Chi phí lãi vay tăng 15 lần, ông chủ heo ăn chay kinh doanh ra sao?
Trước sức ép từ lãi vay cùng loạt chi phí phát sinh trong kỳ, lợi nhuận sau thuế của BAF 'bốc hơi' tới 81% xuống còn 52,8 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2023.
Giá heo thấp kéo lùi lợi nhuận của BAF
Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa công bố báo cáo tài chính với tình hình kinh doanh giảm sút. Theo đó, quý III/2023, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.219 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ các chi phí BAF báo lãi giảm 75% xuống còn 40 tỷ đồng. Lý giải về kết quả kinh doanh giảm, doanh nghiệp cho biết nguyên nhân là do BAF đã cắt giảm hoạt động kinh doanh thương mại nông sản theo lộ trình để tập trung nguồn lực vào hoạt động chăn nuôi chuỗi khép kín, đúng theo chiến lược đã được đề ra.
Ngoài ra, công ty cho biết giá bán heo từ đầu năm duy trì ở nền thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng heo bán ra chưa tăng tương ứng với quy mô đàn, một số trang trại cũng mới được đưa vào vận hành trong năm nay.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, BAF ghi nhận doanh thu đạt 3.625 tỷ đồng, giảm 26%. Trong đó, doanh thu bán nông sản vẫn chiếm phần lớn cơ cấu với 2.678 tỷ đồng. Ngoài ra trong kỳ công ty còn trích lập thêm 23,8 tỷ đồng doanh thu bán bất động sản đầu tư.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của BAF đạt 52,8 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, giảm 81% so với cùng kỳ.
Năm 2023, doanh nghiệp của ông Trương Sỹ Bá lên kế hoạch doanh thu đạt 3.913 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 301 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023 BAF đã hoàn thành 93% kế hoạch doanh thu và mới chỉ hoàn thành 17,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Chi phí tăng chóng mặt
9 tháng đầu năm, BAF nhận được khoản lãi tiền gửi và cho vay, lãi chuyển nhượng tăng lần lượt gấp 10 lần và 7 lần so với cùng kỳ. Nhờ đó mà doanh thu tài chính của công ty được đẩy lên 26 tỷ đồng, tương đương tăng 8,6 lần so với 9 tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, chi phí tài chính trong kỳ của BAF cũng tăng “chóng mặt", từ chỉ vỏn vẹn 162 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm 2022 lên 109 tỷ đồng vào cùng kỳ năm nay. Trong đó nguyên nhân chính là do chi phí lãi vay tăng hơn 15 lần lên 108 tỷ đồng.
Đối chiếu sang bên kia bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/9/2023, nợ phải trả của BAF đạt 4.790 tỷ đồng, tăng 60% so với số đầu năm. Trong đó, vợ vay ngắn hạn và dài hạn ghi nhận dấu hiệu tăng mạnh, tăng 85,6% so với đầu năm, lên 1.776 tỷ đồng và chiếm 26% tổng nguồn vốn.
Ngoài ra, công ty còn ghi nhận phát sinh thêm khoản trái phiếu chuyển đổi với trị giá 427 tỷ đồng trong khi đầu năm không ghi nhận.
Đây là lô trái phiếu với tổng giá trị chuyển đổi là 600 tỷ đồng, trong đó cơ cấu vốn 153 tỷ đồng được ghi nhận tại vốn chủ sở hữu và cơ cấu nợ gốc 450 triệu được xác định bằng cách chiết khấu các khoản thanh toán trong tương lai theo lãi suất vay tương đương trên thị trường.
Không chỉ chi phí tài chính, các khoản chi còn lại trong kỳ của BAF cũng phát sinh mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, do phát sinh thêm chi phí vận chuyển, dịch vụ mua ngoại mà chi phí hàng bán hàng của BAF tăng thêm 36% lên 68 tỷ đồng.
Cùng chiều xu hướng trên, chi phí quản lý doanh nghiệp của BAF ghi nhận đạt 70,1 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Như vậy, mặc dù doanh thu lao dốc và hụt lợi nhuận khác, BAF còn tiếp tục phát sinh chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp, điều này dẫn tới lợi nhuận của công ty giảm mạnh tới 81% so với cùng kỳ.
Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của BAF ở mức 6.729 tỷ đồng, tăng 42% so với số đầu kỳ. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận đạt 70,8 tỷ đồng, giảm 53%.
Trong kỳ, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty tăng gấp 3,3 lần cùng kỳ lên 330 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa có thuyết minh cụ thể về khoản đầu tư này của BAF.
Chỉ số hàng tồn kho tính đến cuối tháng 9 của BAF ghi nhận đạt 1.405 tỷ đồng, tăng 59%, tăng chủ yếu đến từ chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ. Đến cuối quý III/2023, BAF đang ghi nhận 756 tỷ đồng phí xây dựng trang trại, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ.