Chỉ thị số 40 tạo dấu ấn quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp

Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Sự hưởng ứng nhiệt tình của hàng nghìn hộ nông dân. Hơn 240 HTX nông nghiệp, hơn 2.000 tổ hợp tác, nhóm liên kết sản xuất, cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã tìm được tiếng nói chung. Từ đó, tạo ra những dấu ấn quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thiết thực đưa Chỉ thị số 40-CT/TU đi sâu vào cuộc sống.

Thử nghiệm tự động chuyển đổi văn bản thành tiếng nói Tiếng Việt (Viettel)

Your browser dose not Support the audio Tag

Sau 5 năm thúc đẩy liên kết sản xuất trong nông nghiệp, huyện Kim Bôi đã bước đầu tạo ra các cánh đồng lớn để sản xuất nông nghiệp tập trung. Ảnh: Doanh nghiệp liên kết với người dân triển khai hiệu quả mô hình thâm canh lúa VNR20 chất lượng cao tại xã Hợp Tiến.

Sau 5 năm thúc đẩy liên kết sản xuất trong nông nghiệp, huyện Kim Bôi đã bước đầu tạo ra các cánh đồng lớn để sản xuất nông nghiệp tập trung. Ảnh: Doanh nghiệp liên kết với người dân triển khai hiệu quả mô hình thâm canh lúa VNR20 chất lượng cao tại xã Hợp Tiến.

Sự đồng thuận bắt nguồn từ một chỉ thị có tầm chiến lược

Chỉ thị số 40-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về đẩy mạnh việc phát triển hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp, gắn với xây dựng cánh đồng lớn và vận động người dân cải tạo vườn tạp, được ban hành vào giữa tháng 11/2014. Ngay sau đó, BTV Tỉnh ủy đã lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa nội dung chỉ thị, ban hành các đề án, quyết định, hướng dẫn để thiết thực đưa chỉ thị đi sâu vào cuộc sống, các nội dung được triển khai theo đúng yêu cầu đề ra.

Sau khi chỉ thị được ban hành, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã được kết nối để cùng vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.

Trong 5 năm, đã có nhiều quyết sách được ban hành trên cơ sở Chỉ thị số 40. BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04 về cải tạo vườn tạp giai đoạn 2016 - 2020. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 226 phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; ban hành Nghị quyết số 218 quy định về chính sách đặc thù, tín dụng, thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2973 phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ thực hiện, phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, cân đối, bố trí nguồn vốn để hỗ trợ thực hiện các chính sách liên kết… Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức CT-XH các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp để tổ chức thực hiện phong trào thi đua toàn diện, rộng khắp, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, cũng như cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Sự liên kết – dấu ấn quan trọng trong sản xuất nông nghiệp

Tại huyện Yên Thủy, quyết tâm đưa Chỉ thị số 40 đi sâu vào cuộc sống đã mang đến những kết quả thuận lợi trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy phù hợp với tình hình địa phương, huyện Yên Thủy xác định giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2016 – 2020 là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với hình thành các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác. Theo kế hoạch, huyện phấn đấu mỗi năm thành lập 1 HTX nông nghiệp; cùng với đó, đẩy mạnh các giải pháp về ứng dụng KHKT, dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, vận động người dân cải tạo vườn tạp, xây dựng cánh đồng lớn sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao…

Đồng chí Bùi Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong nỗ lực chung, huyện Yên Thủy xác định ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy sự hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp thông qua các tổ hợp tác, HTX, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Đến nay, một số xã đang tích cực thúc đẩy các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lợi thế, điển hình như xã Yên Trị với dự án chuỗi sản xuất cà gai leo, xã Đoàn Kết với dự án chuỗi sản xuất bí xanh… UBND huyện cũng có cơ chế hỗ trợ đặc thù để thúc đẩy các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó, hình thành các sản phẩm nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, được sản xuất tập trung trên những cánh đồng lớn.

Cũng như huyện Yên Thủy, một số địa phương như: Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy, Lương Sơn, Kim Bôi… đã bước đầu tạo được dấu ấn thông qua thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, gắn với xây dựng cánh đồng lớn. Thực tế 5 năm qua đã chứng minh, đây chính là chiến lược phát triển phù hợp với các địa phương trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 34 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, với mục tiêu phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, khuyến khích liên kết, liên doanh, vừa đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức doanh nghiệp, HTX, vừa quan tâm phát triển kinh tế hộ. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 241 HTX nông nghiệp được thành lập, chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX; 2.005 tổ hợp tác, nhóm liên kết sản xuất; 180 trang trại nông nghiệp... Trong đó, đã có 76 HTX ký được hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định, 65 doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, trang trại sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, đây là những diễn biến đáng ghi nhận, cho thấy sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang tích thêm nội lực để hướng tới sự phát triển bền vững hơn.

Trong quyết tâm chung của toàn tỉnh, các địa phương đã căn cứ điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển sản xuất, để xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp trên cánh đồng lớn. Đến nay, đã bước đầu hình thành các cánh đồng lớn, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất nông nghiệp tập trung, có giá trị gia tăng cao, điển hình như vùng sản xuất cam Cao Phong trải rộng trên địa bàn huyện Cao Phong, vùng sản xuất chè đen phục vụ xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Sông Bôi, vùng sản xuất cây có múi thuộc HTX Mường Động, vùng sản xuất nhãn an toàn thuộc HTX nông nghiệp Sơn Thủy... Sở NN&PTNT cũng đã hoàn thành việc xác định các khu sản xuất trồng trọt tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học tại các huyện, thành phố, quy mô các khu sản xuất đều đáp ứng quy định về diện tích của cánh đồng lớn, đặt tiền đề cần thiết để thu hút vốn đầu tư phát triển thành các khu sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, những dấu ấn đầu tiên đã xuất hiện, mở ra nhiều cơ hội mới, để ngành nông nghiệp của tỉnh hướng tới những giá trị bền vững của một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Khánh An

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/140187/chi-thi-so-40-tao-dau-an-quan-trongtr111ng-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep.htm