Chi tiền mua giấc ngủ
3 tháng qua, Quỳnh Lan (sinh năm 1996, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sử dụng kẹo ngủ mỗi tối. Trước đây, cô từng dùng trà hoa cúc, trà trái cây, thậm chí cả đồ uống có cồn.
3 tháng qua, Quỳnh Lan (sinh năm 1996, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sử dụng kẹo ngủ mỗi tối. Trước đây, cô từng dùng trà hoa cúc, trà trái cây, thậm chí cả đồ uống có cồn.
Theo Quỳnh Lan, cô gặp tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc từ khoảng một năm qua. Cô không biết chắc chắn nguyên nhân, nhưng nhận thấy mình khó ngủ hơn vào những ngày gặp áp lực tình cảm, công việc.
Cô từng thử nhiều cách, nhưng các loại trà dường như không mang lại hiệu quả, đồ uống có cồn lại hại sức khỏe.
"Được một người bạn giới thiệu về kẹo ngủ, tôi quyết định mua một lọ với giá 600.000 đồng", cô chia sẻ với Zing.
Thức trắng
Mỗi đêm, nằm trên giường, Quỳnh Lan cố nhắm mắt nhưng không hề buồn ngủ. Cô đành chơi game hoặc lướt mạng xã hội đến khoảng 3-4h sáng, đến khi cơ thể quá mệt và tự động thiếp đi.
"Mất ngủ, thiếu ngủ làm mắt tôi sưng húp, cơ thể mệt mỏi, không còn chút sức lực nào cho ngày làm việc hôm sau. Nhưng tôi sợ nhất là cảm giác bất lực khi mình cố gắng mà không thể ngủ. Như thể một cánh tay của mình vẫn hoạt động tốt, đến một ngày bất ngờ nó nằm yên, không còn sự sống nữa", cô kể.
Vấn đề của Quỳnh Lan càng nghiêm trọng hơn sau khi cô mắc Covid-19. Nhiều đêm, cô thức trắng cùng chiếc điện thoại cạn pin. Một lần, cô không thể ngủ trong hai ngày liên tiếp. Đến đêm thứ ba, cô kiệt sức và bắt đầu cơn sốt li bì.
"Bác sĩ chẩn đoán tôi mất ngủ, suy kiệt do hậu Covid-19 hoặc áp lực kéo dài. Tôi được khuyên sử dụng thuốc theo đơn, nghỉ ngơi hoặc tập ngồi thiền để hạn chế căng thẳng.
Nhưng tôi không muốn uống thuốc Tây quá nhiều bởi đang dùng thuốc điều trị dị ứng. Tôi cũng không có sở thích hay thói quen ngồi thiền. Bác sĩ nói tôi có thể thử kẹo ngủ (một loại thực phẩm chức năng có thành phần melatonin), nhưng chỉ có tác dụng hỗ trợ và khó lâu dài", Quỳnh Lan cho hay.
Còn đối với Nguyễn Tiến Phúc (sinh năm 1995, quận 4, TP.HCM), mất ngủ và căng thẳng như một vòng lặp không hồi kết. Áp lực cuộc sống làm anh khó ngủ, nhiều đêm thức trắng. Và khi thức trắng, anh lại càng mệt mỏi và khiến mình thêm nhiều áp lực.
"Bạn bè hay nói tôi là người có tất cả nhưng thiếu ngủ. Nằm trên giường, tôi không hề sử dụng điện thoại hay máy tính. Tôi còn mất ngủ trước khi dương tính nCoV, tức là vấn đề của tôi không liên quan gì đến hậu Covid-19", anh nói.
Thiếu ngủ, mất ngủ làm Tiến Phúc trở nên dễ bực bội và mất tập trung. Anh nhiều lần quên cuộc họp, ngủ gật trong giờ làm, thậm chí đang nói phải dừng lại vì quên mất những suy nghĩ trong đầu.
Một giai đoạn, anh cảm thấy mình dễ ngủ hơn khi say hoặc lao lực. Nhiều đêm, anh cố uống rượu hoặc chạy bộ cho đến kiệt sức. Tuy vậy, cách làm này không thể duy trì được lâu vì càng khiến anh mệt mỏi vào sáng hôm sau.
Cho đến gần đây, Tiến Phúc tự tìm hiểu và sử dụng một loại thuốc an thần dạng nhẹ. Theo anh, với 2 viên thuốc này trước khi đi ngủ, anh không chỉ dễ ngủ hơn mà còn giảm đau đầu.
"Tôi biết việc sử dụng thuốc an thần không kê đơn, dù là liều nhẹ, đều mang tác dụng phụ nào đó. Nhưng với tôi, ngủ được đã là tốt rồi".
