Chỉ số cảm xúc thấp kỷ lục, nhà đầu tư tiền mã hóa hoang mang tột độ
Dữ liệu từ Alternative cho thấy chỉ số cảm xúc của thị trường ở mức chỉ 6 điểm, quanh vùng sợ hãi tột độ. Đây là giai đoạn tâm lý nhà đầu tư tiêu cực nhất trong nhiều năm qua.
Cụ thể, chỉ số tham lam, sợ hãi của thị trường tiền số nằm ở mức 6/100 vào ngày 19/6, trước khi tăng nhẹ trở lại vào hôm nay, theo Alternative. Kỷ lục điểm số thấp nhất của thị trường là 5/100, được xác lập vào ngày 22/8/2019, khi Bitcoin ở mức 10.000 USD.
Ngoài ra, tương quan giữa giá Bitcoin và chỉ số cảm xúc cũng có nhiều thay đổi. Cuối 2020, Bitcoin được giao dịch quanh mốc 20.000 USD/đồng, tương đương thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chỉ số cảm xúc của thị trường giai đoạn đó đạt hơn 90 điểm, quanh vùng cực kỳ lạc quan. Trong khi đó, nhà đầu tư tiền số đang “hoang mang tột độ” ngay lúc này, dù giá BTC vẫn ở mức tương đương 2 năm trước.
Theo Alternative, họ tính toán chỉ số cảm xúc thị trường dựa trên sự biến động và khối lượng giao dịch của thị trường. Khi chênh lệch khối lượng và biên độ lớn xảy ra, đó là dấu hiệu của sự hoảng loạn. Ngoài ra, thái độ dựa trên khảo sát, xu hướng tìm kiếm và mạng xã hội cũng được đưa vào nhằm tính ra chỉ số này.
Tham lam và sợ hãi cũng là hai cảm xúc chính, chi phối các thị trường giao dịch. “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi”, tỷ phú Warren Buffett từng nói.
Theo dữ liệu từ Coinmarketcap, Bitcoin đang được giao dịch quanh mốc 19.900 USD, tăng khoảng 1.000 USD so với hôm qua. Tổng giá trị vốn hóa của đồng tiền số lớn nhất thế giới ở mức 419 tỷ USD. Giá trị toàn mảng tiền số còn khoảng 880 tỷ USD, giảm mạnh so với mốc 2.800 tỷ USD vào tháng 11/2021.
Sau khi Bitcoin hồi phục nhẹ, phần lớn nhà đầu tư vẫn trong tâm trạng lo lắng, dè dặt với khối lượng giao dịch không cao. Hiện tại, tin xấu vẫn bủa vây thị trường cùng biến động ở nền kinh tế vĩ mô không có lợi cho tiền mã hóa.
Sự kết hợp giữa tin xấu và lãi suất tăng càng đẩy thị trường tiền mã hóa xuống sâu. Việc FED tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất từ năm 1994 là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay để kiềm chế lạm phát.
Mọi chuyện càng tồi tệ hơn với sự sụp đổ của đồng ổn định TerraUSD và nguy cơ vỡ nợ của nền tảng vay tiền mã hóa Celsius Network. Một số quỹ đầu cơ tiền số cũng đang chịu thiệt hại, cân nhắc phương án cắt lỗ với việc bán tài sản. Trong khi đó, một nền tảng cho vay khác là Babel Finance cũng vừa tạm ngừng hoạt động rút tiền và chuyển khoản.
“Lo ngại về suy thoái đang làm tê liệt sự thèm muốn với các tài sản rủi ro, khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng với việc bắt đáy Bitcoin ở thời điểm hiện tại. Mọi thứ đang chống lại thị trường tiền mã hóa”, Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường tại Oanda nói.
Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.