'Chị Hằng' Trần Thị Giao Linh - Người thắp sáng những mùa trăng

Với tình cảm nhân ái của một cô 'Bộ đội Cụ Hồ', nhiều năm nay, Trung úy QNCN Trần Thị Giao Linh đã kêu gọi vận động được hàng chục nghìn phần quà Trung thu đong đầy tình yêu thương, góp sức thắp sáng thêm thật nhiều mùa trăng nơi ngõ nhỏ ở biên cương hay trên những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc!

Ba năm nay, những đứa trẻ nghèo ở nơi xa xôi nhất của Tổ quốc đã được tận tay nhận lấy những phần quà Trung thu ấm áp từ những "chú Cuội", "chị Hằng" của Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội phối hợp cùng các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ góp sức trao tặng tại chương trình Trăng thu biên cương. Ở những nơi xa xôi còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn ấy, những phần quà Trung thu lần đầu tiên trong đời các em được nhận trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Với tình cảm nhân ái của một nữ quân nhân, vẫn được các em nhỏ trìu mến gọi là cô Bộ đội Cụ Hồ, nhiều năm nay, Trung úy QNCN Trần Thị Giao Linh (biên tập viên của Trung Tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, thành viên Ban tổ chức chương trình Trăng thu biên cương) đã kêu gọi vận động được hàng chục nghìn phần quà trung thu đong đầy tình yêu thương, với trị giá hàng chục tỷ đồng, góp sức thắp sáng thêm thật nhiều mùa trăng tận ngõ nhỏ biên cương hay trên những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc!

Trung úy QNCN Trần Thị Giao Linh bên các em nhỏ đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận trong chương trình Trăng thu biên cương 2023.

Trung úy QNCN Trần Thị Giao Linh bên các em nhỏ đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận trong chương trình Trăng thu biên cương 2023.

Ấm áp mùa trăng đầu

...TP Hồ Chí Minh, tháng 5-2021, giữa những ngày hạ nắng nóng, ngột ngạt nơi tâm dịch Covid-19, gần 400.000 công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp phải tạm ngừng việc làm hoặc tệ hơn là mất việc làm.

Chị Hoàng Thúy Quyên (công nhân tại TP Hồ Chí Minh) mất việc đã 2 tháng, chị vét những đồng tiền lẻ cuối cùng để chi tiêu cho cuộc sống. Trong căn phòng trọ bé xíu, chật chội chẳng còn gì ăn, chỉ còn mấy củ khoai lang tím vừa được bác tổ trưởng tổ dân phố cho hôm qua. Đứa con trai mới 8 tháng tuổi khóc ngặt nghẽo vì thiếu sữa. Chị đành tán khoai tím ra với nước làm sữa cho con mình qua cơn đói...

Vào thời điểm đó, không riêng chị Quyên, rất nhiều gia đình cầu cứu vì hết lương thực như thế...!

Tình cờ đọc được những dòng cầu cứu của chị Quyên, Trung úy QNCN Trần Thị Giao Linh - lúc đó cũng vừa sinh con được 5 tháng - không cầm được nước mắt. Linh cùng nhóm bạn góp tiền mua sữa và lương thực thiết yếu, không quản khó khăn, vất vả và cả nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, kịp thời đến tận nhà tiếp tế giúp chị Quyên và nhiều lao động nghèo có chung cảnh ngộ khác trong một thời gian khá dài.

Thế nhưng, sau đó, cả thành phố thực hiện giãn cách, "ai ở đâu ở yên đó" theo Chỉ thị 16, cộng với việc nguồn lực quyên góp có hạn, Linh lại nhanh chóng phối hợp cùng bạn bè, người thân, đồng nghiệp và "ngỏ lời" với một công ty sữa để cứu trợ sữa và lương thực cho người dân.

"Lúc đó theo quan sát em thấy rằng, trong các gói cứu trợ của các đơn vị đã bao gồm sữa nhưng vẫn rất ít so với nhu cầu của người dân, nhất là người già và trẻ em. Bởi lẽ, trong đỉnh dịch, người già và trẻ em không ăn được nhiều, dinh dưỡng chủ yếu là từ sữa", Linh kể lại.

