Chị Nhà giỏi việc nước
'Trấn Yên là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, Hồng Ca là xã vùng cao và khó khăn nhất của Trấn Yên và Khuôn Bổ là thôn vùng cao nhất, khó khăn nhất của Hồng Ca. Khó chồng lên khó, Khuôn Bổ tưởng chừng không thể xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng với sự chung tay của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự cống hiến đầy nhiệt huyết, trách nhiệm của đồng chí Tráng Thị Nhà, Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bổ, thôn đã cán đích nông thôn mới kiểu mẫu vào ngày 6-11-2021'.
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, chia sẻ với chúng tôi như vậy trong chuyến công tác mới đây.
Lặng thầm hương quế
Địa danh Khuôn Bổ và cái tên Tráng Thị Nhà mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhắc đến khơi nguồn cho những dòng kỷ niệm tuôn trào trong chúng tôi. Năm 2017, trong hành trình khảo sát đời sống đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh Yên Bái, sau khi được chính quyền địa phương giới thiệu, chúng tôi háo hức tìm về thôn Khuôn Bổ (một trong các thôn có 100% đồng bào dân tộc Mông của tỉnh Yên Bái sinh sống) để gặp Tráng Thị Nhà-cô gái trẻ người dân tộc Mông vừa được chi bộ Khuôn Bổ tín nhiệm bầu làm bí thư.
Theo nếp nghĩ thông thường vốn ăn sâu bám rễ ở nơi đây, việc Nhà tham gia việc nước là chuyện lạ! Bởi, trong quan niệm của người Mông, người chồng luôn giữ vai trò quan trọng và quyết định mọi việc trong gia đình; vai trò của người phụ nữ còn bị coi thấp, họ chỉ là người nội trợ và chăm sóc con cái; các bé gái người Mông không được đi học...
Những quan niệm và thói quen đó tạo nên sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới khá cao. Và người Mông thường có câu cửa miệng: “Đẻ con gái như gáo nước đổ đi rồi không lấy lại được”. Bởi thế, chúng tôi không khỏi e ngại trước trọng trách mà Tráng Thị Nhà vừa được phó thác.
Gặp nhau ở trung tâm xã Hồng Ca, ngay khi chúng tôi vừa ngỏ lời mời lên xe ô tô để cùng đi đến thôn Khuôn Bổ, đồng chí Hà Ngọc Toanh, Bí thư Đảng ủy xã lắc đầu quầy quậy: “Khuôn Bổ tuy chỉ cách xã 3,5km, nhưng không đi được bằng ô tô đâu”. Vậy là cả đoàn lại “rồng rắn” nối đuôi nhau về Khuôn Bổ trên những chiếc xe máy. Trên đường đi, những làn gió mát lành nhẹ nhàng đem theo hương quế khiến chúng tôi quên đi cảm giác khó chịu khi chiếc xe máy nhảy cồng cộc như con ngựa bất kham trên cung đường cấp phối tầng tầng, lớp lớp ổ gà, ổ trâu nằm chen chúc.
Anh Toanh thông tin thêm, Khuôn Bổ được thành lập năm 2001, theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái để giúp các nhóm đồng bào dân tộc Mông đang sống từ du canh, du cư sang định canh, định cư. Ngày đầu, Khuôn Bổ gặp rất nhiều khó khăn: Đường sá đi lại không thuận tiện; tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 30%; khoảng 14% người dân không biết chữ và 10% không biết tiếng phổ thông; đồng bào còn nặng nề với các tập tục lạc hậu từ trong nếp sống đến sản xuất kinh tế.
“Mùi quế thơm anh nhỉ?”, chúng tôi bắt chuyện. Anh Toanh cười, nói: “Cây quế là một trong những cây chủ lực để xóa đói, giảm nghèo. Nhưng vì trồng quế phải vài năm mới bắt đầu cho thu hoạch nên Đảng ủy, chính quyền xã phải tập trung vận động, hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ đồng bào trồng quế. Việc đưa cây quế về Khuôn Bổ cũng gặp không ít khó khăn vì đồng bào từ lâu đã quen đi rừng nên không chí thú sản xuất, nhất là phải chờ đợi lâu năm thì cây quế mới cho thu hoạch... Thế nhưng, nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, trong đó có cá nhân Tráng Thị Nhà mà vùng đất này ngày càng có nhiều hơn những rừng quế”.
Ấn tượng đầu tiên khi gặp Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bổ là một phụ nữ nhỏ nhắn, trắng trẻo và có phần mảnh mai, trái ngược hẳn với hình dung ban đầu của chúng tôi về một người có nước da mặn mòi nắng gió, mang cái cứng cáp của cây lim, cây táu đại ngàn để có thể vững vàng trước phong ba, bão táp vùng cao.
Qua trò chuyện, chúng tôi càng hiểu nguyên nhân vì sao chị Nhà được Chi bộ Khuôn Bổ bầu làm bí thư; để rồi thêm cảm phục ý chí, nghị lực mạnh mẽ của chị. Ở cái tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nhà là nữ sinh người Mông đầu tiên của thôn dám vượt qua rào cản phong tục của đồng bào Mông-không đi lấy chồng sớm-để quyết tâm học xong trung học phổ thông, rồi tiếp tục tham gia khóa đào tạo sơ cấp công tác xã hội.
