trắng xanh; khi ngừng bôi, da sạm và lão hóa nhanh”, bác sĩ Thảo giải thích.
Xử lý bằng cách nào?
Khi bị tai biến da do sử dụng kem trộn, theo bác sĩ Thảo, việc đầu tiên là phải “cắt nghiện” bôi corticoid. Phải ngừng hoàn toàn kem trộn nhưng phải giảm từ từ, nếu tình trạng chứa corticoid.
“Chúng ta cần lưu ý hiệu ứng rebound, làm da đỏ rát nặng hơn, có thể bị viêm da dội ngược (Steroid Withdrawal Syndrome) khi ngừng đột ngột corticoid. Do đó, nếu đã dùng corticoid lâu (trên 1 tháng), không nên ngừng đột ngột, cần giảm dần tần suất (từ mỗi ngày, đến cách ngày, đến 2 lần/tuần rồi mới ngừng hẳn sau 2 đến 4 tuần) Trong thời gian này, tăng cường phục hồi da, giảm tình trạng viêm da”, bác sĩ Thảo cho biết.
Sau đó, bệnh nhân tiến hành phục hồi hàng rào bảo vệ da. Các thành phần phục hồi da không gây kích ứng như: Niacinamide 2-5% làm giảm viêm, phục hồi hàng rào bảo vệ da; panthenol (vitamin B5), madecassoside giúp làm dịu và phục hồi da tổn thương; ceramide làm tăng cường hàng rào bảo vệ da.
Đồng thời, bệnh nhân nên sử dụng kem chống nắng, rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ không xà phòng. “Bệnh nhân nên chọn sản phẩm dịu nhẹ, tránh các hoạt chất mạnh: chứa cồn, retinoid mạnh, và AHA/BHA; thuốc bôi có thành phần TXA, niacinamide hoặc B5 giúp giảm viêm, làm dịu da và củng cố hàng rào bảo vệ da mà không gây kích ứng; sử dụng ceramide, hyaluronic axít… để dưỡng ẩm; kem chống nắng vật lý Spf 50, phổ rộng, không chứa hương liệu; điều trị với các phương pháp ít, hoặc không xâm lấn”, bác sĩ Thảo khuyến cáo.
Theo bác sĩ Thảo, thời gian để phục hồi da sau khi bị tai biến da do sử dụng kem trộn ít nhất là từ 4 đến 8 tuần trước khi bắt đầu các phương pháp trị nám.
“Sau khi da không còn đỏ rát, có thể bắt đầu điều trị nám nhẹ nhàng, ưu tiên các hoạt chất dịu nhẹ, không gây kích ứng; không dùng các sản phẩm dễ kích ứng da như: Retinoid mạnh như tretinoin; AHA, BHA và thận trọng với fractional Co2”, bác sĩ Thảo cho biết thêm.