Liệu pháp tinh thần
Trần Hằng (sinh năm 1994, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng từng sử dụng kẹo ngủ để đối phó với tình trạng mất ngủ của mình. Nhưng sau đó, cô quyết định thử phương pháp ngồi thiền, ngửi mùi nến thơm và hương thảo mộc.
Hằng cho biết mình bị mất ngủ khoảng gần nửa năm qua, đặc biệt sau giai đoạn mắc Covid-19. Giấc ngủ kém chất lượng khiến cô cảm thấy uể oải, khó tập trung và không thể tận hưởng cuộc sống một cách vui vẻ.
"Tôi từng mua kẹo ngủ, tập luyện thể thao với hy vọng dễ ngủ. Nhưng dường nhưng những biện pháp đó không hoàn toàn phù hợp. Vài tháng qua, tôi duy trì việc ngồi thiền sâu, đốt thêm nến thơm hoặc hương trầm, cảm thấy dễ chịu hơn nhiều", cô bày tỏ.
Theo Hằng, việc mất ngủ ở người trẻ chủ yếu do áp lực tinh thần. Cô không muốn điều trị bằng những giải pháp tạm thời. Thay vào đó, cô cố gắng chữa lành từ bên trong, giải tỏa áp lực bằng sự tĩnh tâm. Khi đầu óc thật sự thư thái, giấc ngủ sẽ đến một cách tự nhiên.
"Tôi đã tìm hiểu kỹ lưỡng và thấy rằng những biện pháp mình lựa chọn rất lành tính, không chỉ mang lại ích lợi cho giấc ngủ mà còn sức khỏe nói chung. Khi các triệu chứng mất ngủ hoàn toàn biến mất, tôi vẫn sẽ duy trì việc ngồi thiền để xả stress", cô nói.
Tuy nhiên, đối với Hằng, việc ngồi thiền, đốt nến thơm không thể mang lại hiệu quả nhanh chóng. Đây là giải pháp giúp thay đổi từ từ. Nếu ai muốn lập tức chấm dứt tình trạng mất ngủ, có lẽ họ không nên áp dụng biện pháp này.
"Thú thật, ban đầu khi mới tập ngồi thiền, tôi có phần sốt ruột. Tác dụng của biện pháp này không thể đến trong 1-2 ngày".
Không thể lạm dụng
Quay trở lại với câu chuyện của Quỳnh Lan, cô cho biết việc phụ thuộc vào các loại thuốc để có giấc ngủ ngon khiến cô lo lắng.
"Có những ngày tôi quá áp lực, ăn liền 3 viên kẹo mà vẫn không thể ngủ. Tôi lo rằng cơ thể mình đã bắt đầu 'nhờn' thuốc và phải tìm tới một cách điều trị khác", cô tâm sự.
Năm 2021, theo công bố nghiên cứu về giấc ngủ của Tạp chí Y học Việt Nam, bệnh nhân mất ngủ có độ tuổi trên 30 chiếm tỷ lệ cao (90%).
Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới có xu hướng cao hơn nam giới. Chứng mất ngủ gặp ở đối tượng lao động trí óc và lao động tự do, hầu hết đã có gia đình.
Thời gian mắc bệnh từ 3 tới 6 tháng chiếm tỷ lệ cao (63,3%). Các nguyên nhân gây mất ngủ bao gồm áp lực công việc, mâu thuẫn gia đình, tổn thất kinh tế.
Theo PGS.TS.BS Huỳnh Wynn Trần, việc sử dụng các loại thuốc chữa mất ngủ cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi dùng. Mỗi loại thuốc ngủ sẽ có những tác dụng phụ khác nhau. Tác dụng phụ thường gặp nhất là chóng mặt, nhức đầu sau khi tỉnh dậy.
Ngoài ra, các loại thuốc ngủ còn gây phụ thuộc. Càng sử dụng lâu dài, bệnh nhân cần phải uống liều cao hơn. Ngoài ra, thuốc này còn có tác dụng phụ khác như khô miệng, buồn nôn, nôn, tăng cân, nhịp tim không đều, giảm trí nhớ và khả năng làm việc.
Về phần Tiến Phúc, anh cũng cho thấy điều tương tự. Những ngày đầu mới dùng thuốc an thần, anh chỉ cần uống một viên trước khi đi ngủ.
Giờ đây, số viên thuốc đã tăng gấp đôi. Anh lo sợ trong tương lai, cơ thể mình sẽ đòi hỏi nạp thêm nhiều loại thuốc này.
"Dù chi tiền ra, tôi vẫn không có được một giấc ngủ lành mạnh đúng nghĩa. Tôi từng tập viết, tập nói, không ngờ khi lớn lên còn phải tập làm một điều bản năng đó là đi ngủ", anh thở dài.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chi-tien-mua-giac-ngu-post1321156.html