Chi hơn nửa tỷ đồng cho chuyến du lịch châu Âu
Trong hơn một tháng du lịch tự túc ở Anh và Pháp, gia đình chị Yến tiêu hết 650 triệu đồng. Chị cho rằng việc chi số tiền lớn để đổi lấy trải nghiệm là xứng đáng.
Đầu năm nay, vợ chồng chị Trần Thị Yến, nhân viên văn phòng hiện sống ở tỉnh Saitama (Nhật Bản), lên kế hoạch cho chuyến đi tới vùng Provence, miền Nam nước Pháp, để ngắm hoa lavender.
Vì là du lịch tự túc, mọi thứ như vé máy bay, tàu xe, khách sạn, nhà nghỉ, chị Yến đều liên lạc và đặt qua Internet.
Giữa tháng 6, gia đình 4 người bay qua Anh chơi nửa tháng, đợi tới thời điểm hoa oải hương nở rộ mới di chuyển sang Pháp.
Chị Yến cho biết đây là chuyến du lịch tiêu tốn nhiều tiền nhất của gia đình chị từ trước đến nay do đi dài ngày và đồng yen Nhật đang rớt giá mạnh.
“Tổng chi phí là khoảng 500 triệu đồng, chưa tính tiền mua sắm 150 triệu đồng. Vợ chồng mình không đặt ra ngân sách cho chuyến đi vì nếu quá tính toán sẽ cảm thấy bị gò bó. Tất nhiên là chi tiêu thoải mái nhưng vẫn trong giới hạn kinh tế của gia đình”, chị nói với Zing.
Chi trăm triệu đi du lịch là bình thường
Hiện tại, vợ chồng chị Yến được nghỉ chế độ thai sản (tối đa 2 năm có nhận bảo hiểm), ở nhà chăm con nhỏ nên có nhiều thời gian để du lịch dài ngày. Tháng 4 năm sau, hai người sẽ đi làm trở lại nên tranh thủ cùng con khám phá thêm vài quốc gia.
Trước chuyến đi châu Âu, cả nhà từng ghé thăm Hawaii (Mỹ), Australia, Italy, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Bali (Indonesia).
Theo chị Yến, việc các bạn trẻ và nhiều gia đình hiện nay chi hàng trăm triệu đồng để đi du lịch xả stress, nghỉ dưỡng, mua sắm là bình thường. Điều này cho thấy kinh tế đất nước ngày càng phát triển, thu nhập của mọi người cũng cao hơn.
“Với một số người có thu nhập tầm trung, số tiền đó rất lớn, nhưng họ sẵn sàng chi ra vì muốn ra ngoài thế giới khám phá, học hỏi. Mình nghĩ cuộc đời ngắn ngủi nên làm điều mình thích, đến nơi mình muốn, sống sao thấy vui là được”, chị nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm du lịch tự túc, chị Yến khuyên mọi người nên thuê nhà ở thay vì khách sạn. Hình thức lưu trú này có lựa chọn nấu ăn, giặt giũ, rất phù hợp với gia đình có con nhỏ. Bên cạnh đó, việc mang theo đồ ăn hợp khẩu vị như mì gói, bún, miến ăn liền cũng giúp tiết kiệm thời gian đi mua và không bị ngán.
Lê Như Quỳnh, nhân viên văn phòng và kinh doanh mỹ phẩm ở Vũng Tàu, vừa kết thúc chuyến du lịch châu Âu 13 ngày qua 4 quốc gia Pháp, Thụy Sĩ, Italy, Áo cùng 2 người bạn.
Đến nay, đây là chuyến đi dài ngày và chi mạnh tay nhất của Quỳnh. Cô cho biết vài năm mới có thể du lịch với chi phí lớn như vậy một lần.
“Tụi mình rất thích du lịch nhưng hầu như là đi trong nước nên muốn một lần thử khám phá châu Âu. Vì ít ra nước ngoài, việc xin visa đi tự túc khá khó nên mình quyết định chọn đi tour để khả năng đậu cao hơn. Tour mình lựa có giá 102 triệu đồng/người, bao gồm tất cả chi phí”, cô nói.
Trước khi sang châu Âu, Quỳnh từng ghé thăm Thái Lan và Singapore. Kinh phí cho mỗi chuyến đi được đặt ra trong khả năng, không phung phí cho những thứ không cần thiết như đồ hiệu vì cô quan trọng giải tỏa stress, khám phá và trải nghiệm nhiều hơn.
Hàng tháng, Quỳnh thường dành ra một khoản bỏ tiết kiệm cho đam mê xê dịch, còn lại để chi tiêu cá nhân.
“Hiện nay, các bạn trẻ rất năng động và ưa khám phá. Họ kiếm tiền giỏi, kinh tế khá thì nhu cầu chi tiêu cho bản thân cũng là dễ hiểu. Mình nghĩ khi chi ra số tiền lớn để đi du lịch, ai cũng đều tính toán và cân nhắc kỹ”, cô bày tỏ.
Chi phí không quá quan trọng
Đầu năm nay, Vương Đông (27 tuổi), tốt nghiệp thạc sĩ ngành Du lịch tại Pháp, du lịch 15 quốc gia từ Đông sang Tây Âu trong gần 6 tuần, di chuyển hoàn toàn bằng xe buýt.
Đông cho biết anh ấp ủ chuyến đi này suốt 2 năm, với tiêu chí khám phá thật kỹ các địa điểm và tiết kiệm theo kiểu sinh viên.
Tổng số tiền cho chuyến đi là 1.500 euro (hơn 35 triệu đồng), riêng tiền mua vé xe hết 420 euro.
“Tính ra mỗi quốc gia tiêu 100 euro cũng không đắt đỏ. Các nước sẽ bù trừ cho nhau, mình lên lịch trình hợp lý là được”, anh nói.
Khi đi du lịch, Đông đều lên ngân sách từ trước. Anh chỉ cho phép bản thân chi tiêu trong một khoản nhất định, ngoài ra cũng sẽ có khoản dự phòng.
Chia sẻ về lý do chọn di chuyển bằng xe buýt thay vì máy bay, chàng trai tiết lộ: “Flixbus ở châu Âu có những chặng đi đêm, giúp tiết kiệm được tiền khách sạn. Mình cũng muốn ngắm toàn cảnh châu Âu được nhiều hơn. Bên cạnh đó, mình tự thử thách bản thân để xem sức chịu đựng đi phượt đến đâu. Hơn nữa, đây là chuyến đi có thể chỉ có một lần trong đời nên mình không muốn bỏ lỡ”.
Trong các thành phố mình đặt chân tới, Đông đều đi bộ để thảnh thơi ngắm nhìn mọi thứ. Anh nghiên cứu các cung đường kỹ càng trong lúc ngồi xe buýt để có thể đi được nhiều địa điểm nhất.
“Mục tiêu của mình không phải là check-in tất cả điểm đến nổi tiếng. Đi lang thang rất thú vị vì có thể tìm thấy nhiều góc phố nhỏ xinh, bình yên, vắng du khách”, anh nói.
Về ăn uống, Đông ít ghé nhà hàng mà thường vào siêu thị mua đồ tự nấu ăn tại chỗ nghỉ. Đây cũng là cách giúp anh gặp gỡ và trò chuyện với các du khách trẻ châu Âu.
Cứ mỗi 2 quốc gia đi qua, Đông sẽ ở lại dài ngày hơn ở nước tiếp theo để nghỉ ngơi, hồi phục sức lực. Mọi hành trang của chàng trai được gói gọn trong một chiếc balo nhỏ.
Sau hành trình này, Đông có thêm góc nhìn khác về du lịch châu Âu. Đó là không cần thật nhiều tiền mới có thể đi được.
“Theo mình, du lịch với nhiều hay ít tiền không phải là vấn đề. Quan trọng là dám đi và những trải nghiệm riêng biệt, tuyệt vời, thú vị trong chuyến đi mới là điều cần hướng tới”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chi-hon-nua-ty-dong-cho-chuyen-du-lich-chau-au-post1365630.html