Chỉ số Dow Jones tăng 1.000 điểm, chấm dứt chuỗi bốn ngày giảm điểm
Thị trường chứng khoán tăng vọt vào ngày thứ Ba (22/4) nhờ hy vọng rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể sớm hạ nhiệt, trong bối cảnh các nhà đầu tư phục hồi sau các đợt giảm mạnh ở phiên trước.

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo kênh CNBC, Chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 1.016 điểm, tương đương 2,7%. Chỉ số S&P 500 tăng 2,5%, trong khi Chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,7%.
Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng vọt sau khi có thông tin rằng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã nói với một nhóm nhà đầu tư vào thứ Ba (22/4) rằng “sẽ có sự hạ nhiệt” trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Theo một nguồn tin có mặt tại cuộc họp với các nhà đầu tư do JPMorgan Chase tổ chức, được kênh Bloomberg News đưa tin đầu tiên, ông Bessent nói: “Không ai nghĩ rằng tình trạng hiện nay sẽ kéo dài”.
Sau đó, theo CNBC, trong ngày thứ Ba (22/4), Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Karoline Leavitt cũng lặp lại quan điểm lạc quan của ông Bessent về các cuộc đàm phán với Trung Quốc, mặc dù không có quan chức nào xác nhận rằng các cuộc đàm phán thực sự đã bắt đầu.
Trong một cuộc họp báo, bà Leavitt nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn người dân biết rằng “chúng ta đang tiến triển rất tốt liên quan đến một thỏa thuận thương mại tiềm năng với Trung Quốc”.
Theo bà Leavitt, Tổng thống Trump đang “tạo tiền đề cho một thỏa thuận với Trung Quốc” và “quả bóng đang lăn theo hướng tích cực”.
Tại đỉnh điểm, chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 1.000 điểm trong ngày. Tuy nhiên, giá cổ phiếu đã giảm nhẹ khỏi mức cao đó khi ông Bessent cũng lưu ý rằng: “Nếu chúng ta ra khỏi phòng đàm phán và ký được điều gì đó trong hai hoặc ba năm tới mà trông giống như vậy, tôi sẽ xem đó là một chiến thắng lớn”.
Theo ông Jed Ellerbroek, Giám đốc danh mục đầu tư tại Argent Capital Management, Bộ trưởng Bessent “rõ ràng đang cố gửi một tín hiệu với phát biểu đó, và tín hiệu có vẻ là: chúng tôi biết chuyện này đang gây hại cho thị trường và chúng tôi đang gấp rút giải quyết nó”.
Do đó, ông Ellerbroek cho rằng “thị trường sẽ diễn giải điều này là một tin tốt và sẽ phản ứng bằng cách phục hồi cũng như điều chỉnh lại kỳ vọng về điểm dừng cuối cùng của cuộc chiến thương mại trong vài tháng tới”.
CNBC cho biết thêm đà tăng hôm 22/4 đã xóa gần hết các khoản lỗ lớn xảy ra trong phiên trước.
Chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 970 điểm hôm thứ Hai (21/4), trong khi S&P 500 và Nasdaq đều giảm hơn 2%.
Những lo ngại ngày càng tăng về thương mại đã kéo thị trường chứng khoán tụt dốc trong vài tuần qua. Tính từ ngày 2/4, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một loạt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 7%.
Các nhà đầu tư ngày càng cảm thấy bất an sau khi ông Trump đăng trên Truth Social rằng nền kinh tế sẽ chững lại nếu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) không cắt giảm lãi suất. Trong một loạt các bài viết gần đây nhắm vào Chủ tịch Fed Jerome Powell, ông Trump gọi ông Powell là “Ngài quá trễ” và “kẻ thất bại lớn”.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ bóng gió về việc “sa thải” ông Powell – một hành động chưa từng có tiền lệ – mà cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett nói rằng nhóm của Tổng thống đang xem xét.
Về phần mình, ông Powell đã nói rằng ông không thể bị sa thải theo luật hiện hành và dự định phục vụ hết nhiệm kỳ đến tháng 5/2026.
Trước tình hình nói trên, Giám đốc danh mục đầu tư tại Argent Capital Management cho rằng: “Có rất nhiều điều không xác định, nhưng lại không có nhiều câu trả lời” và đây là “một môi trường khá khó chịu với nhà đầu tư ngày nay”.
Theo ông Ellerbroek, cảm giác rõ ràng nhất mà ông có thể xác định là “càng kéo dài tình trạng bấp bênh này, kinh tế sẽ càng chịu tổn hại nặng hơn”.