Chi nhánh Ven Biển, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga 35 năm xây dựng, trưởng thành
Chi nhánh Ven Biển là đơn vị đầu mối trực thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, được thành lập theo Quyết định số 115/QĐ-QP ngày 2-5-1988 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chi nhánh có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trên hai hướng độ bền nhiệt đới và sinh thái nhiệt đới, ứng dụng chuyển giao công nghệ và dịch vụ khoa học kỹ thuật phục vụ quốc phòng và dân sinh.
Trải qua 35 năm xây dựng, phấn đấu, trưởng thành, đồng hành cùng những thăng trầm của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Chi nhánh đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để tồn tại và phát triển. Những năm đầu mới thành lập là thời kỳ khó khăn nhất đối với Chi nhánh Ven Biển: Lực lượng cán bộ khoa học còn ít, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, thiếu thốn, địa điểm đóng quân phải mượn của Quân khu 5.
Đặc biệt là sự tan rã của Liên Xô năm 1991 đã tác động rất lớn đến Trung tâm nói chung và Chi nhánh nói riêng. Lúc này, quân số của Chi nhánh giảm mạnh, cán bộ Liên Xô lần lượt về nước, cán bộ phía Việt Nam đa phần xin chuyển khỏi Chi nhánh. Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn đó, cán bộ, công nhân viên Chi nhánh Ven Biển đã đoàn kết, thống nhất, quyết tâm vượt lên khó khăn, thử thách, vừa xây dựng vừa triển khai có hiệu quả các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Chính những kết quả thiết thực về khoa học và công nghệ mà Chi nhánh tiến hành là cơ sở quan trọng nhất để Thủ trưởng Bộ Quốc phòng kết luận “Chi nhánh Ven Biển đang triển khai các hoạt động chuyên môn cùng với phía Nga tại Trạm thử nghiệm khí hậu và hệ thống thử nghiệm nuôi trồng thủy sản, thực sự có nhu cầu về vị trí đóng quân để làm việc, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt”. Kết quả là ngày 15-11-1996 Bộ Tổng Tham mưu đã ra Quyết định số 650/QĐ-TM về việc giao khu đất số 30 Nguyễn Thiện Thuật cho Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga sử dụng làm vị trí đóng quân của Chi nhánh Ven Biển. Từ đó đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ký các quyết định cho phép Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga mở rộng diện tích mặt biển, trên đảo và trên đất liền giao cho Chi nhánh Ven Biển làm nơi nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, chế thử. Điều đó càng khẳng định rằng trong suốt 35 năm qua, Chi nhánh Ven Biển đã tiến hành những nghiên cứu có giá trị và ý nghĩa hết sức thiết thực.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong giai đoạn cách mạng mới, quán triệt phương châm “Đoàn kết, sáng tạo, hợp tác, hiệu quả”, trong những năm gần đây, Chi nhánh đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trên các mặt công tác. Năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ được nâng cao; hoạt động khoa học công nghệ phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, hiệu quả. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào phía nước Bạn Nga những năm đầu, ngày càng độc lập, tự chủ theo bước trưởng thành của đội ngũ cán bộ khoa học.
Hướng Độ bền nhiệt đới đã triển khai các chương trình thử nghiệm, đánh giá độ bền cho các vật liệu phi kim loại, thử nghiệm các hệ sơn trang trí, các vật liệu bảo vệ chống ăn mòn, thử nghiệm độ bền nhiệt đới các chi tiết, linh kiện điện tử… với hàng ngàn mẫu thử các loại. Qua nghiên cứu đã đánh giá được tác động của các yếu tố khí hậu nhiệt đới tới trạng thái kỹ thuật của trang thiết bị, vật tư, linh kiện. Đề xuất được các giải pháp chế tạo vật liệu mới và ứng dụng các phương pháp, phương tiện mới trong việc khai thác, sử dụng, bảo quản nhằm bảo đảm độ bền vũ khí trang bị kỹ thuật trong điều kiện môi trường nhiệt đới ẩm.
Trên hướng Sinh thái nhiệt đới, đã đi sâu vào nghiên cứu hệ sinh thái nước mặn, tập trung vào nghiên cứu cấu trúc, chức năng hệ sinh thái biển ven bờ: Nghiên cứu các quần xã cộng sinh trên san hô; hệ sinh thái rừng ngập mặn; sinh vật đáy mềm; nghiên cứu phát triển phôi của các loài cá có giá trị kinh tế cao dùng trong nuôi thủy sản, sự phát triển tuyến sinh dục và các giai đoạn phát triển phổi của cá rạn san hô, hiện tượng ký sinh trùng nhiễm trên trứng và cá biển… Về hệ sinh thái nước ngọt: Tập trung nghiên cứu quần xã cá, sinh vật phù du, sinh vật đáy, tại sông, hồ chứa và thủy vực khác nhau.
Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, Chi nhánh đã chủ trì và tham gia thực hiện 138 nội dung đề tài, nhiệm vụ Ủy ban Phối hợp, với sự tham gia phối hợp của hơn 100 lượt cán bộ Nga; tổ chức nhiều chuyến dã ngoại thu mẫu dài ngày trên các địa phương của cả nước; triển khai 42 đề tài, nhiệm vụ các cấp riêng phía Việt Nam (trong đó có 1 nhiệm vụ cấp quốc gia, 4 nhiệm vụ thuộc chương trình bảo tồn quỹ gen cấp Bộ Quốc phòng); công bố 97 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, hội nghị khoa học trong và ngoài nước.
Bên cạnh thế mạnh trong nghiên cứu cơ bản với sản phẩm là các công bố quốc tế, Chi nhánh cũng đã triển khai các nhiệm vụ khoa học-công nghệ có tính ứng dụng, mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình như: Hệ thống kiểm soát độ ẩm sử dụng năng lượng mặt trời cho kho bảo quản vùng biển đảo; hệ thống chống hà bám trong đường ống làm mát bằng nước biển trên tàu thủy bằng phương pháp điện hóa; công nghệ sửa chữa ghế phóng K36-ĐM trên máy bay Su-22M4; hệ thống trang thiết bị thử nghiệm với các chương trình, phương pháp, tiêu chuẩn thử nghiệm đánh giá độ bền khí hậu của vật liệu và trang bị kỹ thuật trong điều kiện tự nhiên và gia tốc; công nghệ điện hóa bảo vệ tàu thuyền và công trình biển (bảo vệ cathode dòng ngoài và bảo vệ protector)... Các đề tài, nhiệm vụ hướng Sinh thái nhiệt đới tập trung vào định hướng bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái, giải quyết các vấn đề cấp bách của thực tiễn như: Thực hiện nhiệm vụ lập bản đồ phân vùng bảo vệ rạn san hô, bãi đẻ khu vực biển phía Bắc vịnh Nha Trang; tham gia khảo sát, đánh giá hiện trạng rạn san hô khu vực hòn Mun; thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga với các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên; bảo tồn quỹ gen các sinh vật có giá trị như đồi mồi, hải sâm, cá ngựa, bào ngư... Đây cũng là những nghiên cứu có thế mạnh của Chi nhánh.
Bên cạnh khoa học, công nghệ, các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, công tác hành chính-quân sự, công tác hậu cần-kỹ thuật, chăm lo xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện luôn được Chi nhánh chú trọng. Từ Đại hội chi bộ nhiệm kỳ đầu chỉ có 9 đảng viên, đến nay Chi nhánh đã phát triển thành một trong những Đảng bộ trực thuộc lớn nhất trong Đảng bộ Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Cùng với đó, Chi nhánh đã đón tiếp hàng trăm Đoàn cán bộ các cấp, các ngành của Liên bang Nga và Việt Nam đến thăm và làm việc.
Công tác xây dựng tiềm lực được quan tâm, đầu tư lớn, Chi nhánh đã xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ, dần hình thành được một số tập thể nghiên cứu mạnh, đủ điều kiện tham gia các chương trình khoa học và công nghệ các cấp. Đơn vị hiện có 1 phòng thí nghiệm đạt chuẩn quân sự TCVN/QS 877:2014; 1 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017. Chi nhánh mới nhận bàn giao thêm 2 cơ sở hạ tầng (Xưởng Sản xuất chế thử tại xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, Khánh Hòa; Trạm nghiên cứu, quan trắc Sinh thái và đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà tại xã Đạ Chai, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng)...
Những kết quả nêu trên của Chi nhánh đã đóng góp rất quan trọng góp phần xây dựng Trung tâm trở thành tổ chức khoa học và công nghệ đa ngành về nhiệt đới có uy tín ở Việt Nam và Liên bang Nga, góp phần vào củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị, tin cậy, sâu sắc, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Trên chặng đường sắp tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, đồng thời, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, Chi nhánh xác định cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, tích cực tham gia hiệu quả vào các chương trình khoa học và công nghệ của riêng phía Việt Nam và của Ủy ban phối hợp; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các đơn vị, địa phương, phát huy những lĩnh vực Chi nhánh có thế mạnh như nghiên cứu môi trường, nghiên cứu biển...; kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; thích ứng và triển khai thực tế các giải pháp sáng tạo, phát huy lợi thế hợp tác trực tiếp và vai trò cầu nối với các tổ chức khoa học công nghệ; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và lực lượng cán bộ khoa học phù hợp yêu cầu của khoa học và công nghệ hiện đại... Phấn đấu xây dựng Chi nhánh phát triển vững mạnh, toàn diện, xứng đáng là đại diện của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đại tá NGUYỄN NHƯ HƯNG (Giám đốc Chi nhánh Ven Biển)