Vào đêm, rạng sáng ngày 15/4/1912, tàu Titanic huyền thoại đâm vào tảng băng trôi rồi từ từ chìm xuống độ sâu hơn 3.657m ở Bắc Đại Tây Dương. Thảm kịch chìm tàu này khiến hơn 1.500 người thiệt mạng và khoảng 700 người may mắn sống sót. Xác tàu Titanic "ngủ vùi" dưới đáy biển suốt nhiều năm trước khi được phát hiện vào ngày 1/9/1985.
Theo các chuyên gia, xác tàu Titanic nằm ngoài khơi Newfoundland, Canada. Sau 112 năm bị chìm xuống đáy biển, xác tàu đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực dành cho sĩ quan ở mạn phải tàu.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo xác tàu Titanic có nguy cơ bị phân hủy hoàn toàn vào khoảng năm 2030 nếu như không có phương án bảo vệ con tàu này.
Trong những năm qua, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã thực hiện các chuyến lặn biển, thám hiểm xác tàu Titanic để kiểm tra tình trạng của con tàu như xác định nguyên nhân khiến nó đang tan dần vào đại dương.
Thông qua các nghiên cứu, giới chuyên gia xác định "thủ phạm" khiến xác tàu Titanic mục ruỗng và han gỉ do nhũ rusticle (một hợp chất gồm các loại sắt oxit, sắt carbonate và sắt hydroxit) tạo bởi vi khuẩn ăn kim loại mang tên Halomonas titanicae.
Thêm nữa, những tác động tự nhiên như sự ăn mòn của muối và dòng hải lưu mạnh dưới biển sâu cũng góp phần khiến xác tàu Titanic bị phân hủy nhanh.
"Giống như mọi thứ, cuối cùng, tàu Titanic sẽ biến mất hoàn toàn. Quá trình này sẽ mất một thời gian dài trước khi điều đó xảy ra. Tuy nhiên, hiện tượng phân hủy của xác tàu nằm trong dự kiến và là một quá trình tự nhiên", Patrick Lahey, chủ tịch kiêm nhà đồng sáng lập công ty Triton Submarines, cho hay.
Các nhà nghiên cứu nhận định tốc độ phân hủy của xác tàu Titanic tăng lên khi các tầng trên của con tàu đổ nát.
Theo giới nghiên cứu, nếu một tầng ở phía trên hư hỏng, tàu Titanic sẽ sụp đổ lên tầng tiếp theo.
Quá trình phá hủy sẽ tiếp nối từ tầng này tới tầng khác cho tới khi con tàu sụp đổ hoàn toàn.
Mời độc giả xem video: Cận cảnh xác tàu Titanic dưới đáy biển sâu 4.000m.
Tâm Anh (theo LS)