Trần Thị Giao Linh kêu gọi các nhà hảo tâm và tận tay phát quà cứu trợ người dân TP Hồ Chí Minh trong đợt dịch Covid-19 năm 2021.

Trần Thị Giao Linh kêu gọi các nhà hảo tâm và tận tay phát quà cứu trợ người dân TP Hồ Chí Minh trong đợt dịch Covid-19 năm 2021.

Thấm thoắt một mùa trung thu lại đến... Nhưng mùa trung thu năm ấy thật đặc biệt, bởi lẽ số lượng người mắc Covid-19 của thành phố, trong đó có nhiều trẻ em đang nằm điều trị trong các khu cách ly rất đông. Trước tình hình này, Linh đã báo cáo Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội kêu gọi sự quan tâm, đồng hành của các nhà hảo tâm để mang đến những món quà trung thu tới các em, giúp các em cảm thấy trung thu vẫn thân thuộc như mọi năm, tiếp thêm động lực giúp các em vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh, sớm trở về với gia đình.

Thế là, Đêm hội trăng rằm 2021 giữa tâm dịch ra đời, đã kêu gọi các nhà tài trợ, các đơn vị hảo tâm trao tặng 14.500 phần quà trung thu trị giá hơn 2 tỷ đồng tới các cháu nhỏ. Trong những ngày dịch Covid-19 với toàn cách ly và giường bệnh như thế, không ai dám mơ tưởng có một Trung thu cho các cháu. Thế nhưng, tại những nơi dịch đang diễn biến nóng bỏng, thậm chí hiểm nguy, hình ảnh cô bộ đội Trần Thị Giao Linh cùng bạn bè, đồng nghiệp không quản ngại khó khăn, len lỏi trong từng con hẻm nhỏ, đến với từng giường bệnh, đem những phần quà vô cùng ý nghĩa tới các cháu nhỏ đã lan tỏa mạnh mẽ trên truyền thông và mạng xã hội, giúp nhân dân hiểu hơn về tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ, luôn hết lòng hy sinh vì hạnh phúc, bình yên của người dân.

Và rồi, "cơn bão" Covid-19 quét qua cũng để lại nhiều nỗi đau chia ly, nhiều em nhỏ bỗng trở thành những trẻ mồ côi. Cô bộ đội trẻ lại đau đáu một điều: Làm thế nào để cuộc sống của những đứa trẻ này tốt hơn? Bằng uy tín của Bộ đội Cụ Hồ và hơn hết là trái tim nhân ái của mình, Linh tiếp tục kêu gọi các nhà tài trợ; và đã có 1.500 phần quà (trị giá lên đến hơn 1 tỷ đồng gồm sữa, bánh, lồng đèn và đồ dùng học tập) được trao tặng những trẻ em mồ côi do Covid-19 và gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới Sư đoàn 5, Quân khu 7 tại tỉnh Tây Ninh.

Chỉ tính riêng 3 chương trình dịp Trung Thu năm 2021, Linh đã trực tiếp tham gia tổ chức các chương trình đạt kết quả cao và kêu gọi tài trợ tổng số 16.500 phần quà, trị giá lên đến hơn 3 tỷ đồng, góp phần trao niềm tin, sức mạnh đến các em nhỏ.

Nối dài những mùa trăng yêu thương

Một mùa trung thu nữa lại đến, năm 2022, Linh tiếp tục nối dài hành trình thiện nguyện của mình khi phối hợp với đồng nghiệp tiếp tục tổ chức chương trình “Trung thu cho em năm 2022" với nhiều hoạt động ý nghĩa, yêu thương tại xã Pa Ủ - một trong những xã xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu và đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu - đảo tiền tiêu xa xôi nhất của vùng biển Tây Nam Tổ quốc.

Những năm trước, Tết Trung thu với những đứa trẻ ở đây chỉ đơn giản là bữa tiệc nhỏ với ít bánh kẹo và thức quà quê, thậm chí nhiều em còn chẳng biết Trung thu là gì. Ước mơ về một lễ hội phá cỗ đêm rằm hay những trò chơi, xem biểu diễn văn nghệ đối với các em là điều quá xa vời.

