Chỉ rõ vấn đề nội tại, đề ra giải pháp thiết thực

Sôi nổi, trách nhiệm, tâm huyết, các ĐBQH đã có nhiều ý kiến sâu sắc về các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi... là nhận xét của đại biểu cơ quan dân cử địa phương khi theo dõi ngày thảo luận thứ hai tại hội trường Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024…

Bí thư Huyện ủy ĐaKrông (Quảng Trị) NGUYỄN TRÍ TUÂN: Quan tâm nhà ở cho người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi ngày thảo luận thứ hai tại hội trường Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024… tôi đánh giá cao nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương; sự vào cuộc, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, trong bối cảnh rất khó khăn đã nỗ lực thực hiện đồng bộ, linh hoạt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và đạt được các kết quả quan trọng, đáng khích lệ trong năm 2023… Các ĐBQH đã đưa ra nhiều ý kiến phong phú, sâu sắc về các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội; nhiều đại biểu đưa ra những đề xuất, giải pháp thiết thực, khả thi.

Phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, tôi rất ấn tượng với cách phản biện, tranh luận của một số ĐBQH. Dưới sự điều hành linh hoạt, khoa học của chủ tọa, các ĐBQH đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập nổi lên trong thời gian qua, như: chất lượng hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo; tiến độ thực hiện một số chương trình, nhiệm vụ, đề án trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm; người nông dân gặp nhiều rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được; tổng cầu thấp, tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch; áp lực lên tỷ giá, lạm phát, lãi suất cao, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm…

Tôi ấn tượng với nhóm giải pháp được nhiều đại biểu tập trung, đó là: cần tiếp tục triển khai những giải pháp ưu đãi để khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân để giải quyết gốc rễ vấn đề nơi ở an toàn cho người có thu nhập thấp; kiểm tra, đánh giá sát, đúng thực trạng nhũng bất cập hệ thống đường bộ cao tốc hiện có; khẩn trương cho mở rộng những tuyến đường chật hẹp hai làn xe… Đồng thời, cần đánh giá toàn diện hơn việc thực hiện các chính sách tiền tệ về kết quả huy động các nguồn lực và kết quả, hiệu quả thực hiện các chính sách đặc thù cũng như số vốn đã giải ngân trong lĩnh vực y tế; nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn, nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc về thị trường, giá cả, vật tư cho người nông dân…

Từ thực tế tại địa phương, tôi mong muốn, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thêm vấn đề đất sản xuất cho người dân và nhà ở cho người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, nghiên cứu có cơ chế đặc thù, ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn theo hướng nâng tỷ lệ hỗ trợ cao hơn để các địa phương này có thêm nguồn lực trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số…

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hưng Yên BÙI MẠNH HÙNG: Sớm khắc phục chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật

Tiếp nối thành công phiên làm việc đầu tiên của nội dung thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024... các ĐBQH với tinh thần trách nhiệm, trí tuệ đã tạo nên một không khí nghị trường sôi nổi, dân chủ, “nóng” khi có sự tương tác, tranh luận để làm rõ hơn nhiều vấn đề đặt ra trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Bởi, việc “bắt đúng bệnh”, “kê đúng thuốc” đối với “sức khỏe” nền kinh tế sẽ giúp bật ra được các giải pháp khả thi, hiệu quả nhất trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm và cả năm 2024.

Tôi đồng tình với các đại biểu cho rằng, giữa bối cảnh còn không ít khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế các địa phương, trong đó có Hưng Yên cho thấy, đối tượng hiện đang bị tác động và dễ tổn thương nhất hiện nay đó chính là các doanh nghiệp. Sẽ rất khó có một nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững nếu như không có các chính sách vĩ mô đủ mạnh để đồng hành và vượt khó cùng doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Bởi thực tại, đa số các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trước áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, việc khơi thông nguồn vốn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn là nhiệm vụ cấp thiết ở thời điểm hiện tại.

Bên cạnh các giải pháp về kinh tế, tôi đặc biệt đánh giá cao ý kiến thảo luận của các đại biểu về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15. Điều đáng mừng, với khối lượng rà soát lớn, chưa phát hiện nội dung trái chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế, giữa các văn bản vẫn còn một số mâu thuẫn, chồng chéo, gây những khó khăn, cản trở nhất định đến sự phát triển chung của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng. Do đó, việc Quốc hội yêu cầu rà soát hệ thống pháp luật là việc làm cấp bách nhằm kịp thời có những đề xuất sửa đổi là một trong những giải pháp góp phần làm tốt hơn công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Từ góc độ của địa phương, tôi cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục đánh giá, phân tích sâu sắc hơn nữa tồn tại, hạn chế trong công tác này, đặt trong mối liên hệ biện chứng giữa công tác rà soát văn bản với công tác xây dựng, hoàn thiện, kiểm tra, giám sát, tổ chức thi hành pháp luật, công tác kiểm tra, giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, cần xác định rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế, rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân để đề ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn.

Đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh LÊ XUÂN ME: Gợi mở nhiều giải pháp gỡ khó cho nền kinh tế

Theo dõi phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp, tôi rất vui mừng trước những kết quả đất nước đã đạt được trong gần 1 năm qua. Cùng với đó là các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu xoay quanh những giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Tại phiên thảo luận, đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đến giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội; việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, đãi ngộ cho nhân viên y tế; chính sách phát triển văn hóa, giáo dục; hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn… Nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, "nút thắt" đang cản trở việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung đại biểu góp ý cũng được các Bộ trưởng, "tư lệnh" ngành phân tích, giải trình, làm rõ thêm, qua đó các ĐBQH có nhiều góc nhìn thấu đáo hơn về công tác điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Cùng với các ý kiến góp ý của đại biểu đã gợi mở nhiều giải pháp cho Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết khó khăn đặt ra trong quá trình điều hành nền kinh tế.

Tuy nhiên, trước tác động của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước có sụt giảm nghiêm trọng, sức tiêu thụ, doanh thu bán hàng trong nước, xuất khẩu giảm làm các doanh nghiệp lâm vào khó khăn. Dù Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn phải chịu áp lực ở nhiều phía. Do đó tôi cho rằng, cần xem xét giảm lãi suất và tạm thời không thu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 cho phần chi phí lãi vay không được trừ đối với các doanh nghiệp trong nước theo quy định Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và doanh nghiệp liên kết. Ngoài ra, cần rà soát Nghị định 132 để có quy định hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt khó, duy trì sản xuất, phục hồi tiềm lực, tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước.

KHÁNH DUY- DIỆP ANH- BÁCH HỢP thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/chi-ro-van-de-noi-tai-de-ra-giai-phap-thiet-thuc-i348424/