Chỉ số ô nhiễm không khí ngày 13/2 của Hà Nội ở mức rất xấu

IQAir cho hay, chỉ số ô nhiễm không khí sáng ngày 13/2 tại khu vực các quận: Tây Hồ, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hoàn Kiếm... của Hà Nội AQI là trên 200, màu tím- mức rất xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ba trạm đo do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường- VN Air) ghi nhận, tại trạm 556 đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên chỉ số AQI 186 mức kém; tại trạm đo ĐHBK cổng Parabol đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, chỉ số AQI 199 mức xấu; tại trạm đo Công viên Nhân Chính - Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân: chỉ số AQI 134 mức trung bình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo trang IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới), chỉ số ô nhiễm không khí ghi nhận cao nhất tại khu vực quận Tây Hồ là 227 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Bắc Từ Liêm là 196 AQI- màu đỏ, mức xấu; quận Nam Từ Liêm là 190 AQI- màu đỏ, mức xấu; quận Cầu Giấy: 212 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Long Biên là 212 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Hoàn Kiếm là 220 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Hai Bà Trưng là 201 AQI- màu tím, mức rất xấu; quận Ba Đình 197 AQI- màu đỏ, mức xấu; quận Đống Đa là 186 AQI- màu đỏ, mức xấu; Thanh Xuân là 163 AQI- màu đỏ, mức xấu; quận Hà Đông là 216 AQI màu tím, mức rất xấu; huyện Hoài Đức là 162- màu đỏ, mức xấu; huyện Gia Lâm là 186 AQI- màu đỏ, mức xấu...

Nhìn vào báo cáo của WHO cho thấy, tại một số thời điểm, khoảng 99% dân số toàn cầu tiếp xúc với không khí không đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của tổ chức này. Ước tính rằng không khí ô nhiễm vô hình xâm nhập vào cơ thể con người, cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm.

Các chất gây ô nhiễm không khí thường đến từ việc đốt cháy những thứ như than, khí đốt tự nhiên, dầu diesel và xăng để sản xuất điện và phục vụ vận tải, hoặc do cháy rừng, cũng như từ hoạt động nông nghiệp.

Một báo cáo gần đây chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí là yếu tố nguy cơ lớn thứ hai gây tử vong sớm trên toàn cầu, sau huyết áp cao. Tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian ngắn có thể gây ra các cơn hen suyễn và làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, nhất là ở người cao tuổi hoặc những người có vấn đề về sức khỏe.

Lưu ý rằng khi tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim và phổi có khả năng dẫn đến tử vong (bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và nhiễm trùng phổi).

Cập nhật thường xuyên chỉ số chất lượng không khí sẽ giúp người dân có những ứng phó kịp thời khi chất lượng không khí suy giảm như giảm thiểu các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa, sử dụng các loại khẩu trang có thể hạn chế ảnh hưởng của các chất ô nhiễm trong không khí, sử dụng các loại máy lọc không khí…

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.

Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.

Khi hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao thì nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Bên cạnh đó, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Với những người nhạy cảm, cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chi-so-o-nhiem-khong-khi-ngay-132-cua-ha-noi-o-muc-rat-xau-96596.html