Thế nhưng, tại Trung thu cho em năm 2022, các em nhỏ đã vô cùng háo hức và vui sướng khi được tận mắt xem chị Hằng, chú Cuội biểu diễn, được xem múa lân, được phá cỗ tại đêm hội.... 1.000 phần quà gồm sữa dinh dưỡng, bánh trung thu, đồ dùng học tập, lồng đèn Trung thu trị giá hơn 1 tỷ đồng được trao đến các em. Các em đã thực sự có những ký ức đẹp về tuổi thơ và Tết Trung thu cho riêng mình.

Đặc biệt, dịp này, Linh còn kêu gọi các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện 7A ra tận đảo xa thăm khám, chữa bệnh cho các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và trẻ em trên đảo. Giữa mênh mông sóng nước xa xôi, người dân khi nghe tin được các bác sĩ về thăm khám sức khỏe cho mình cảm thấy bồi hồi, xúc động biết nhường nào.

"Trung thu là ngày ý nghĩa với mỗi em nhỏ và nhiều gia đình, do đó, em mong muốn mang đến không chỉ những phần quà ý nghĩa cho các em nhỏ mà còn cả những món quà sức khỏe dành cho người thân của các em dịp Trung thu về...", Linh nói với chúng tôi về ý tưởng của món quà trao tặng sức khỏe như thế.

Trung úy QNCN Trần Thị Giao Linh đã và đang ngày càng khẳng định mình trong vai trò kết nối những tấm lòng hảo tâm, lan tỏa tình yêu thương trong những chương trình thiện nguyện ấm áp nghĩa tình.

Trung úy QNCN Trần Thị Giao Linh đã và đang ngày càng khẳng định mình trong vai trò kết nối những tấm lòng hảo tâm, lan tỏa tình yêu thương trong những chương trình thiện nguyện ấm áp nghĩa tình.

Một điều đặc biệt mà Linh cảm thấy hạnh phúc trong mùa trung thu thứ hai này là em đã kêu gọi trao “Học bổng hiếu học” tặng 5 em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn trên đảo Thổ Chu và đảo Phú Quốc, trong đó, có cả con em của các cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội. Các suất học bổng bao gồm 100% học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cá nhân hằng tháng trong suốt quá trình học Trung học phổ thông đến Đại học với tổng giá trị lên đến 2,7 tỷ đồng.

Lý giải về ý tưởng tặng món quà đặc biệt này tới các cháu học sinh, Linh bộc bạch: Khi có cơ hội đến với những vùng xa xôi trên đất nước mình, em thấy cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn lắm! Có những nơi mới chỉ có trường cấp 1, cấp 2; muốn học cấp 3, các em phải vào đất liền với đủ thứ chi tiêu tốn kém, trong khi điều kiện của gia đình các em thì không đủ chi trả. Còn ngược lại, nếu không đi học, các em sẽ tiếp tục ở lại đảo và việc mưu sinh chủ yếu bằng nghề đi biển....

Linh bảo em không thể ngờ rằng, đến tận bây giờ, ước mơ là chỉ được đi học thôi với nhiều em nhỏ vẫn còn khó với tới đến như vậy. Mang nỗi niềm trăn trở này về đất liền, Linh đã trao đổi với Câu lạc bộ thiện nguyện Ấm tình yêu thương, bày tỏ mong muốn một chương trình học bổng cho các cháu học sinh học giỏi trên đảo nhằm "kích thích" tinh thần học tập của các em.

Và mới đây, trong chương trình Trăng thu biên cương 2023, hai món quà trung thu là ba suất “Học bổng hiếu học” trị giá 1 tỷ đồng tiếp tục được nữ quân nhân Trần Thị Giao Linh phối hợp kêu gọi trao tặng đến ba em: Phạm Văn Cường, Phạm Diệu Trúc Thơ. Hai em đều là học sinh cấp 3, nhiều năm liền là học sinh giỏi và có hoàn cảnh khó khăn trên huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Tại bù đốp là em Đào Thị Phương Hoài, sinh năm 2007, hiện đang học lớp 11A3 Trường THCS và THPT Tân Tiến. Bố bị bệnh tim và suy thận, Mẹ sức khỏe không tốt. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào làm nông nên để nuôi 3 con ăn học là vô cùng khó khăn. Hoài có ý chí, nghị lực vượt qua số phận, đạt thành tích cao trong học tập 11 năm liền học sinh giỏi. Vậy là, "mẹ đỡ đầu" Trần Thị Giao Linh đến nay đã có 8 người con để chăm sóc lâu dài như thế!

