Chỉ số BMI đã 'lỗi thời'?
Chỉ số khối cơ thể (BMI) từ lâu được dùng như một công cụ sàng lọc y tế. Đây là một trong những số liệu sức khỏe phổ biến nhưng cũng gây tranh cãi nhiều nhất vì nó được dùng để phân loại người thừa cân, béo phì hoặc cực kỳ béo phì.
BMI không chính xác?
Được phát triển gần 200 năm trước, công thức BMI ban đầu dựa trên dữ liệu từ nam giới, chủ yếu là người da trắng và không được thiết kế để sàng lọc y tế. Chỉ số này cũng không tính đến các yếu tố như tỷ lệ mỡ và cơ, mật độ xương hay khác biệt về chủng tộc và giới tính.
Thực tế, một số người có BMI bình thường lại sở hữu tỷ lệ mỡ cao và cơ thấp, trong khi những người có BMI cao có thể nhiều cơ hơn. Vì cơ đặc hơn mỡ từ 10% đến 20%, hai người cùng chiều cao và cân nặng nhưng có cơ thể khác nhau có thể trông rất khác.
Đó là do BMI không phân biệt được giữa cơ và mỡ. Như các vận động viên có thể nặng cân vì khối lượng cơ lớn hơn. Họ sẽ có BMI cao nhưng số đo vòng eo vẫn bình thường.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế của BMI. Một nghiên cứu năm 2016 đã phân tích mối quan hệ giữa BMI với huyết áp và xét nghiệm máu.
Nghiên cứu phát hiện gần một nửa số người có BMI từ 25 đến 29,9 (xếp vào nhóm thừa cân hoặc béo phì) và gần một phần ba số người có BMI từ 30 trở lên (xếp vào nhóm béo phì) thực chất có sức khỏe trao đổi chất tốt. Ngược lại, 30% tổng số người có BMI từ 18,5 đến 24,9 (được coi là có cân nặng phù hợp) lại có sức khỏe trao đổi chất kém.
Sự nổi lên của BRI
Một chỉ số mới, được gọi là chỉ số tròn cơ thể (BRI), đang được quan tâm như phương pháp thay thế cho BMI. Như tên gọi của mình, BRI đo mức độ "tròn trịa" của cơ thể dựa trên chiều cao và vòng eo, không tính đến cân nặng.
Theo một nghiên cứu được công bố trên JAMA Network Open hồi tháng 6/2024, BRI có thể chính xác hơn BMI trong việc đánh giá tình trạng béo phì và các rủi ro sức khỏe liên quan.
Tiến sĩ Nick Fuller, chuyên gia về sức khỏe và béo phì tại Đại học Sydney (Australia), giải thích rằng số đo eo là chỉ số tốt hơn để đánh giá mỡ nội tạng, loại mỡ tích tụ trong khoang bụng, được xem là nguy hiểm nhất vì nó bao quanh các cơ quan và cản trở chức năng của chúng.
Mỡ tích tụ trong khoang bụng gây nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhiều so với mỡ tích tụ quanh hông, đùi hoặc mông.
BRI được phát triển bởi nhà toán học Diana Thomas, giáo sư tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, New York. Bà lần đầu tiên giới thiệu chỉ số này trong một bài báo năm 2013 trên tạp chí Obesity. Trong khi BMI sử dụng hình trụ làm mô hình, BRI dựa trên hình bầu dục.
Diana Thomas cho biết, bà nảy ra ý tưởng khi nhìn vào gương và nhận ra rằng cơ thể mình giống quả trứng hơn là hình trụ. Diana Thomas đã áp dụng một khái niệm Toán học gọi là độ lệch tâm để xây dựng công thức tính BRI.
Hình dạng cơ thể của một người càng giống hình tròn, BRI của họ sẽ càng gần 0; cơ thể càng thon dài hoặc giống đường thẳng, BRI càng gần 1.
BRI không phải là công thức hoàn hảo. Giống như BMI, BRI cũng không tính đến khối lượng cơ của một người, điều đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe.
Theo chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Maya Feller, mặc dù BRI và BMI có thể hữu ích nhưng mọi người nên dựa vào các xét nghiệm đánh giá sức khỏe bên trong cơ thể thay vì cân nặng hoặc số đo.
"Tôi luôn muốn kiểm tra bên trong cơ thể. Bên ngoài bạn có thể trông tuyệt vời nhưng lipid, huyết áp và lượng đường trong máu của bạn như thế nào? Đó là những điều tôi muốn biết".
Nguồn: New York Times, ABC News, NBC News
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chi-so-bmi-da-loi-thoi-20241201131039279.htm