Tổ khuyến nông cộng đồng: Hạt nhân xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp

Theo bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, xã đạt chuẩn NTM phải có tổ khuyến nông cộng đồng (TKNCĐ) hoạt động hiệu quả. Theo hướng dẫn, các xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn trên đã thành lập TKNCĐ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Cầu nối chuyển giao kỹ thuật

Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về bộ tiêu chí quốc gia xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn) có chỉ tiêu 13.5 đối với các xã đạt NTM là phải thành lập TKNCĐ hoạt động hiệu quả. Đáp ứng nội dung này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương xây dựng NTM thành lập TKNCĐ. Đến nay, toàn tỉnh có 14 tổ với hơn 100 thành viên. Các tổ được thành lập theo quyết định của UBND cấp xã, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản. Mỗi tổ có tối thiểu 5 thành viên gồm lãnh đạo xã, cán bộ phụ trách khuyến nông, đại diện các hội, đoàn thể, giám đốc hợp tác xã, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi…

 Cán bộ phụ trách khuyến nông xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế (bên phải) trao đổi kỹ thuật chăn nuôi gà đồi với người dân trên địa bàn.

Cán bộ phụ trách khuyến nông xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế (bên phải) trao đổi kỹ thuật chăn nuôi gà đồi với người dân trên địa bàn.

Tìm hiểu ở xã Tân Lập (Lục Ngạn), tháng 3/2022, UBND xã có quyết định thành lập TKNCĐ với tổng số 7 thành viên. Bà Hoàng Thị Nga, công chức địa chính-nông nghiệp kiêm tổ phó TKNCĐ xã Tân Lập cho hay, tổ xác định 3 nội dung hoạt động chính là: Hỗ trợ, tư vấn về khuyến nông, dịch vụ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp; tư vấn phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ nông dân tham gia thị trường, liên kết chuỗi giá trị, chuyển đổi số.

Khắc phục khó khăn do các thành viên đều kiêm nhiệm, tổ đã chủ động phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức nhiều lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng mô hình điểm về trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP, trồng sâm Nam núi Dành làm điểm để nhân rộng; đưa người dân đi tham quan các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả ở các địa bàn khác; cung ứng vật tư nông nghiệp… Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, địa phương tiếp tục xây dựng NTM nâng cao trong thời gian tới.

Toàn tỉnh có 14 tổ khuyến nông cộng đồng với hơn 100 thành viên. Các tổ được thành lập theo quyết định của UBND cấp xã, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản. Thành viên tham gia gồm lãnh đạo xã, cán bộ phụ trách khuyến nông, đại diện các hội, đoàn thể, giám đốc hợp tác xã, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi...

Năm 2022, xã Tân Hiệp (Yên Thế) thành lập TKNCĐ và duy trì hoạt động đến nay, đặc biệt tổ có 35 thành viên, nhiều nhất trong số các xã có TKNCĐ. Các thành viên trong tổ có lãnh đạo xã, cán bộ phụ trách khuyến nông, xây dựng, thủy lợi, công chức văn hóa xã hội, cán bộ đài truyền thanh xã, trưởng thôn, phó thôn, bí thư chi bộ của 10/10 thôn, bản với hơn 70% là đảng viên. Vì thế, việc tuyên truyền, triển khai các hoạt động xuyên suốt, bài bản từ trên xuống dưới.

Trên cơ sở thế mạnh của từng thôn, tổ phối hợp vận động, tuyên truyền nông dân xây dựng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường ở thôn Đồng Gia, thôn Đồng Bài; mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn với dịch bệnh tại thôn Đìa, thôn Đồng Bông; mô hình trồng ngô ngọt tại ba thôn: Đồng Tâm, Đồng Gia, Luộc Giới. Tổ phối hợp cung cấp giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm, giúp người dân, nhất là các hộ khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất. Qua đó góp phần hoàn thành 19/19 tiêu chí, đưa xã Tân Hiệp về đích NTM trong năm 2024.

TKNCĐ như cầu nối, cánh tay đắc lực giúp chuyển giao khoa học, kỹ thuật tới nông dân; liên kết sản xuất, thúc đẩy chuỗi giá trị gia tăng; từng bước tiếp cận nền sản xuất, kinh doanh hiện đại, hiệu quả.

Khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động

Bên cạnh những thuận lợi, các TKNCĐ vẫn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn tổ chưa được bố trí kinh phí hoạt động, không có nguồn thu từ dịch vụ nông nghiệp, năng lực thực hiện nhiệm vụ của một số thành viên còn hạn chế nên thời gian qua, các nội dung hoạt động chưa được thực hiện độc lập mà lồng ghép, phối hợp với hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể (chủ yếu là Hội Nông dân). Các nội dung đã thực hiện mới chỉ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn một số kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; phần việc liên quan đến hỗ trợ thành lập hợp tác xã, phát triển thị trường, hướng dẫn nông dân chuyển đổi số chưa có nhiều kết quả nổi bật.

Nguyên nhân là do sự quan tâm, vào cuộc của một số địa phương còn hạn chế; chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí để động viên, tạo nguồn triển khai các mô hình, hỗ trợ sản xuất; thành viên chủ yếu kiêm nhiệm, chưa có chuyên môn về hoạt động khuyến nông. Một số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các huyện Lục Ngạn, Sơn Động đang trong quá trình xây dựng xã NTM, dự kiến về đích trong 1-2 năm tới song địa phương gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện tiêu chí liên quan đến giao thông, giảm nghèo, giáo dục…, vì thế chưa thực sự quan tâm đến chỉ tiêu thành lập TKNCĐ.

Nhận thức rõ vai trò của TKNCĐ, một số nơi chủ động khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động của tổ. Chia sẻ về cách làm của địa phương, ông Đỗ Đức Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, tổ trưởng TKNCĐ xã cho biết: “Đảng ủy, UBND xã tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn tổ đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển đổi số. Khi nhận thức thay đổi, người dân sẽ chủ động trong sản xuất, tăng thu nhập”.

Theo ông Đào Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thời gian qua, Trung tâm đã hướng dẫn các địa phương xây dựng NTM thành lập TKNCĐ, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực cho các thành viên. Tuy nhiên, nội dung tập huấn chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật.

Thời gian tới, đơn vị đề xuất bố trí đưa cán bộ khuyến nông cấp tỉnh làm thành viên nhằm hướng dẫn hoạt động cho các tổ trong thời gian đầu. Địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí, phương tiện, máy móc giúp TKNCĐ thực hiện các dịch vụ nông nghiệp. Nguồn thu từ dịch vụ nông nghiệp có thể đưa vào làm quỹ hoạt động cho tổ. Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025. Theo đó, xã đạt chuẩn NTM tiếp tục quan tâm thành lập TKNCĐ và duy trì hoạt động hiệu quả.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/to-khuyen-nong-cong-dong-hat-nhan-xay-dung-chuoi-gia-tri-nong-nghiep-073430.bbg