Không những thế, Trăng thu biên cương 2023 còn trao gửi rất nhiều phần quà ý nghĩa khác như: 50 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng tặng các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 2.000 cặp bánh Trung thu, 1.500 phần quà đồ dùng học tập, 2.000 chiếc balo "phiên bản cô, chú bộ đội", 100 cặp sách, 2.000 phần quà hạt điều cùng 2.000 lá cờ Tổ quốc cũng được trao tặng các em nhỏ và ngư dân huyện đảo Phú Quý.

Đêm hội Trăng thu biên cương 2023 cũng giúp 2.500 trẻ nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, các chốt dân quân biên giới xa xôi được hòa mình vào trong không gian truyền thống, được gặp chị Hằng, chú Cuội, được xem các tiết mục ca nhạc, xem xiếc, ảo thuật, múa lân, được rước đèn ông sao, phá cỗ...đúng nghĩa.

Vẫn không giấu được niềm xúc động khi vừa trở về từ hành trình "chở" Trung thu từ đất liền ra đảo tiền tiêu Phú Quý (Bình Thuận),Đại tá Phạm Văn Tú, Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội cho biết: "Đến nay đã là năm thứ ba chúng tôi mang Trăng thu biên cương đến các em nhỏ trên mọi miền Tổ quốc, nhất là các em nhỏ ở vùng biên giới, hải đảo xa xôi, để các em luôn có mùa trung thu tròn trịa, được khích lệ cả về vật chất và tinh thần. Với những phần quà tuổi thơ cùng những suất học bổng ý nghĩa, chúng tôi mong muốn sẽ giúp các con ngày càng sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, vượt những khó khăn để trở thành con ngoan, trò giỏi, đủ tâm - tài - trí - đức để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Nhắc đến vai trò kết nối quan trọng của Trung úy QNCN Trần Thị Giao Linh, Đại tá Phạm Văn Tú cho biết: Đồng chí Linh với sức trẻ, sự nhiệt huyết, năng động và giàu lòng nhân ái, đã và đang ngày càng khẳng định mình trong vai trò kết nối những tấm lòng hảo tâm, lan tỏa tình yêu thương trong những chương trình thiện nguyện ấm áp nghĩa tình. Trên những nẻo đường xa xôi nhất của Tổ quốc, hình ảnh một cô bộ đội xinh đẹp nhưng không nề hà khó khăn, vất vả, mang những món quà đầy ý nghĩa dành tặng các em nhỏ và đồng bào nơi biên cương, hải đảo xa xôi, góp phần gắn kết thêm bền chặt tình cảm quân dân máu thịt, tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới!

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?

Ít ai biết rằng, cô trung úy mảnh mai Trần Thị Giao Linh hôm nay từng là nữ xạ thủ thiện xạ của Đoàn bắn súng quân dụng của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng tại TP Hồ Chí Minh, từ nhỏ, Linh thường được nghe ba kể về truyền thống hoạt động cách mạng của đại gia đình. Cứ thế, tình yêu về màu xanh áo lính đã được nhen nhóm và lớn dần trong Linh.

Năm 2017, Trần Thị Giao Linh là một trong 5 nữ chiến sĩ tình nguyện nhập ngũ vào Trường Quân sự Quân khu 7.

Năm 2017, Trần Thị Giao Linh là một trong 5 nữ chiến sĩ tình nguyện nhập ngũ vào Trường Quân sự Quân khu 7.

Tốt nghiệp Đại học Nguyễn Tất Thành, Linh là một trong 5 nữ chiến sĩ gia nhập vào Trường Quân sự Quân khu 7 và là một trong số hơn 2.000 bạn trẻ ở TP Hồ Chí Minh tình nguyện viết đơn thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Linh nhớ lại, lúc ấy, gia đình và bạn bè đều bất ngờ khi biết thông tin em đăng ký nộp đơn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Có bạn bè em còn gọi điện hỏi thăm xem sự thật có phải vậy không?

