Chỉ nên sử dụng chung một điều lệ của MTTQ
Góp ý sửa đổi Hiến pháp, ông Lương Anh Tế, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Hải Dương cho rằng chỉ nên sử dụng chung một điều lệ của MTTQ cho tất cả các tổ chức thành viên.

Ông Lương Anh Tế, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương
Việc bổ sung quy định MTTQ Việt Nam là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như trong khoản 1, điều 9 của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với xu thế thời đại.
Tuy nhiên, nói đến MTTQ là nói đến 1 trong 3 chủ thể của hệ thống chính trị ở nước ta: Đảng - Nhà nước - MTTQ, trong đó MTTQ là đại diện cho nhân dân. Mà sự đại diện ấy được thông qua các tổ chức hội quần chúng, vì: nhân dân là hội viên, đoàn viên của các hội quần chúng, MTTQ không có hội viên trực tiếp. Nhưng trong khoản 1, điều 9 có ghi “MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.
Như vậy khổ này chỉ nói đến liên minh, liên hiệp của các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cá nhân tiêu biểu... Vậy còn các tổ chức hội quần chúng khác như các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, xã hội từ thiện… thì có được liên minh, liên hiệp trong MTTQ hay không? Thế nào là cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp... thì mới được liên minh, liên hiệp trong MTTQ? Cá nhân tiêu biểu là do các tầng lớp nhân dân lựa chọn giới thiệu để đại diện tham gia vào Ủy ban MTTQ ở mỗi nhiệm kỳ.
Vì vậy khổ này nên bỏ từ “tổ chức chính trị, tổ chức xã hội” thay bằng “hội quần chúng” để vừa không phân biệt các tổ chức, vừa phù hợp với tên gọi các hội quần chúng trong Quyết định 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư và Nghị định 126/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại khoản 2, điều 9, dự thảo ghi “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam”.
Vậy, các tổ chức hội quần chúng khác có trực thuộc MTTQ hay không? Các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cũng là đơn vị trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Như vậy, khổ này nên bỏ đi cụm từ “là các tổ chức chính trị - xã hội” và thêm vào “và các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ''; bỏ cụm từ “cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận”, thêm vào từ “thực hiện”.
Còn tại khoản 3, điều 9, dự thảo ghi “MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, điều lệ của MTTQ Việt Nam, điều lệ của mỗi tổ chức…”.
Khổ này nên bỏ đi cụm từ “điều lệ của mỗi tổ chức”. Bởi, các tổ chức thành viên đã trực thuộc Mặt trận thì cũng không cần ban hành điều lệ riêng. Vì vai trò, tính chất của MTTQ và các tổ chức quần chúng là tương đồng, đều là: tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; tổ chức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ; thực hiện giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Vì thế, chỉ nên sử dụng chung một điều lệ của MTTQ, vừa thuận tiện vừa thể hiện sự thống nhất. Tuy nhiên, cần điều chỉnh, bổ sung điều lệ của MTTQ cho phù hợp với cơ cấu tổ chức mới.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chi-nen-su-dung-chung-mot-dieu-le-cua-mttq-412179.html