Chi phí phát sinh trước khi DN hoạt động được phân bổ thế nào?

Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo, quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động, chi phí sửa chữa tài sản cố định phát sinh một lần có giá trị lớn mà doanh nghiệp không thực hiện trích trước chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định được ghi nhận vào chi phí trả trước và các chi phí này được phân bổ tối đa không quá 3 năm.

Theo phản ánh của bà Trần Xoa (TP. Hồ Chí Minh), tại Điều 47 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định: Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo, quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động được phân bổ tối đa không quá 3 năm; Chi phí sửa chữa TSCĐ phát sinh một lần có giá trị lớn doanh nghiệp không thực hiện trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, phân bổ tối đa không quá 3 năm.

Quy định hiện hành của thuế thu nhập doanh nghiệp: Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển,... không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản nêu trên được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm.

Bà Xoa hỏi, 3 năm nêu trên theo quy định về thuế và về kế toán là 3 năm tài chính hay quy đổi 3 năm nêu trên thành 36 tháng, vì 36 tháng có thể rơi vào 4 năm tài chính?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp thì chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo, quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động, chi phí sửa chữa tài sản cố định phát sinh một lần có giá trị lớn mà doanh nghiệp không thực hiện trích trước chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định được ghi nhận vào chi phí trả trước và các chi phí này được phân bổ tối đa không quá 3 năm, tương đương với 36 tháng.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/chi-phi-phat-sinh-truoc-khi-dn-hoat-dong-duoc-phan-bo-the-nao/392826.vgp