Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 và quý II cùng tăng

Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 tăng 0,48% so với tháng trước, còn CPI quý II tăng 3,31% so với cùng kỳ năm 2024.

Cụ thể, so với tháng trước, CPI tháng 6 tăng 0,48% (khu vực thành thị tăng 0,5%; khu vực nông thôn tăng 0,45%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá và chỉ riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm giá.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6 tăng 3,57%, với 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Tính chung cả quý II, CPI tăng 3,31% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo Cục Thống kê, những nguyên nhân dẫn đến con số này là: nhu cầu tiêu dùng trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và Tết Đoan ngọ tác động đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; chỉ số giá điện tăng; một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2024-2025; giá nhóm đồ trang sức tăng theo giá vàng trong nước và thế giới...

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 và quý II cùng tăng. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 và quý II cùng tăng. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm giao thông giảm 4,83%, tác động làm CPI giảm 0,47 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu giảm 15,31% theo giá thế giới; chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm do giá điện thoại thế hệ cũ đi xuống.

Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2024.

Cũng theo Cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung.

Nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Về chỉ số giá vàng, USD trong tháng 6, Cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 28/6, bình quân giá vàng thế giới ở mức 3.369,73 USD/ounce, tăng 1,93% so với tháng 5, chủ yếu do tác động kết hợp của bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung đông, cùng sức mua từ ngân hàng Trung ương và các quỹ đầu tư vàng tăng.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6 lại giảm 1,27% so với tháng 5, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng và độc quyền vàng.

Chỉ số giá USD trong nước cũng biến động ngược chiều với giá thế giới. Tính đến ngày 28/6, chỉ số này trên thị trường quốc tế đạt mức 98,6 điểm, giảm 1,34% so với tháng trước do tác động tổng hợp của kỳ vọng FED sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong tháng 7. Nhưng trong nước, chỉ số giá USD tăng 0,32% do nhu cầu ngoại tệ phục vụ thanh toán xuất nhập khẩu tăng.

Ấn tượng GDP, xuất khẩu hàng hóa

Quý II cũng ghi nhận điểm sáng là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2025.

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của sáu tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.

Nguồn: Cục Thống kê

Nguồn: Cục Thống kê

Về xuất nhập khẩu, sau 6 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 70,91 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,7 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 xuất siêu 2,83 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 12,15 tỷ USD).

Trong tháng 6, cả nước có hơn 24,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, 14,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 6.433 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; gần 10,1 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 2.761 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Tính chung 6 tháng, cả nước có hơn 152,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Bình quân một tháng có 25,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 127,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 21,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chi-so-gia-tieu-dung-cpi-thang-6-va-quy-ii-cung-tang-ar952814.html