Chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc chậm giải ngân

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về tình hình triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2020.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Mới đạt 33,9% kế hoạch sau nửa năm

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) kế hoạch năm 2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 là 470.600 tỷ đồng.

Đến nay đã có 52/53 các bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020 cho các đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới, tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về NSNN năm 2020.

Tuy vậy, mới có 35 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 6 Bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 12 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, từ năm 2021 trở đi, việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục khi có đề xuất sẽ khắc phục được hạn chế này của năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân 6 tháng đầu năm là 159.397,188 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao); trong đó: vốn trong nước là 145.270,055 tỷ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.061,952 tỷ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7.065,181 tỷ đồng (đạt 25,85% kế hoạch).

Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019 song tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. Có 3 Bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 Bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, có 7 Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia như: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 3.437 tỷ đồng/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 38,3%; dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân là 689,923 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là 1.827,391 tỷ đồng, đạt 10,1% kế hoạch được giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã giao của Dự án đạt mức rất thấp, khó có khả năng hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao đất và giải ngân hết kế hoạch vốn NSTW được giao như đã như cam kết của UBND tỉnh Đồng Nai và quy định tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội…

Nhiều lí do chủ quan và khách quan

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại cố hữu từ lâu như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu…

Hơn nữa, sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, các ngành mới bắt tay vào triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công… nên mất nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán…

Bên cạnh những nguyên nhân cố hữu nêu trên, trong những tháng đầu năm xuất hiện thêm một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đó là những ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT tổng hợp, chỉ ra 6 nguyên nhân khách quan chủ yếu.

Thứ nhất, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chậm ban hành đơn giá, định mức xây dựng cho các công việc đặc thù, chuyên ngành làm cơ sở để xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng và quản lý chi phí theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ hai, một số quy định giữa Nghị định số 68/2019/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn chưa thống nhất nên gây ra vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, như là quy định về chuyển tiếp. Một số quy định về thủ tục điều chỉnh dự toán tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP được quy định chặt chẽ hơn, như cần phải có ý kiến chấp thuận của người quyết định đầu tư thì chủ đầu tư mới được điều chỉnh dự toán đã gây khó khăn và kéo dài thời gian điều chỉnh.

Thứ ba, quy định về xử lý đất công xen kẹt và tài sản công trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công.

Thứ tư, chưa có quy định cụ thể về cơ sở pháp lý, hồ sơ tài liệu cần đảm bảo để cơ quan tài chính thực hiện hạch toán ghi thu NSNN về giá trị tài sản công đối với giá trị tài sản công thanh toán, ghi chi tạm ứng NSNN tương ứng với giá trị tài sản công đã thanh toán để thực hiện Dự án BT trong trường hợp chưa phê duyệt quyết toán, trách nhiệm của các bên liên quan khi triển khai thực hiện Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ.

Thứ năm, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án,... nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.

Thứ sáu, quy định về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án ODA tại Điều 19 Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ áp dụng chung cho các dự án ODA đã gây khó khăn và kéo dài thời gian thực hiện thủ tục không cần thiết, đồng thời chưa tính đến những đặc thù cũng như phân loại dự án ODA cần phải điều chỉnh để đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn cho việc điều chỉnh dự án.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra 3 nguyên nhân chủ quan chủ yếu.

Thứ nhất, công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch.

Thứ hai, công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa bảo đảm minh bạch, công bằng…

Thứ ba, nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, công tác chuẩn bị đầu tư dự án không kỹ dẫn đến chậm thực hiện dự án đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai, thiếu vốn đối ứng…

Quyết liệt gỡ vướng đẩy nhanh giải ngân đến cuối năm

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp đã đề ra, với 16/53 bộ, ngành và 54/63 địa phương đã ban hành Quyết định/kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19/6 giao Chính phủ trong trường hợp cần thiết, chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn NSTW năm 2020 đã được Quốc hội quyết định. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng cũng đã có báo cáo trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết liên quan đến các dự án đầu tư.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, trong những tháng còn lại, thúc đẩy và giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là mục tiêu lớn, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2020.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Cần chủ động ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; kế hoạch giải ngân và cam kết của chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền. Ngoài ra, các đơn vị thường xuyên tương tác kịp thời tháo gỡ khó khăn trong phát sinh trong các khâu.

Cần chỉ đạo chủ đầu tư đẩy mạnh tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Bộ Tài chính cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, hạn chế tồn đọng hồ sơ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân của các dự án từ tháng 7 năm 2020 để kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách Trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định.

Bộ Xây dựng cần báo cáo Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn quy định trong Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/chi-ro-nguyen-nhan-trach-nhiem-cua-viec-cham-giai-ngan/400939.vgp