Quảng Trị có bao nhiêu diện tích rừng được hưởng lợi từ 'bán không khí' năm 2025?
Quảng Trị vừa công bố tổng diện tích rừng tự nhiên được hưởng lợi nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) năm 2025.
Ngày 23/5, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam vừa ký quyết định phê duyệt diện tích rừng tự nhiên và danh sách đối tượng hưởng lợi nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) năm 2025 trên địa bàn.

Một chuyến tuần tra, bảo vệ rừng của lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị).
Theo đó, tổng diện tích rừng tự nhiên được chi trả là 126.749,35ha. Trong đó, đối tượng hưởng lợi là hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư có diện tích rừng được chi trả là 16.290,33ha; chủ rừng là tổ chức có diện tích rừng 85.739,6ha; UBND các huyện có 116,44ha; UBND các xã có 18.528,69ha; Tổ chức được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh) có 6.074,29ha.
Qua đó, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện các bước tiếp theo để chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ năm 2025 cho các đối tượng hưởng lợi ứng với diện tích rừng tự nhiên được phê duyệt nêu trên.
Quảng Trị là một trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện thí điểm, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP năm 2022 của Chính phủ. Năm 2024, tỉnh Quảng Trị đã chi trả hơn 21,7 tỷ đồng cho các chủ rừng từ nguồn thu của thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).
Trung bình mỗi 1ha rừng tự nhiên sẽ được chi trả khoảng 120.000 đồng từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon. Giai đoạn 2023-2025, Quảng Trị có hơn 126.000ha rừng tự nhiên, trong đó trên 20.000ha do các tổ bảo vệ rừng cộng đồng nhận khoán bảo vệ.
ERPA là thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, được ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD).
Thỏa thuận này nhằm mục đích chuyển nhượng lượng giảm phát thải từ các dự án lâm nghiệp (như trồng rừng, quản lý rừng bền vững) sang một quỹ tài chính để sử dụng cho việc giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.