Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 5,5%

Sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 5,5% so với tháng trước.

Trong Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ - CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 10 và 10 tháng năm 2023 của Bộ Công Thương, giá trị sản xuất trong 10 tháng đã có sự phục hồi, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (8 tháng trước đó liên tục đạt mức tăng trưởng âm).

Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 49,7 điểm trong tháng 9, giảm trở lại xuống dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8 cho thấy các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm, tuy nhiên mức suy giảm nhỏ.

Do vậy, sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng IIP trong tháng 10 là mức tăng cao nhất trong 7 tháng gần đây (kể từ tháng 4/2023 đến nay).

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng giảm 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,2%.

Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước nên tính chung 10 tháng, IIP ước tính tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%), là mức lũy kế tháng so với cùng kỳ năm trước đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%; ngành khai khoáng giảm 3,2%.

Chỉ số sản xuất 10 tháng của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 9,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 9,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,7%; khai thác quặng kim loại tăng 6,3%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,9%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,3%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 7,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 2,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 2,5%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 10 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước: Đường kính tăng 35%; phân hỗn hợp NPK tăng 17,5%; thuốc lá điếu tăng 9%; ti vi tăng 8,9%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 8,3%; sơn hóa học tăng 7,7%; sữa tươi tăng 7,4%; thép cán tăng 7,2%; sắt, thép thô tăng 5,8%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 16,9%; điện thoại di động giảm 11,4%; thép thanh, thép góc giảm 9,9%; xe máy giảm 9,2%; giày, dép da giảm 6%; xi măng giảm 4,7%; dầu mỏ thô khai thác giảm 4,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí và sữa bột cùng giảm 3,7%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/10/2023 tăng 1,0% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,4% so với cùng thời điểm năm trước cho thấy các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực so với tháng trước.

Báo cáo cũng đề cập, Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…. Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước.

Nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới sẽ là những điều kiện thuận lợi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, đã điều hành nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.

Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…

T.M

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chi-so-san-xuat-toan-nganh-cong-nghiep-uoc-tang-5-5-a634140.html