Lý do mà Linh cống hiến đời mình cho Quân đội là: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Sau khi tốt nghiệp em cũng có nhiều cơ hội việc làm nhưng em quyết tâm dự thi để được trúng tuyển lên đường nhập ngũ, bởi vì em đã yêu thích màu áo xanh Bộ đội Cụ Hồ từ khi nào!"

Đến nay, được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh yêu thương, Linh càng cảm thấy trách nhiệm và tự hào với công việc, với đồng bào, đồng chí của mình. Chia sẻ về những dự định, ấp ủ trong tương lai, cô bộ đội Trần Thị Giao Linh vẫn không ngừng mong muốn những điều trân quý, tốt đẹp hơn nữa trong những mùa Trung thu ấm áp tiếp theo cho các em nhỏ.

"Vầng trăng ở đâu cũng có nhưng e muốn vầng trăng sẽ được thắp sáng ở những nơi xa xôi nhất của Tổ quốc, để những nơi đó, luôn có niềm vui, nụ cười và những ánh mắt lấp lánh", Linh bộc bạch.

Nhắc đến nhiều khó khăn trong quá trình kết nối và thực hiện nhiệm vụ, Linh cho biết đôi khi em đã từng muốn bỏ cuộc vì quá mệt, đến cả giấc ngủ cũng chập chờn, nhưng cứ nghĩ đến việc nếu vậy thì nhiều cháu bé sẽ không nhận được quà - ấy là điều rất đáng buồn - điều này lại thôi thúc em tiếp tục việc làm ý nghĩa này.

"Ở những vùng biên giới xa xôi hay hải đảo tứ bề mênh mông sóng nước, đa số là con em chiến sĩ cán bộ tuyến đầu. Các em còn nhiều khó khăn nhưng vẫn đang gắng vươn lên, đặc biệt, các em nhỏ cần sự giúp đỡ để tiếp tục việc học. Điều này luôn thôi thúc em quyết tâm kết nối với các nhà hảo tâm đến nhiều hơn những vùng biên cương, hải đảo, để góp sức giúp những người dân, đồng chí, đồng đội mình thêm an tâm công tác, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc", Linh chia sẻ về mục đích những việc mình đang làm như thế.

Hơn hết, Linh cũng mong muốn rằng các cháu nhỏ ở vùng biên giới, hải đảo sẽ luôn có đủ đầy tình thương, điều kiện vật chất và tinh thần để mai này các em phát triển tốt hơn, từ đó đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ, xây dựng biên cương, đất nước.

Trung úy QNCN Trần Thị Giao Linh mong có thêm thật nhiều mùa Trăng thu biên cương.

Linh luôn mong rằng, sẽ có thêm nhiều nhà hảo tâm cùng đồng hành trong thời gian tới, để có thêm thật nhiều mùa Trăng thu biên cương hơn nữa, sưởi ấm, thắp sáng niềm tin và động lực cho các em nhỏ nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc.

 Các em nhỏ ở nơi xa xôi nhất của Tổ quốc hạnh phúc với những phần quà ý nghĩa và đậm chất lính từ Trăng thu biên cương 2023.

Các em nhỏ ở nơi xa xôi nhất của Tổ quốc hạnh phúc với những phần quà ý nghĩa và đậm chất lính từ Trăng thu biên cương 2023.

Sau nhiều ngày "chở" trăng trung thu ngược xuôi ra biển, ra đảo, lên biên giới với hàng ngàn em nhỏ, hôm nay, "chị Hằng" Trần Thị Giao Linh đã kịp về nhà để tối nay phá cỗ trông trăng với gia đình bên cậu con trai 2 tuổi. Hôm nay, ánh trăng thu sẽ sáng lấp lánh bởi hạnh phúc quây quần, đoàn tụ yêu thương!

THẢO PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/chi-hang-tran-thi-giao-linh-nguoi-thap-sang-nhung-mua-trang-744869