Chỉ thị số 37: Gỡ nút thắt cho bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao - (Kỳ III): Giải 'cơn khát' nguồn nhân lực chất lượng cao

Phát triển nguồn lao động chất lượng cao đóng vai trò then chốt, là nền tảng của sự phát triển bền vững, tăng lợi thế cạnh tranh của tỉnh và là yếu tố quan trọng để hoàn thành mục tiêu sớm đưa tỉnh ta trở thành tỉnh khá trong khu vực. Tuy vậy, để công tác đào tạo nghề thực sự đạt hiệu quả như kỳ vọng, đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển của một địa phương đang có đà tăng trưởng tích cực như Ninh Bình thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Dạy nghề chế biến món ăn tại Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình. Ảnh: Huy Hoàng

Dạy nghề chế biến món ăn tại Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình. Ảnh: Huy Hoàng

Địa chỉ uy tín của nhà tuyển dụng

Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô còn đặc biệt chú trọng tới công tác hỗ trợ tìm việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Ngay trong lễ bế giảng năm học, Nhà trường tổ chức hội chợ việc làm mời các doanh nghiệp trên địa bàn và các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp tham gia, qua đó tuyển dụng được những học viên đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các doanh nghiệp tham gia hợp tác với nhà trường và thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế-kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng các cấp độ. Cụ thể, Nhà trường đã hợp tác với Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông; Công ty Cổ phần Nhật Huy Khang; Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam... trong quá trình đào tạo, thực tập và cung cấp nguồn lao động cho doanh nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là nơi phản ánh rõ nét xu thế lao động của thị trường hiện nay. Theo lãnh đạo Trung tâm, mỗi năm, các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng qua Sàn giao dịch việc làm hàng chục nghìn lao động, trong đó, nhu cầu về nguồn lao động đã qua đào tạo tăng dần qua mỗi năm. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, trong tổng số trên 1.000 vị trí việc làm được tuyển dụng qua Sàn thì số lượng lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá.

"Thực tế này cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đào tạo đã khẳng định được uy tín, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà tuyển dụng. Và quan trọng nữa, là khi gửi chỉ tiêu, nhà tuyển dụng cũng không lo về tay trắng vì không tuyển được lao động như nhiều năm trước, bởi nguồn tuyển đã dồi dào hơn. Không chỉ tuyển dụng qua Sàn giao dịch việc làm, nhiều doanh nghiệp còn đặt hàng đào tạo trực tiếp; tham gia Ngày hội việc làm của các cơ sở đào tạo nghề… để có cơ hội tuyển dụng trực tiếp nguồn nhân lực này"- ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết.

Công ty Cơ khí Nam Thành (KCN Gián Khẩu) chuyên sản xuất con lăn băng tải sử dụng trong công nghiệp và hàn đắp phục hồi con lăn bàn nghiền cho các nhà máy sản xuất xi măng. Đại diện Công ty cho biết, mỗi năm, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển bổ sung hàng chục lao động có kỹ thuật về hàn, tiện và gia công cắt gọt. Để có đủ số lao động, doanh nghiệp phải thường xuyên đăng ký tuyển lao động thông qua mạng, qua Sàn giao dịch việc làm, thậm chí tìm kiếm lao động ở các địa phương khác, nhưng vẫn rất khó để đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, đó đã là câu chuyện của nhiều năm trước. Hiện nay, để tuyển dụng được nguồn lao động phù hợp, Công ty về tận các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh để "săn" lao động. Thậm chí, doanh nghiệp còn tham gia dự báo cung-cầu lao động để làm cơ sở thực tế, định hướng cho các trường dạy nghề xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đào tạo cho gần 200 nghìn lao động. Nguồn lao động này được cung cấp cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đảm nhận những vị trí việc làm quan trọng trong các phân xưởng, nhà máy sản xuất.

Cần sự đột phá để đáp ứng thị trường

Những nỗ lực vượt bậc của tỉnh trong hoạt động GDNN đã phần nào làm giảm "cơn khát" về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy vậy, trên thực tế, nguồn nhân lực này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn đặt ra. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 5 khu công nghiệp, 14 cụm công nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Dự báo từ ngành chức năng, nhu cầu về nguồn lao động tay nghề cao sẽ tăng lên đáng kể, khi lộ trình đến năm 2025, có thêm các CCN mới đi vào hoạt động. Đặc biệt, trong giai đoạn mới này, tỉnh ta sẽ ưu tiên khuyến khích thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, sử dụng lao động có tay nghề cao.

Để giải "cơn khát" về nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, tỉnh ta xác định phát triển GDNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII tiếp tục khẳng định, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 nhiệm vụ đột phá có tính chiến lược của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh ta cũng đã ban hành Kế hoạch số 77 ngày 22/7/2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có tay nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Điều này thể hiện rất rõ sự quyết tâm của tỉnh nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay.

Mục tiêu cơ bản của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 là tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước trong khu vực ASEAN; ít nhất 70% cơ sở GDNN và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; 100% chương trình đào tạo nghề được xây dựng trên cơ sở khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp"; có 3 trường đạt chất lượng cao; khoảng 20 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 1 đến 3 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh trong các nước ASEAN-4. Đến năm 2045, GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao tại địa phương, bắt kịp trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung triển khai các nội dung cơ bản của Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở GDNN theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động.

Cùng với đó, chú trọng các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh, mũi nhọn gắn với nhu cầu thị trường lao động. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. Tập trung triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số trong GDNN, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề. Chú trọng việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN, phấn đấu đến năm 2030, 100% nhà giáo đạt chuẩn, cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý-quản trị hiện đại. Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, có sự tham gia của hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động phù hợp với chương trình đào tạo.

Tin tưởng rằng, với sự chủ động, quyết liệt trong thực hiện các giải pháp, tỉnh ta sẽ tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, toàn diện để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trước mắt, là mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp, cơ khí...

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chi-thi-so-37-go-nut-that-cho-bai-toan-nguon-nhan-luc-chat/d202408280824026.htm