Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được quy định như thế nào?

Căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.

Câu hỏi: Tôi đang có vụ việc liên quan đến ly hôn, khi đến UBND xã tôi được hướng dẫn việc nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý gửi đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh hoặc các Chi nhánh của Trung tâm. Vậy tôi muốn tìm hiểu Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 5, Nghị định 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý:

1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, được thành lập tại các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước và chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh. Căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.

Chi nhánh chịu sự quản lý của Trung tâm. Chi nhánh có con dấu để giao dịch, sử dụng cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Tên chi nhánh của Trung tâm được đặt theo số thứ tự thành lập nhưng phải thể hiện rõ tên Trung tâm chủ quản của chi nhánh.

2. Chi nhánh có Trưởng Chi nhánh là Trợ giúp viên pháp lý, do Giám đốc Trung tâm bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Trưởng Chi nhánh chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm về hoạt động của Chi nhánh.

3. Chi nhánh có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện trợ giúp pháp lý; cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa bàn được phân công;

b) Đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý;

c) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về trợ giúp pháp lý;

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến trợ giúp pháp lý theo phân công của Giám đốc Trung tâm.

4. Việc thành lập Chi nhánh phải căn cứ các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Trợ giúp pháp lý và dựa vào nhu cầu trợ giúp pháp lý dài hạn của người dân tại nơi dự kiến thành lập; phải có Trợ giúp viên pháp lý làm việc thường xuyên, có cơ sở vật chất, bảo đảm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước.

5. Các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Trợ giúp pháp lý là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ.

Huyện có giao thông không thuận tiện đến Trung tâm quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Trợ giúp pháp lý là huyện nằm cách xa Trung tâm và không đạt tiêu chí giao thông theo hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới của cơ quan có thẩm quyền.

6. Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập Chi nhánh của Trung tâm./.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Kạn

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/chi-nhanh-cua-trung-tam-tro-giup-phap-ly-nha-nuoc-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-post64873.html