Giọng Tráng Thị Nhà nhẹ, trong như tiếng suối: “Tuy khó nhưng mình gương mẫu trước nhân dân, cố gắng động viên, giúp đỡ thì nhân dân sẽ đồng thuận và làm theo. Càng làm càng có lợi, đời sống nhân dân được nâng cao, nên phải cố hết sức mà làm chứ!”. Nói rồi, Nhà chân chất kể, ví như trước kia, tập quán sinh hoạt hằng ngày của người Mông rất lạc hậu, nhà ở không gọn gàng, chuồng trại chăn nuôi ngay gần nhà.
Bản thân gia đình Nhà cũng vậy. Khi được cán bộ tuyên truyền, gia đình mới thay đổi nhận thức, di chuyển chuồng trại ra xa nhà ở, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp hơn. Sau khi gia đình gương mẫu làm trước, Nhà mới đi vận động mọi người trong thôn cùng làm. Giờ thì gia đình nào cũng có ý thức vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ sạch sẽ.
Lần ấy, chia tay Khuôn Bổ, hương quế nồng nàn, thoang thoảng cứ vương vấn đường về. Trong lặng thầm hương quế, chúng tôi lại nhớ đến hình ảnh Nhà-người nữ cán bộ vùng cao đang lặng thầm cống hiến, lặng thầm tỏa hương, làm đẹp, làm giàu cho cuộc sống đồng bào Mông vùng cao Khuôn Bổ.
Điểm sáng Khuôn Bổ
Thật vui bởi cái ngày mong đợi không quá xa. Sau 5 năm, chúng tôi lại có dịp trở về Khuôn Bổ!
Về huyện Trấn Yên, khi nhắc đến Khuôn Bổ, đồng chí Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phấn khởi cho hay: “Khuôn Bổ không chỉ là điểm sáng của huyện về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu mà đang là điểm của xã, huyện về xây dựng chi bộ kiểu mẫu”.
Lý do mà huyện ủy chọn Khuôn Bổ để xây dựng điểm về chi bộ kiểu mẫu là bởi Chi bộ thôn Khuôn Bổ nói chung, đồng chí Bí thư chi bộ Tráng Thị Nhà nói riêng đã có đóng góp tích cực, hiệu quả trong tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như trong triển khai thực hiện nghị quyết của các cấp; đồng thời luôn hoàn thành tốt công tác phát triển đảng viên.
Có lần đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, sau khi dự sinh hoạt tại Chi bộ thôn Khuôn Bổ đã kể lại với chúng tôi: “Mình rất ấn tượng với Bí thư chi bộ Nhà về hai điều. Thứ nhất là khi nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế và tuyên dương các hộ gia đình sản xuất tốt, mình lấy làm tiếc là trong số đó không có gia đình đảng viên. Thế nhưng sau khi trò chuyện với mọi người, mình mới biết, gia đình đồng chí Nhà có 4ha quế, 2ha măng tre Bát Độ, nhẩm tính sơ sơ thì đồng chí đã có tiền tỷ trong tay. Họp chi bộ xong mình mới hỏi, sao đồng chí không đưa tên mình vào danh sách? Nhà hồn nhiên trả lời: “Mình là đảng viên, ai lại tự khen mình, nên khen người dân để còn động viên tinh thần cho bà con”.
Ấn tượng thứ hai là khi Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trò chuyện về tháo gỡ khó khăn trong công tác vận động nhân dân, đồng chí Nhà chia sẻ: “Nhiều khi đến các gia đình họ khác trong thôn để vận động thì người dân nói: "Mày về họ mày mà bảo người họ mày làm". Vì thế tôi thấy cần phải xây dựng, phát triển đảng viên ở các dòng họ trong thôn, để những đảng viên ấy phát huy trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động bà con dòng họ mình”.
Giữa tháng Tư lịch sử, đi trên con đường về thôn Khuôn Bổ nay đã được bê tông hóa, hai bên đường là cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trong gió lộng, khiến lòng người rạo rực, xốn xang. Tráng Thị Nhà khoe, đến nay thôn đã đạt 10/10 tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư khá đồng bộ: 100% đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa, đường ngõ xóm cứng hóa đạt 80,2%; trên 91% số hộ gia đình có nhà đạt chuẩn; 90% hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn theo quy định. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, trong số gần 90 hộ của thôn Khuôn Bổ thì có tới 80% số hộ kinh tế khá; nhiều hộ làm kinh tế giỏi, với thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm.
