Giá dừa tăng cao kỷ lục, người dân tiếc hùi hụi

Dù giá dừa tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm cách đây 3 tháng, nhiều hộ dân trồng dừa vẫn không thể vui vẻ, phấn khởi.

Nhiều hộ trồng dừa tiếc nuối

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua quả dừa tươi giá từ 70.000 - 80.000 đồng/chục (12 quả), riêng dừa khô (loại 1) giá trên 150.000 đồng/chục quả. Thời điểm cách đây 3 tháng, dừa khô loại 1 chỉ có giá khoảng 6.000 đồng/quả. Bên cạnh đó, dừa xiêm uống nước tăng gần gấp đôi, vượt ngưỡng 10.000 đồng/trái. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, nhiều gia đình trồng dừa lại tiếc nuối vì không có dừa để bán. Gia đình ông Lợi (trú tại huyện Mỏ Cày Nam) từng sở hữu 0,7ha vườn dừa cho thu nhập ổn định khoảng 7 triệu đồng/tháng. Nhưng 3 tháng trước, ông buộc phải chặt bỏ vườn dừa vì sâu đầu đen phá hại nặng nề. Thấy giá dừa tăng cao kỷ lục thời gian gần đây, ông chỉ biết tiếc nuối: “Nếu cứu được vườn, bây giờ thu nhập gia đình tôi phải trên 10 triệu đồng/tháng”.

Nhiều vườn dừa bị sâu đầu đầu đen tấn công phải phá bỏ.

Cách đó không xa, gia đình bà Tư (trú tại huyện Giồng Trôm) cũng chịu cảnh tương tự. Vườn dừa của bà bị xâm nhập mặn, quả rụng gần hết, nay vẫn chưa hồi phục nên giờ còn rất ít quả. “Không chỉ chăm cây, tôi còn phải thuê người phun thuốc trừ sâu đầu đen, nhưng năm nay vẫn không có lãi”, bà chia sẻ. Theo bà, phải mất vài năm nữa, vườn dừa mới có thể phục hồi hoàn toàn. Vì vậy, giá dừa có tăng cao, bà cũng không được hưởng lợi gì.

Dọc các trục đường chính ở Bến Tre, từ Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm đến Bình Đại, Châu Thành, không khó để bắt gặp những vườn dừa bị sâu hại tàn phá khiến lá héo khô, cây chết trụi. Theo nhiều chủ vườn dừa, các biện pháp phun thuốc trừ sâu gần như không hiệu quả đối với những cây dừa lâu năm.

Doanh nghiệp chế biến lao đao vì thiếu nguyên liệu

Không chỉ nông dân, các doanh nghiệp chế biến dừa cũng rơi vào tình trạng khó khăn vì nguồn nguyên liệu khan hiếm. Tháng 10/2024, dừa được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch, khiến giá dừa tăng mạnh. Thương lái và doanh nghiệp ráo riết thu mua nhưng vẫn không đủ hàng để đáp ứng nhu cầu.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, chủ một nhà máy chế biến dừa ở TP. Bến Tre, cho biết nhà máy của ông cần khoảng 70.000 quả dừa khô mỗi tháng, nhưng những tháng gần đây không thể mua đủ nguyên liệu.

“Năm 2023, giá dừa khô thấp điểm chỉ 3.000 đồng/quả, có những quả xấu thì nông dân phải bỏ đi, nhưng giờ giá tăng từng ngày, có lúc đạt 15.000 đồng/trái mà hàng vẫn khan hiếm”, ông Dũng nói. Ngay cả nguồn dừa nhập khẩu từ Indonesia cũng giảm mạnh do nước này cũng gặp tình trạng mất mùa.

Doanh nghiệp chế biến cũng lao đao vì số lượng dừa thu mua được không đủ đáp ứng sản xuất.

Một thương lái chuyên thu mua dừa cho các vựa ở Bến Tre cũng cho biết, giá dừa xiêm để uống nước cũng đang tăng từng ngày. Tuần trước vẫn mua được dừa tươi với giá hơn 6.000 đồng/trái, nay đã lên hơn 10.000 đồng/trái nhưng không thể gom đủ hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chế biến ở Bến Tre đã phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu. Ngoài doanh nghiệp trong nước, thương lái cũng thu mua lượng lớn dừa để xuất thô sang Trung Quốc, càng khiến tình trạng khan hiếm trầm trọng hơn.

Hiện Bến Tre có khoảng 80.000ha diện tích dừa, chiếm hơn 40% tổng diện tích dừa cả nước. Tuy nhiên, trong năm 2024, khoảng 1.000ha dừa bị sâu đầu đen phá hoại, dẫn đến năng suất suy giảm nghiêm trọng. Tỉnh đang áp dụng các biện pháp để kiểm soát dịch sâu, cứu được khoảng 50% diện tích bị ảnh hưởng.

Bến Tre hiện có 133 vùng trồng dừa được cấp mã số với diện tích hơn 8.300ha, phục vụ xuất khẩu, trong đó dừa xiêm xanh đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, ngành dừa Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi nguồn cung không đáp ứng kịp nhu cầu.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), dừa là một trong sáu cây công nghiệp chủ lực trong đề án phát triển đến năm 2030. Nếu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dừa chỉ đạt 180 triệu USD, thì đến năm 2023 con số này đã tăng lên khoảng 900 triệu USD, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.

Để tận dụng cơ hội từ thị trường quốc tế, Bến Tre đang đẩy mạnh sản xuất dừa hữu cơ phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ vườn dừa, kiểm soát sâu bệnh, và đảm bảo nguồn cung ổn định cho ngành chế biến.

Phúc Minh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-dua-tang-cao-ky-luc-nguoi-dan-tiec-hui-hui-204250701110503032.htm