Chi Lăng: Chú trọng phát triển tài sản trí tuệTin khácVững vàng trên trận tuyến chống 'giặc lửa'Thông tin về đầu mối liên lạc, ứng trực 24/24 giờ hỗ trợ công dân nước ngoài của Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn

Tài sản trí tuệ không có giá trị hữu hình song tác động mạnh mẽ đến nhận thức người tiêu dùng, xây dựng uy tín cho sản phẩm. Nhận thấy điều đó, thời gian qua, chính quyền huyện Chi Lăng đã chú trọng xây dựng và phát triển các tài sản trí tuệ đối với một số sản phẩm nông sản chủ lực nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người sản xuất trên địa bàn.

Toàn tỉnh hiện có 22 sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó, huyện Chi Lăng có 4 sản phẩm gồm: 1 nhãn hiệu chứng nhận “Na Chi Lăng” và 3 nhãn hiệu tập thể đối với cao khô Vạn Linh, rau bò khai Chi Lăng, ngựa bạch Hữu Kiên. Ông Lưu Bá Mạc, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết: Thời gian qua, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như phối hợp phát triển tài sản trí tuệ được chính quyền huyện Chi Lăng triển khai có hiệu quả. Việc quảng bá thương hiệu sản phẩm gắn với quản lý tốt việc sử dụng tem, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, tập thể, đơn vị và cá nhân sử dụng hợp pháp sản phẩm thuộc sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, công tác quảng bá sản phẩm được chính quyền huyện Chi Lăng đẩy mạnh ở trong và ngoài tỉnh, góp phần mở rộng thị trường, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm chủ lực của huyện.

Người dân thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng phân loại na trước khi bán cho thương lái

Người dân thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng phân loại na trước khi bán cho thương lái

Để có được kết quả đó, thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan và người dân quan tâm thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng và bảo hộ thương hiệu sản phẩm. Một trong những giải pháp đó là UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về sở hữu trí tuệ gắn với xây dựng nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ. Theo đó, công tác tuyên truyền được triển khai từ huyện đến xã thông qua hệ thống loa truyền thanh, cổng thông tin điện tử của huyện, các hội nghị, các cuộc sinh hoạt khu dân cư, hội nghị tập huấn… nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Từ năm 2016 đến nay, huyện Chi Lăng đã thực hiện 138 tin, bài và hàng chục đợt tuyên truyền về tài sản trí tuệ. Cùng đó, huyện tổ chức 144 hoạt động phổ biến các nội dung về sở hữu trí tuệ, xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho hơn 9.000 lượt người tham gia.

Trong những năm qua, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tích cực phối hợp với Sở KHCN, Viện Rau quả trung ương triển khai nhiều đề tài khoa học nghiên cứu phát triển các sản phẩm chủ lực có thế mạnh như: na, bưởi, hồi, thuốc lá, ớt, ngựa bạch, rau bò khai…, trong đó, đi đầu là các dự án phát triển cây na. Cụ thể những năm qua, nhiều hoạt động nâng cao chất lượng quả na đã diễn ra trên địa bàn gồm: phổ biến cho người dân kỹ thuật rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch quả, kỹ thuật cắt tỉa cành, bón phân, thụ phấn cho na… Đến nay, nhiều hộ dân đã chủ động áp dụng tiến bộ KHCN để tăng năng suất cây na. Quả na được gắn tem truy xuất nguồn gốc, có hộp đựng với thiết kế riêng.

Chị Hà Thị Đợi, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Vụ na 2021, do ảnh hưởng của dịch, chúng tôi lo sản phẩm na không tiêu thụ được hoặc giá rẻ. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ mà vụ na năm nay, chúng tôi có nhiều thuận lợi khi tiêu thụ với giá ổn định như mọi năm, dao động từ 20.000 đến 50.000 đồng/kg.

Được biết, trong quá trình thực hiện, UBND huyện còn có chính sách hỗ trợ tem nhãn, hộp đựng, bao bì sản phẩm đối với những hộ tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện đã hỗ trợ 130.000 tem truy xuất nguồn gốc, hơn 100.000 túi bao quả, 90.000 hộp đựng quả các loại, 1.500 cuộn băng dính in logo các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Hiện nay, các cấp, ngành liên quan trong huyện đang tiếp tục quan tâm bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực. Trong đó, chúng tôi đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho “mật ong Vân Thủy” và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Gà Vạn Linh”.

Để đáp ứng những yêu cầu chất lượng, sự an toàn của sản phẩm thì xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ là yếu tố tiên quyết. Xác định như vậy, thời gian tới, chính quyền, cơ quan chuyên môn huyện Chi Lăng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn

THỤC QUYÊN

HOÀNG HUẤN - DƯƠNG KIM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/451979-chi-lang-chu-trong-phat-trien-tai-san-tri-tue.html