Chi phí không chính thức vẫn cao

Sáng 5/5, tại Hà Nội diễn ra lễ công bố (trực tuyến) Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Ngôi quán quân thuộc về Quảng Ninh. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh giữ chắc vị trí này.

Có sự cải thiện ở nhóm sau

Báo cáo PCI 2019 là ấn phẩm thường niên năm thứ 15 liên tiếp do VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố, nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Với sự tham gia của gần 12.500 doanh nghiệp (DN), PCI là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng DN trong và ngoài nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Quảng Ninh năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI. Riêng về điểm số so với chính mình, Quảng Ninh tăng 3 điểm. Đây là sự thay đổi tích cực của địa phương đứng đầu

Mặc dù là địa phương còn nhiều khó khăn về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, song Đồng Tháp tiếp tục nằm trong top 3 các địa phương có điểm số đứng đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, dù còn nhiều khó khăn ở một số mặt, nhưng các DN tư nhân đang hoạt động tại địa phương này đều hài lòng về bộ máy chính quyền ở đây. Nằm trong top 10 có Đà Nẵng, Long An, Hà Nội, Hải Phòng. Rất nhiều thành phố lớn nằm trong top 20. Đứng nhóm cuối trong bảng xếp hạng là các tỉnh Lai Châu, Bình Phước, Hà Giang, Bắc Kạn. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, điểm tích cực là nhóm sau trong bảng xếp hạng đang có sự cải thiện rất mạnh mẽ.

Những chỉ số trong bảng xếp hạng PCI 2019 cho thấy, các lĩnh vực đã được cải thiện, DN đã hài lòng hơn khi tiếp cận với các thủ tục hành chính, các lĩnh vực trong môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí không chính thức vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao khi ở mức trên 53%. Theo ông Tuấn, mặc dù đã giảm so với tỷ lệ 66% của năm 2018, song đây vẫn là con số cho thấy các DN vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, vẫn phải chịu gánh nặng những chi phí ngoài luồng.

Thước đo để các địa phương “soi” lại mình

Giới chuyên gia nhận định, PCI thể hiện thẳng thắn ý kiến của DN với bộ máy chính quyền, giúp DN bày tỏ những suy nghĩ, những vấn đề bức xúc liên quan đến chi phí không chính thức, thủ tục hành chính cũng như những bất cập khác khi tham gia vào môi trường kinh doanh. Thời gian qua, PCI đã trở thành công cụ đánh giá chính xác hoạt động của bộ máy chính quyền, đưa ra nhiều thông điệp cho chính quyền cũng như trở thành công cụ giúp địa phương tự “soi” lại mình, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, PCI tạo nên sự khác biệt cho tỉnh Quảng Ninh, giúp tỉnh này xây dựng thương hiệu riêng cho mình, đồng thời tạo cơ hội để thu hút đầu tư, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, trong đó có thành phần kinh tế tư nhân. “Ưu tiên của tỉnh là tập trung vào văn hóa thực thi, chất lượng thực thi để tạo lập môi trương đầu tư kinh doanh thực sự minh bạch, thông thoáng thuận lợi cho DN tham gia đầu tư. Điều đó đã tạo nên sự hài lòng của cộng đồng DN thời gian qua”- ông Ký nhấn mạnh.

Cũng khẳng định PCI là thước đo để chính quyền địa phương có thể làm tốt vai trò quản lý, điều hành, ông Nguyễn Hữu Thập- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang cho rằng, chỉ số PCI đã góp phần thúc đẩy chính quyền địa phương cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, giảm nhiều chi phí không chính thức, tạo điều kiện tốt nhất cho DN.

Lễ công bố chỉ số PCI hàng năm được xem là cơ hội để lãnh đạo các địa phương rà soát và đánh giá điểm mạnh và điểm yếu trong quá trình điều hành của mình, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp hằm xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thông thoáng hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cộng đồng DN.

Một số liệu thống kê cho biết, nếu PCI tăng 1 điểm thì số liệu DN đăng ký kinh doanh mới tăng 3%. Với 15 báo cáo thường niên, PCI đang góp phần tạo nên môi trường kinh doanh khởi sắc của Việt Nam. Khép lại một hành trình 15 năm cũng là lúc PCI theo đuổi mục tiêu đưa Việt Nam đứng trong top 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về thuận lợi trong môi trường kinh doanh.

“Môi trường kinh doanh đã bình đẳng hơn. Tín hiệu tích cực trong năm vừa rồi là tính minh bạch có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Các DN cho biết, các tài liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được tiếp cận dễ dàng hơn. Tuy nhiên, lĩnh vực chi tiêu công, mua sắm công vẫn còn chưa thực sự minh bạch như kỳ vọng”- ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận xét.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tai-chinh/chi-phi-khong-chinh-thuc-van-cao-tintuc465620