Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới

Đây là nhận định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024 ngày 6.1. Năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 7,04%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra và cao thứ 4 trong giai đoạn 2011 - 2024. Kết quả tích cực này là động lực quan trọng cho năm 2025 và những năm tiếp theo.

GDP bình quân đầu người ước đạt 114 triệu đồng

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện thị trường tài chính tiếp tục được nới lỏng, thị trường lao động phục hồi tích cực. Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét. Tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý. Lạm phát thấp hơn mục tiêu, các cân đối lớn được bảo đảm, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu.

 Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Vũ Quang

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Vũ Quang

Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới, Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV.2024 ước tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011 - 2024, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I tăng hơn 5,9%, quý II tăng hơn 7,2%, quý III tăng hơn 7,4%, quý IV tăng hơn 7,5%. Tốc độ tăng GDP năm 2024 của cả nền kinh tế đạt 7,09% so với năm trước, xét trong giai đoạn 2011 - 2024, kết quả này chỉ thấp hơn các năm 2018, 2019 và 2022.

Trong tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 5,37%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ đóng góp 49,46%. Xét theo khu vực kinh tế, trong năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,32%, khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, quy mô GDP nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động, tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023.

Vốn FDI thực hiện tăng 9,4%

Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20,62 tỷ USD, chiếm 81,4% tổng vốn FDI thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 7,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 4,2%.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 2.037,5 nghìn tỷ đồng, bằng 119,8% dự toán năm và tăng 16,2% so với năm trước. Tổng chi ngân sách cả năm khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng.

 Toàn cảnh họp báo

Toàn cảnh họp báo

Cũng trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 786,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu hơn 24,7 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV.2024 tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Về tình hình doanh nghiệp, năm 2024, cả nước có hơn 157.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1.547 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, có gần 76.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2024 hơn 233.400 doanh nghiệp, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 100.100 doanh nghiệp, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước, gần 76.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 16,3% và hơn 21.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 20%.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, theo Tổng cục Thống kê, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước; tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới và tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch; chủ động phương án phòng, chống thiên tai…

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-la-diem-sang-ve-tang-truong-kinh-te-trong-khu-vuc-va-tren-the-gioi-post401284.html