Chị Vàng Thị Mỷ, một gia đình kinh tế khá ở thôn Khuôn Bổ vui vẻ: “Trước đây, người Mông chỉ làm nương chứ không có ruộng đồng, mà làm nương thì không đủ ăn nên khổ. Nhờ chị Nhà và các cán bộ thôn đến động viên nên người Mông từ chỉ quen leo núi, chặt cây, đốt nương, chọc lỗ, bỏ hạt, giờ đã biết trồng rừng quế, măng tre Bát Độ, cấy lúa, trồng ngô; đã biết cải tạo vườn tạp, bố trí lại cơ cấu cây trồng, biết tận dụng những mảnh đất nhỏ tại vườn nhà để trồng rau, củ, quả, phục vụ cho nhu cầu gia đình, tăng thêm nguồn thu nhập; biết chăn thả con gà, con lợn. Tôi vừa làm được nhà mới cho con ra ở riêng đấy”.
Làm thế nào để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân? Câu hỏi trên luôn là nỗi trăn trở khôn nguôi trong suy nghĩ của Tráng Thị Nhà. Nhận thấy điều kiện tự nhiên có tiềm năng, đất đai dồi dào, Bí thư Chi bộ Tráng Thị Nhà đã cùng với tập thể chi bộ vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp như: Trồng quế, măng tre Bát Độ, trồng cây gáo vàng, nuôi hươu sao, gà đen bản địa, lợn rừng...
Thấy đồng bào chưa yên tâm, bản thân bí thư và các đảng viên trong chi bộ gương mẫu làm trước, sau đó vận động người dân làm theo. Vừa làm mẫu, vừa đến từng hộ vận động người dân, cầm tay chỉ việc. Giờ mọi người trong thôn ai cũng biết làm kinh tế, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng măng, trồng quế, chăn nuôi... để nâng cao thu nhập.
Không chỉ trăn trở hướng đi trong phát triển kinh tế, Bí thư chi bộ Tráng Thị Nhà còn đau đáu: Phải làm sao để tuyên truyền, vận động đồng bào vừa giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc Mông, vừa phải cùng nhau chung tay xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe; đặc biệt là phải đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hạn chế đẻ nhiều, đẻ dày?
Từ đó, Nhà đã phát huy vai trò của các chi hội, đoàn thể, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng nhằm tuyên truyền về chính sách dân số, nên giờ đây thôn đã từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 trở lên.
Ngày chúng tôi trở về Khuôn Bổ cũng là lúc Tráng Thị Nhà đang cùng mọi người nâng cấp đường giao thông và bê tông hóa mương nước trên trục chính vào thôn. 5 năm đã trôi qua kể từ lần gặp đầu, Nhà vẫn vậy, trẻ trung, trắng trẻo, mảnh mai, tràn đầy nhiệt huyết, ý chí và trách nhiệm với nhiệm vụ.
Nhà dừng tay, chào đón chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại. Chị tâm sự: Hiện nay, còn một đoạn đường từ đầu làng lên khu sản xuất chưa được bê tông hóa, nếu được nhà nước hỗ trợ xi măng thì nhân dân thôn Khuôn Bổ sẽ chủ động cát, sỏi và nhân lực để cứng hóa 100% đường. Rồi Nhà cho biết thêm, Khuôn Bổ đã được đầu tư xây dựng trường mẫu giáo khang trang, sạch đẹp để các cháu bé được đến trường, tạo điều kiện cho cha mẹ có thời gian chăm lo lao động, sản xuất. Rồi Nhà mời chúng tôi đến tham quan trường học.
Trên đường đi, qua câu chuyện về sự khởi sắc của Khuôn Bổ, chúng tôi thấy đôi mắt Nhà sáng ngời niềm hạnh phúc. “Các anh có thấy hương quế không?”, bất chợt Nhà đặt câu hỏi. “Có, rất thơm em ạ”, chúng tôi trả lời. “Hiện cây quế là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo của Khuôn Bổ. Trước đây đồng bào chưa quen, không biết lấy gì ăn khi trồng quế nên đảng viên trong chi bộ phải hướng dẫn đồng bào mấy năm đầu trồng xen sắn, ngô để lấy ngắn nuôi dài. Giờ thì không cần động viên nữa mà ai cũng mong muốn được mở rộng diện tích trồng quế”, Nhà tâm sự. Hiện nay, Chi bộ thôn Khuôn Bổ cũng đang định hướng địa phương xây dựng chương trình trồng các cây thuốc có giá trị như: Sa nhân, thục địa, đẳng sâm... để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhân dân.
Trường Mầm non Khuôn Bổ sạch, đẹp, có nhiều đồ chơi, sách vở và các vật dụng cần thiết để phát triển trí não và thể lực cho trẻ thơ. Tiếng trẻ đánh vần ê a, vang rộn, như đang đánh thức cả một vùng xanh thẳm. Tráng Thị Nhà cho biết, ngoài duy trì dạy học mầm non, các cấp học khác cũng được địa phương quan tâm, coi trọng, với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT đạt trên 90%.
Vậy là, không chỉ chăm lo cho cuộc sống trước mắt, Bí thư chi bộ Tráng Thị Nhà vẫn đang cần mẫn, miệt mài góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ươm mầm tri thức, để tiếp tục thắp sáng hơn nữa tương lai của một vùng cao.