Chí lớn của người thanh niên yêu nước

Quãng thời gian thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh - Phan Thiết tuy ngắn ngủi nhưng để lại không ít ân tình. Chính những biến cố và hiện thực xã hội nối tiếp đã thôi thúc người thanh niên yêu nước - thầy giáo Nguyễn Tất Thành lên đường vào Nam, xuống tàu, vượt trùng dương để tìm đường cứu nước.

Cuốn sách kịch bản văn học “Nhìn ra biển cả” của nhà văn Nguyễn Thị Hồng Ngát, do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2017 đã dựng lại sinh động những diễn biến tâm lý, ý chí và hoài bão của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành thời kỳ ấy.

18 tuổi, Nguyễn Tất Thành đang cùng anh trai học ở trường Quốc học Huế. Là chàng trai thông minh, sáng dạ, anh được các thầy và các bạn nể phục vì tài học, đối nhân xử thế. Nhưng do tham gia một cuộc biểu tình cùng những người nông dân nghèo “chống sưu cao thuế nặng”, “chống đàn áp dân lành”, “chống bắt phu, bắt lính”... anh đã bị đuổi học. Rời trường Quốc học Huế, anh theo bác Tám - một người buôn kẹo mạch nha vào Quảng Ngãi, rồi vào Bình Định nơi cha đang làm quan. Sợ cha rầy la vì bị đuổi học, nhưng anh đã nhận được sự thấu hiểu từ cha và cha đã đồng ý cho anh đi dạy học. Ông đã viết thư giới thiệu anh đến dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết), nơi có người bạn là một trong những người sáng lập ra trường.

Dạy học ở trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử nước nhà, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong mỗi học sinh. Thầy đã đem đến cách dạy mới, vừa học, vừa chơi, tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, tìm hiểu thực tế; dạy các em tập võ, rèn luyện sức khỏe. Đồng thời, có sáng kiến để thư viện trường có thêm nhiều sách hay cho thầy và trò tham khảo.

Không chỉ là thầy, Nguyễn Tất Thành còn gần gũi, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với học sinh, quan tâm hơn đến học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Chính vì vậy, chỉ một thời gian ngắn, thầy đã được các đồng nghiệp và học trò trong trường tin tưởng, quý mến. Tuy nhiên, chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân, Nguyễn Tất Thành hiểu rằng “Nước mất, nhà tan... chả đâu có thể sống yên ả được”. Trong anh cũng luôn đặt câu hỏi: “Tại sao nước mình đẹp nhường kia mà lại lắm người nghèo khổ đến thế? Mình đọc sách thấy người Pháp đi bảo hộ nước người nhưng ở chính nước họ cũng không ít người nghèo. Rất nhiều số phận đau khổ, bất công...”.

Đặc biệt, khi biết cha mình bị tước mũ áo về làm dân thường chỉ vì làm quan thanh liêm, luôn vì dân, lo cho dân, càng thôi thúc trong Nguyễn Tất Thành quyết tâm vào phương Nam và sau này ra đi tìm đường cứu nước. Với trí tuệ vượt tầm thời đại, chàng trai Nguyễn Tất Thành biết được rằng “Muốn làm được việc lớn thì phải dám ra biển lớn”. Đó chính là con đường chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành và sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đã chọn để giành được độc lập, tự do cho dân tộc.

Huyền Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/cuoi-tuan/tac-gia-tac-pham/chi-lon-cua-nguoi-thanh-nien-yeu-nuoc-148920.html