Việt Nam nâng tầm vượt bậc về chuyển đổi số
Chiều 6/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CĐS và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS. Phiên họp được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành.
![Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Chung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_589_51413935/d2e315872dc9c4979dd8.jpg)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Chung
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả công cuộc CĐS quốc gia, đẩy mạnh CĐS trên hầu hết các lĩnh vực, đồng thời tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở.
Năm 2024, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, tăng 15 bậc so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử ở mức “rất cao”.
Hạ tầng số được mở rộng, phát triển. Tốc độ internet của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 37/110 quốc gia, tăng 7 bậc so với năm 2023. Việt Nam đưa vào khai thác 1 tuyến cáp biển mới, tuyến thứ 6 và là tuyến có dung lượng lớn nhất của Việt Nam (20Tbps) được đưa vào khai thác, giúp cải thiện tốc độ internet và bảo đảm sự bền vững kết nối quốc tế của Việt Nam.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 2,5 lần so với năm 2023. Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả với 4.475 thủ tục được tích hợp (70,8% tổng số thủ tục hành chính).
Tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm. Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt hằng năm dẫn đầu Đông Nam Á.
Về xã hội số, lần đầu tiên tỷ lệ truy cập các nền tảng số “Make in Vietnam” so với các nền tảng số nước ngoài vượt 20%. Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia có số lượng người dùng nền tảng số nội địa ở mức cao.
Thực hiện Đề án 06, cả nước có trên 55,25 triệu tài khoản VNeID đã được kích hoạt, vượt mục tiêu 40 triệu tài khoản người dùng; 90% người dân tham gia bảo hiểm có sổ sức khỏe điện tử; 100% bệnh viện, trung tâm y tế công, cơ sở giáo dục đại học triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích và đánh giá việc thực hiện CĐS quốc gia và Đề án 06 năm 2024; đồng thời, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tăng tốc, bứt phá thời gian tới.
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu bấm nút công bố khai trương thí điểm Hệ thống điều phối dữ liệu y tế.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác CĐS năm 2024 và biểu dương sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS, Ban Chỉ đạo Đề án 06, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nhiệm vụ chậm tiến độ trong thực hiện CĐS quốc gia và triển khai Đề án 06, đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo CĐS các cấp và Ban Chỉ đạo Đề án 06 cùng các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức, thực hiện các giải pháp hiệu quả, thực chất.
Tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đảm bảo nguồn lực cho CĐS, tạo tiền đề nâng cao hiệu quả hoạt động CĐS trên các lĩnh vực, ngành, địa phương, trong quá trình thực hiện phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về CĐS, ứng dụng Đề án 06. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động để lãnh đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác CĐS và Đề án 06, áp dụng nguyên tắc “lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên”…
![Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu phát biểu chỉ đạo sau phiên họp. Ảnh: Dương Chung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_589_51413935/1066c802f04c1912405d.jpg)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu phát biểu chỉ đạo sau phiên họp. Ảnh: Dương Chung
Phát biểu chỉ đạo sau phiên họp tại điểm cầu Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy CĐS mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa; sử dụng hiệu quả máy móc thiết bị, trí tuệ nhân tạo để thay thế sức người trong bối cảnh tinh gọn bộ máy.
Các thành viên Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06, Công an tỉnh chuẩn bị báo cáo, nêu rõ kết quả, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như đề xuất những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trình UBND tỉnh trong tuần tới.