VPBank (VPB) báo lãi trước thuế quý 1/2025 tăng 20% lên hơn 5.000 tỷ đồng, tín dụng và huy động vượt trội toàn ngành
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2025 với nhiều điểm sáng tích cực, cho thấy khả năng bứt phá mạnh mẽ ngay từ đầu năm. Các chỉ tiêu tài chính quan trọng như lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và huy động đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, vượt trội so với bình quân toàn ngành, bám sát các mục tiêu đã đặt ra cho năm 2025.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều biến số, VPBank cùng các công ty con đã cho thấy sự linh hoạt trong điều hành, tối ưu hóa cơ hội kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ rủi ro để đạt được kết quả khả quan trong quý đầu năm.
Kết thúc quý đầu tiên năm 2025, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt hơn 994.000 tỷ đồng, tiếp tục củng cố vị thế trong nhóm dẫn đầu các ngân hàng thương mại tư nhân tại Việt Nam.
Tín dụng và huy động bứt phá, vượt xa trung bình ngành
Điểm nhấn đáng chú ý trong bức tranh tài chính quý 1 của VPBank là tăng trưởng tín dụng và huy động đồng bộ ở mức cao, vượt trội so với bình quân toàn ngành.
Cụ thể, quy mô tín dụng hợp nhất đạt hơn 747.000 tỷ đồng, tăng 5,2% so với đầu năm 2025 và tăng tới 21,9% so với cùng kỳ năm 2024. Nếu chỉ tính riêng ngân hàng mẹ, dư nợ tín dụng đạt hơn 663.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành là 3,93%.
Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ các phân khúc chiến lược mà VPBank có thế mạnh như khách hàng cá nhân (đặc biệt là vay mua nhà, cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản) và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nhờ đẩy mạnh chiến lược thu hút khách hàng mới, số hóa quy trình cho vay và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Song song với tín dụng, hoạt động huy động cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Huy động khách hàng và giấy tờ có giá của VPBank trong quý đầu năm tăng 14,2% so với cuối năm 2024, đảm bảo nguồn thanh khoản dồi dào, sẵn sàng cho các kế hoạch mở rộng trong tương lai. Sự tăng trưởng này bám sát định hướng của Ban Lãnh đạo VPBank ngay từ đầu năm, nhờ đa dạng hóa chính sách và tung ra các sản phẩm mới để thu hút khách hàng.
Mặc dù huy động tăng trưởng nhanh, chi phí vốn (COF) của ngân hàng riêng lẻ tiếp tục được kiểm soát hiệu quả, duy trì ở mức 4,4% - tương đương với quý liền trước - nhờ tối ưu hóa danh mục khách hàng và đa dạng hóa nguồn vốn trung dài hạn từ nước ngoài.
Các tỷ lệ an toàn thanh khoản của ngân hàng riêng lẻ (LDR 79,2%, vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 24,3%) đều tuân thủ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu toàn ngành, đạt khoảng 15%.
Lợi nhuận bám sát kế hoạch, chất lượng tài sản được kiểm soát
Kết thúc 3 tháng đầu năm 2025, VPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất gần 15.600 tỷ đồng, tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Từ đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.015 tỷ đồng, tăng 20% so với quý I/2024. Con số này được đánh giá là bám sát kế hoạch lợi nhuận sẽ được trình lên Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên sắp tới.
Riêng ngân hàng mẹ ghi nhận lợi nhuận trước thuế 4.942 tỷ đồng. Đáng chú ý, các công ty con tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả chung của tập đoàn. FE CREDIT ghi nhận quý thứ 4 liên tiếp có lãi, với doanh số giải ngân trong quý I nối tiếp đà tăng 17% so với cùng kỳ. VPBankS cũng báo lãi trước thuế tăng 93%, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) lập kỷ lục mới 12.760 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 3.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu (NPL) riêng lẻ của VPBank tiếp tục được duy trì dưới 3% nhờ nỗ lực cải thiện chất lượng tín dụng và sử dụng đa dạng các biện pháp xử lý nợ xấu. Theo đúng định hướng đề ra từ đầu năm, trong quý đầu tiên, thu từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất của VPBank đạt 850 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, cho thấy hiệu quả trong công tác thu hồi nợ.
Kiện toàn nền tảng, hướng tới kế hoạch tỷ đô
Với nền tảng vững chắc từ hệ sinh thái mở rộng khác biệt (bao gồm ngân hàng mẹ, GPBank - thành viên mới được sáp nhập đầu năm 2025, FE CREDIT, VPBankS, OPES...) phục vụ hơn 30 triệu khách hàng, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới (AI, GenAI, Big Data), VPBank đang tạo bệ phóng cho sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 sắp tới, VPBank sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.270 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), tăng trưởng 26% so với năm 2024. Cùng với đó, mục tiêu tổng tài sản hợp nhất đến cuối năm 2025 ở mức 1,13 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 23%. Ngân hàng cũng theo sát diễn biến thị trường (bao gồm cả vấn đề thuế quan) để linh hoạt điều hành hoạt động.
Bên cạnh các chỉ tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, VPBank duy trì cam kết với cổ đông thông qua chính sách cổ tức tiền mặt năm thứ 3 liên tiếp, với quy mô chi trả gần 4.000 tỷ đồng. Điều này thể hiện năng lực tài chính vững vàng và sự trân trọng, cam kết gắn bó lâu dài của ngân hàng với các cổ đông.
Kết quả quý 1/2025 cho thấy VPBank đã có sự khởi đầu thuận lợi, tạo tiền đề vững chắc để bứt phá và hướng tới hoàn thành các mục tiêu chiến lược đầy thách thức trong năm 2025.