Chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam xếp thứ 52 thế giới

Theo đánh giá của WEF, kết quả xếp hạng của ngành du lịch Việt Nam theo hướng tiếp cận mới của WEF đã phản ánh những thành tựu trong công cuộc phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam, sự thích ứng linh hoạt, an toàn, những nỗ lực không ngừng nghỉ vươn lên triển khai hoạt động du lịch an toàn...

Báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, Chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới.

Chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới.

Chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới.

Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của công nghệ số trong tái thiết và phục hồi du lịch bền vững. Ngày càng nhiều các dịch vụ du lịch được tiếp cận qua nền tảng số như đại lý du lịch trực tuyến (OTA), kinh tế chia sẻ, đặt phòng trực tuyến, thanh toán điện tử, thiết bị di động… mang lại cho du khách nhiều tiện ích hơn, nhiều lựa chọn hơn và giảm bớt tiếp xúc trực tiếp, gia tăng trải nghiệm liền mạch của du khách. Bên cạnh đó, chăm sóc sức khỏe, điều kiện làm việc, điều kiện kinh tế-xã hội, bảo vệ xã hội… cũng là những vấn đề cần quan tâm.

Theo đóp, WEF đánh giá, Việt Nam là quốc gia có mức tăng điểm số cao nhất thế giới (+4,7%), về xếp hạng tăng 8 bậc so với năm 2019 (kết quả xếp hạng năm 2019 cũng đã được tính toán, điều chỉnh lại theo Chỉ số năng lực phát triển).

Qua đó, WEF ghi nhận những thành tựu về kiểm soát, phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam, sự thích ứng linh hoạt, an toàn, những nỗ lực tái mở cửa và hồi phục ngành du lịch, cũng như những yếu tố bền vững làm điểm tựa để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển.

Từ năm 2007, WEF đã xây dựng báo cáo đầu tiên về chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu. Trong 15 năm qua, báo cáo này thực sự trở thành một “thước đo” uy tín hàng đầu trong ngành du lịch thế giới. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, trước những thiệt hại nặng nề của ngành du lịch do tác động của đại dịch Covid-19, WEF đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận vấn đề khi chuyển từ đánh giá xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh sang sang Chỉ số năng lực phát triển.

Theo đó, Bộ chỉ số năng lực phát triển du lịch gồm 112 chỉ số được phân chia thành 17 nhóm chính, được thiết kế tập trung nhiều hơn vào đánh giá vai trò của ngành du lịch trong một môi trường kinh tế - xã hội rộng mở hơn. Một số nhóm chỉ số mới so với trước đây đã được bổ sung như Tài nguyên phi giải trí; Sự bền vững về kinh tế - xã hội; Sức ép và tác động của nhu cầu du lịch…

WEF khẳng định, kết quả xếp hạng của ngành du lịch Việt Nam theo hướng tiếp cận mới của WEF đã phản ánh những thành tựu trong công cuộc phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam, sự thích ứng linh hoạt, an toàn, những nỗ lực không ngừng nghỉ vươn lên triển khai hoạt động du lịch an toàn. Đồng thời, kết quả này khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của những quyết sách nhằm phục hồi du lịch, mở cửa trở lại toàn bộ du lịch nội địa và quốc tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, cũng như đề cao những yếu tố bền vững làm điểm tựa cho ngành du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển.

Đức Nguyễn

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chi-so-nang-luc-phat-trien-cua-nganh-du-lich-viet-nam-xep-thu-52-the-gioi-1085671.html