Chỉ thực hiện với chi phí vay hợp lý, bảo đảm khả năng trả nợ
Đại diện Bộ Tài chính ngày 21/6 cho biết: Việc tổ chức huy động vốn vay đáp ứng nhu cầu của ngân sách Nhà nước (NSNN) trong từng thời kỳ chỉ thực hiện với chi phí vay hợp lý, phù hợp với mức độ rủi ro của khoản vay, bảo đảm khả năng trả nợ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ ở mức an toàn, kiểm soát đối với nợ nước ngoài, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước; gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Trong điều kiện đã tốt nghiệp điều kiện vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) và không còn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cao, giá rẻ như trước, Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào các công cụ thị trường và càng đòi hỏi phải hoạch định chiến lược vay, trả nợ công trung, dài hạn thận trọng, linh hoạt để hạn chế những hệ quả tiêu cực lâu dài.
Đại dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu luôn sẵn sàng huy động tài chính dự phòng trong ngắn hạn và trung hạn. Do đó, chiến lược nợ công trong giai đoạn tới cần phải giải quyết được nhiều vấn đề then chốt trong vay vốn đầu tư của Nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng và thực hiện Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030 gắn với nhữn quan điểm chủ đạo, trong đó quan điểm đầu tiên là chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ. Trong các nguồn vay, Việt Nam xác định nguồn vay trong nước là quyết định, nguồn vay nước ngoài là quan trọng và nợ công tiếp tục là đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực tăng trưởng bền vững.
“Việc tăng cường quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN), nợ công theo kế hoạch trung hạn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch tài chính với kế hoạch đầu tư công, kế hoạch vay trả nợ công. Nguồn lực nợ công cần tập trung vào bù đắp bội chi NSNN, vay theo nhu cầu sử dụng vốn”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Việc quản lý nợ công chặt chẽ là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay; và việc tính toán kỹ lưỡng trong khả năng trả nợ của từng cấp ngân sách, từng đối tượng vay vốn; bố trí thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2021 - 2025, việc kiểm soát chỉ tiêu bội chi NSNN được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách hằng năm và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm các chỉ tiêu an toàn về nợ bao gồm trần, ngưỡng trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam theo đuổi chủ trương bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN đến năm 2030 xuống khoảng 3% theo Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo tính toán, đến cuối giai đoạn 2021 - 2030 tỷ lệ nợ công có thể ở mức 48 - 50% GDP (dưới mức trần nợ công 60% GDP và ngưỡng an toàn nợ 55% GDP được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2021-2025); nợ Chính phủ có thể lên mức 45 - 47% GDP (dưới mức trần nợ Chính phủ 50% GDP, tuy nhiên tiến sát và có khả năng vượt ngưỡng an toàn nợ 45% GDP được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2021-2025).
Trên cơ sở nghiên cứu khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, Bộ Tài chính tính toán chỉ tiêu trần an toàn nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP tiếp tục phù hợp giai đoạn 2026 - 2030. Tỷ lệ này có tính đến rủi ro vĩ mô, tài khóa gia tăng và các nhu cầu chi trong dài hạn, đặc biệt cho biến đổi khí hậu và già hóa dân số. Đồng thời, việc điều hành nhu cầu vay nợ Chính phủ hằng năm đều gắn với tình hình thu, chi NSNN, bảo đảm chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ luôn trong ngưỡng an toàn như các tổ chức quốc tế khuyến nghị.
"Trong điều kiện Việt Nam đã tốt nghiệp điều kiện vay IDA của WB và không còn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cao, giá rẻ như trước, nước ta sẽ phải dựa nhiều hơn vào các công cụ thị trường và càng đòi hỏi phải hoạch định chiến lược vay, trả nợ công trung, dài hạn thận trọng, linh hoạt để hạn chế những hệ quả tiêu cực lâu dài. Đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu luôn sẵn sàng huy động tài chính dự phòng trong ngắn hạn và trung hạn", ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết.