Chi gần 27.000 tỷ đồng cho 25.600 cán bộ, công chức nghỉ việc do sắp xếp bộ máy
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đến nay có hơn 43.200 cán bộ, công chức nghỉ hưu và thôi việc. Trong số này, trên 25.600 người đã nhận trợ cấp với tổng kinh phí chi trả gần 27.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Nội vụ, tính đến ngày 30/6, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong quá trình tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị.
Báo cáo tổng hợp cho thấy có 57.158 người thuộc diện sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có 43.207 người đã nghỉ việc, bao gồm nghỉ hưu và thôi việc.
Về kinh phí hỗ trợ, đã có 25.611 người nhận tiền trợ cấp, chiếm 62,39% tổng số người nghỉ việc (không bao gồm lực lượng công an và quân đội), với tổng số tiền chi trả là 26.947 tỷ đồng.
Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp tình hình và hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 178 của Chính phủ.

25.611 người đã nhận tiền trợ cấp. Ảnh: Thạch Thảo
Trước đó, để triển khai chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 178. Nghị định này quy định chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Các chính sách, chế độ theo quy định được đánh giá là đủ mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo hợp đồng lao động.
Thực hiện Thông báo số 75 của Bộ Chính trị về điều chỉnh phạm vi và đối tượng áp dụng chính sách, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 67 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 178.
Cùng với đó, Bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản gửi tới các bộ, ngành, địa phương để hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị định số 178 và Nghị định số 67.
Về biên chế, theo dự kiến sau sắp xếp, cấp tỉnh sẽ giảm hơn 18.440 biên chế cán bộ, công chức so với chỉ tiêu được giao năm 2022. Đối với cấp xã (bao gồm xã, phường, đặc khu), số lượng biên chế dự kiến giảm hơn 110.780 người so với tổng số biên chế cấp huyện và cấp xã năm 2022. Việc giảm biên chế này được thực hiện thông qua sắp xếp lại vị trí việc làm, tinh giản biên chế và nghỉ theo chế độ.
Xem xét, quyết định cho cán bộ nghỉ việc và được hưởng ngay chế độ
Bộ Nội vụ khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo đúng quy định.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long ký ban hành Công văn 4753 của Bộ Nội vụ về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gửi các tỉnh ủy, thành ủy và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nội dung trọng tâm bao gồm sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; sắp xếp trụ sở; công khai, thực hiện thủ tục hành chính; lưu trữ, số hóa tài liệu.
Bộ Nội vụ lưu ý các địa phương cần xử lý kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng chậm trễ, phát sinh điểm nóng, mất đoàn kết. Đặc biệt, trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có nguyện vọng nghỉ việc ngay, địa phương có thể căn cứ quy định tại Nghị định 178/2024 (sửa đổi tại Nghị định 67/2025) và các văn bản liên quan để giải quyết chế độ, chính sách kịp thời.
Đề xuất phương án tăng lương cơ sở sau sắp xếp bộ máy
Chiều 8/7, tại hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ sẽ đề xuất điều chỉnh lương cơ sở, phụ cấp chức vụ, chức danh cấp xã, phụ cấp khu vực và phụ cấp đặc thù sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Theo bà Trà, việc điều chỉnh sẽ được rà soát, tổng hợp theo hướng cân đối, hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức.
Từ tháng 7/2024, mức lương của nhóm cán bộ, công chức, viên chức được tính theo hệ số nhân với lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội giữa tháng 6, nhiều đại biểu kiến nghị cần sớm cải cách chính sách tiền lương, đặc biệt đối với cán bộ cấp xã và cấp tỉnh sau sáp nhập. Việc tinh gọn bộ máy làm tăng khối lượng công việc, kéo giãn khoảng cách địa lý, đòi hỏi có chính sách tiền lương hợp lý để tạo động lực và giữ chân người làm việc.