PYN Elite Fund thoái vốn khỏi TPBank dù ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận cao nhất lịch sử
PYN Elite Fund đã chính thức không còn là cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ tại TPBank, khép lại thương vụ đầu tư kéo dài hơn bảy năm tại nhà băng này.
“Mối lương duyên” kéo dài hơn 7 năm
Theo báo cáo công bố mới nhất từ TPBank, Quỹ đầu tư Phần Lan - PYN Elite Fund không còn nằm trong danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng.
PYN Elite Fund bắt đầu đầu tư vào TPBank từ cuối năm 2017 (trước thềm IPO), sau khi chi khoảng 40 triệu USD để sở hữu 5% vốn điều lệ của TPBank và chính thức trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này.
Theo dữ liệu của PYN Fund Management, đến giữa năm 2021, cổ phiếu TPB đã vươn lên trở thành một trong các khoản đầu tư đem về mức lãi lớn nhất trong danh mục của quỹ, bên cạnh những cái tên như VHM, VRE hay HDB.
Đến cuối tháng 8/2024, PYN Elite Fund vẫn còn nắm giữ gần 79 triệu cổ phiếu TPB, tương đương 3,59% vốn điều lệ. Một tháng sau đó, quỹ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu lên hơn 4,7%, cho thấy quỹ này vẫn đặt niềm tin vào triển vọng dài hạn của ngân hàng này tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, từ quý I/2025, PYN Elite Fund đã có động thái thoái vốn đáng kể. Đến ngày 2/4/2025, tỷ lệ sở hữu của quỹ giảm xuống còn 2,15% vốn điều lệ, tương đương hơn 56,7 triệu cổ phiếu.
Và với thông tin cập nhật mới nhất ngày 17/4, PYN Elite Fund đã chính thức rút khỏi nhóm cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của TPBank.

TPBank thông báo về việc thoái vốn của Pyn Elite Fund. Ảnh: TPBank
PYN Elite Fund là quỹ ngoại do công ty quản lý quỹ PYN Fund Management điều hành, nổi tiếng với chiến lược đầu tư dài hạn và tập trung tại các thị trường châu Á đang tăng trưởng, trong đó Việt Nam là một trọng điểm.
Ngoài TPB, trong các báo cáo cập nhật danh mục gần đây, PYN Elite Fund vẫn duy trì tỷ trọng lớn vào các cổ phiếu niêm yết tại HoSE, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng và tài chính.
Thực tế, trong giai đoạn 2023–2024, PYN đã có những điều chỉnh mạnh về danh mục, bán bớt cổ phiếu ngân hàng và tăng cường nắm giữ các mã cổ phiếu có liên quan đến đầu tư công, hạ tầng và năng lượng.
TPBank vẫn lạc quan bất chấp biến động
Về phía TPBank, động thái thoái vốn của PYN Elite Fund diễn ra trong bối cảnh ngân hàng này đang trải qua giai đoạn có nhiều biến động nội bộ.
Cụ thể, ngày 18/3/2025, ông Đỗ Anh Tú – Phó Chủ tịch HĐQT và là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong chiến lược phát triển của TPBank – đã gửi đơn từ nhiệm thành viên HĐQT vì lý do cá nhân.
Đồng thời, thị trường cũng quan tâm hơn về rủi ro tín dụng và khả năng thu hồi nợ liên quan đến các lô trái phiếu doanh nghiệp mà TPBank từng phân phối hoặc nắm giữ.
Tổng hòa các yếu tố nói trên phần nào lý giải cho đà sụt giảm của cổ phiếu TPB trong thời gian gần đây.
So với vùng đỉnh ngắn hạn thiết lập hồi tháng 10/2024, thị giá TPB đã mất hơn 25%, hiện giao dịch quanh mức 13.400 đồng/cổ phiếu (tính đến ngày 22/4/2025) - vùng giá thấp nhất trong vòng hai năm gần đây.
Dù đối mặt với không ít thách thức, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 18,4% so với năm trước và là mức tăng trưởng cao nhất lịch sử ngân hàng.
Tổng tài sản năm 2025 dự kiến đạt 450 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%. Huy động vốn dự kiến tăng 12,3% lên 420 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế tăng khoảng 20% lên 313.750 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2024, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 7.599 tỷ đồng, hoàn thành 101,33% kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao.
Sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ, lợi nhuận để lại chưa phân phối năm 2024 của ngân hàng là 4.851 tỷ đồng. TPBank không trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức trong năm nay.