Chỉ huy quân đội Nam Phi thăm Moscow giữa lúc căng thẳng với Mỹ
Chỉ huy lực lượng mặt đất của Nam Phi đã tới Moscow vài ngày sau khi Washington cáo buộc Nam Phi bí mật cung cấp vũ khí cho Nga.
Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Nam Phi (SANDF) hôm 15.5 cho biết, tư lệnh lục quân nước này, trung tướng Lawrence Mbatha, theo lời mời “thiện chí” từ Bộ Quốc phòng Nga đã có chuyến thăm thủ đô Moscow để tiến hành các cuộc hội đàm song phương “được lên kế hoạc từ trước” với giới chức quốc phòng Nga.
“Cần lưu ý rằng Nam Phi có quan hệ quân sự song phương với nhiều quốc gia khác nhau trong lục địa và hơn thế nữa. SANDF tiếp nhận nhiều phái đoàn quân sự vào nước này và cử các phái đoàn của mình đến các nước khác để thảo luận các vấn đề cùng quan tâm”, SANDF tuyên bố.
Các hãng thông tấn Nga trước đó đưa tin rằng, ông Mbatha đang dẫn đầu một phái đoàn thảo luận về “các vấn đề liên quan đến hợp tác và tương tác quân sự”. Mbatha đã “đến thăm các cơ sở giáo dục của lực lượng mặt đất và các doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp-quân sự” của Nga.
Interfax (Nga) cho biết, các thỏa thuận đã đạt được nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các lực lượng mặt đất trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chuyến thăm này diễn ra sau khi Đại sứ Mỹ tại Nam Phi - ông Reuben Brigety - vào tuần trước cho biết ông tin rằng một tàu Nga đã nhận vũ khí tại một cảng của Nam Phi vào tháng 12 năm ngoái.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel hôm 11.5 nói rằng: "Mỹ rất quan ngại về việc một chiếc tàu hàng bị cấm vận của Nga cập vào một quân cảng ở Nam Phi hồi tháng 12 năm ngoái".
Các quan chức Nam Phi đã nhanh chóng bác bỏ tuyên bố của đại sứ Mỹ. Các cáo buộc về việc vận chuyển vũ khí bí mật tới Nga cũng đã vấp phải phản ứng giận dữ từ Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ông cho biết một cuộc điều tra về vấn đề này sẽ được tiến hành.
Bộ trưởng Truyền thông Nam Phi Mondli Gungubele, Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát Vũ khí Quy ước Quốc gia khẳng định hôm 12.5 rằng, nếu vũ khí được vận chuyển lên một con tàu đến Nga, đó sẽ là hành động bất hợp pháp và không phù hợp.
Bộ Ngoại giao Nam Phi đã triệu tập Đại sứ Reuben Brigety để làm rõ về những cáo buộc mà ông đưa ra. Theo tuyên bố của cơ quan ngoại giao Nam Phi, ông Brigety đã đưa ra lời xin lỗi đối với chính phủ và người dân Nam Phi.
Được biết, Nam Phi đã từ chối lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nói rằng họ muốn giữ thái độ trung lập. Quốc gia đã bỏ phiếu trắng về các nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án cuộc chiến ở Ukraine. Nam Phi còn tổ chức cuộc tập trận quân sự chung gây tranh cãi với Nga và Trung Quốc hồi đầu năm nay.
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết, sau cáo buộc của đại sứ Mỹ được đưa ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa, nơi cả hai nhà lãnh đạo được cho là đã đồng ý "tăng cường quan hệ cùng có lợi".
Ông Ramaphosa đã nhắc lại hôm 15.5 rằng đất nước của ông sẽ không bị lôi kéo vào “một cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu” về Ukraine mặc dù đã phải đối mặt với “áp lực lớn” để chọn bên.
Tổng thống Nam Phi cũng tiết lộ rằng ông Putin sẽ đến thăm Nam Phi để tham dự một cuộc họp của các nhà lãnh đạo tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRICS) vào tháng 8 tới.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước cho biết ông đã nói chuyện với ông Ramaphosa và kêu gọi người đồng cấp Nam Phi giúp thực hiện kế hoạch hòa bình của Kyiv để chấm dứt chiến tranh.
"Bất cứ ai cung cấp vũ khí cho Nga sẽ là đồng phạm đi kèm với mọi hậu quả", ông Zelenskiy nói trong một bài phát biểu trực tuyến từ Rome (Ý) hôm 13.5.