Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1-2025 giảm 9,2%
Theo Tổng cục Thống kê, Tết Nguyên đán Ất Tỵ diễn ra trong tháng 1-2025 nên số ngày làm việc ít hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IPP) tháng 1-2025 ước tính giảm 9,2% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6%.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện tăng 0,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%. Riêng ngành khai khoáng giảm 10,4%.
Tốc độ tăng/giảm chỉ số sản xuất tháng 1-2025 của một số ngành trọng điểm cấp II so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ tăng 33,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,3%; sản xuất trang phục tăng 6,1%; dệt tăng 4,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 3,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,1%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 29,1%; khai thác than cứng và than non giảm 20,1%; sản xuất thiết bị điện giảm 11,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 8,4%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 7,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 6,5%.
![Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1-2025 giảm 9,2%. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_16_51412618/f3f05d73653d8c63d52c.jpg)
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1-2025 giảm 9,2%. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1-2025 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 47 địa phương và giảm ở 16 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tháng 1-2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ô tô tăng 60,7%; tivi tăng 50,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 9,6%; sữa tươi tăng 7,3%; sữa bột tăng 5,7%; quần áo mặc thường tăng 5,0%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Than sạch giảm 20,0%; linh kiện điện thoại giảm 14,1%; xe máy giảm 12,0%; đường kính giảm 10,7%; khí hóa lỏng LPG giảm 9,2%; dầu thô khai thác giảm 8,2%; sơn hóa học giảm 6,8%; thép thanh, thép góc giảm 6,7%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-1-2025 tăng 0,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó: Lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và tăng 1,7%; doanh nghiệp ngoài nhà nước không đổi và tăng 3,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,3% và tăng 4,9%. Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,3% so với thời điểm tháng trước và không đổi so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,2% và tăng 4,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,1% và tăng 0,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải không đổi và tăng 1,1%.